Chị Phượng “khùng” ở Sài Gòn bỏ làm thầu xây dựng, mở quán "ăn tùy bụng - trả tùy tâm", ngày bù lỗ 1 triệu đồng

Trung Sơn |

"Trên đời này phải có những người khùng. Tôi chấp nhận được dù điều mình đang làm bị phản đối. Xã hội vốn dĩ không ai giống ai" - Chị Phượng nói nhẹ tênh.

Những thực khách đến ăn chay tại quán Mãn Tự thường thấy bà chủ - một phụ nữ tầm 40 tuổi mặc áo nâu, chân di dép xỏ ngón trực tiếp phục vụ. Ít ai biết, chị Phượng từng là giám đốc của công ty thầu xây dựng với hơn 200 công nhân, một thời từng váy áo tung xòe, shopping mải miết…

Chị Phượng giờ là chủ của quán chay "ăn tùy bụng, trả tùy tâm", tức trả bao nhiêu tiền cũng được - mang tên Mãn Tự nằm trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1, TPHCM. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nơi đây tấp nập khách nước ngoài, khách văn phòng, rồi có những người chạy hơn chục cây số đến đây để thưởng thức các món chay của Mãn Tự.

Chị Phượng nói: "Lương của mình giờ là ngày 2 bữa cơm. Đi từ sáng tới 10 giờ đêm mới về. Mình muốn gieo duyên ăn chay, để mọi người có sức khỏe. Nếu mọi người có sức khỏe thì bệnh viện sẽ đỡ quá tải".

Và chị Phượng đã có những chia sẻ với Trí Thức Trẻ về câu chuyện quán chay tùy hỷ của người phụ nữ bị bạn bè gọi là Phượng "khùng".

Bỏ công ty xây dựng hơn 200 nhân viên để làm quán chay tùy hỷ

Chị Phượng “khùng” ở Sài Gòn bỏ làm thầu xây dựng, mở quán ăn tùy bụng - trả tùy tâm, ngày bù lỗ 1 triệu đồng - Ảnh 1.

Từng là chủ một công ty xây dựng với hàng trăm nhân sự, vì sao chị lại từ bỏ công việc để mở quán chay tùy hỷ Mãn Tự, từ bỏ cuộc sống sang chảnh để đến với dép xỏ ngón, tóc búi và áo nâu - hồng giản đơn?

Chỉ có thể nói là nhân duyên. Thời gian làm người ta thay đổi trong tâm tư, suy nghĩ. Tôi từng làm giám đốc công ty xây dựng Thái Phương với hơn chục kỹ sư và 200 công nhân. Chồng tôi, một người Bồ Đào Nha, cũng làm trong ngành xây dựng. Có thể nói, cuộc sống khá sung túc. Tôi cũng shopping, ăn diện một thời…

Nhưng rồi đến một thời điểm, tôi thấy ăn sáng, đi làm, rồi lại lặp lại như vậy. Ai cũng tất bật từ sáng đến chiều… Ăn uống, làm việc, mọi thứ chỉ phục vụ bản thân.

Một lần, tôi gặp chú Mãn Tự, chú là một cư sĩ 80 tuổi. Nghe những điều chú nói, tôi ngộ ra nhiều điều. Và điều tôi ngộ ra nhiều nhất là tôi muốn buông. Buông ở đây là buông cái sân si trong lòng.

Ngày xưa lo ăn chơi, giờ muốn lấy công sức để mang lại những giá trị nhất định. Và tôi mở quán chay tùy hỷ Mãn Tự với mong muốn mang lại bữa cơm chay sức khỏe cho mọi người. Quán cũng hoạt động được hơn 3 năm.

Tôi thấy mình hạnh phúc, sống có ích hơn xưa.

Ở Sài Gòn có nhiều mô hình quán chay, lý do nào khiến chị mở quán chay tùy hỷ?

Ai cũng có con đường đi riêng. Tôi sống ở Tôn Thất Đạm lâu rồi, từ 2009 thì thấy, khu đó giới trí thức nhiều. Ba năm về trước, quan điểm ăn chay không phổ biến như bây giờ. Tôi muốn gieo duyên ăn chay để tốt cho sức khỏe đến cho mọi người.

Theo bạn, nếu làm quán 0 đồng thì trí thức có vào ăn không? Tôi cho rằng họ sẽ tự ái vì cảm thấy đó là cơm từ thiện. Nếu là trả tùy tâm thì họ ăn bao nhiêu sẽ trả bấy nhiêu.

Tôi thấy chi phí sinh hoạt của nhiều dân văn phòng cũng không nhiều. Họ cũng có những ngày khó khăn. Nếu ngày nào họ khó khăn thì có thể bỏ ít, ngày nào dư dả thì có thể bỏ nhiều. Không sao cả. Nếu sau này thành công, họ sẽ đi giúp những người khác.

Chị Phượng “khùng” ở Sài Gòn bỏ làm thầu xây dựng, mở quán ăn tùy bụng - trả tùy tâm, ngày bù lỗ 1 triệu đồng - Ảnh 2.

Chuyện từ bỏ một công việc với thu nhập tốt để mở quán chay mà người ăn trả bao nhiêu tùy tâm, ắt hẳn phải có một động lực, niềm tin rất lớn?

Tôi tin là cho đi thì còn mãi. Bán buffet tùy hỷ, có người góp, có người không nhưng mình cứ nghĩ là gieo duyên về sức khỏe để bệnh viện đỡ quá tải. Như vậy là mình có động lực làm.

Lương của tôi giờ chỉ là ngày 2 bữa cơm no. Đi từ sáng đến 10 giờ đêm mới về. Tôi chỉ cần no cái bụng để làm việc thôi. Làm những việc có giá trị để để lại cho con, cho gia đình. Còn sức thì còn làm, mình làm từ sáng đến tối nhưng được cho nhiều người.

"Người ta nói tôi khùng"

Quán chay tùy hỷ Mãn Tự hoạt động ra sao sau Covid-19?

Quán chay tùy hỷ nằm trên đường Tôn Thất Đạm khách giảm khoảng 40%. Lý do, theo tôi nghĩ, Covid-19 đã khiến nhiều người thay đổi. Người ta thích ăn ở nhà hơn. Bên cạnh đó, trước dịch, khách nước ngoài đến Mãn Tự rất nhiều nhưng nay do dịch bệnh, nên khách ngoại quốc giảm hẳn. Hiếm lắm mới thấy một người đến ăn.

Trung bình, quán có khoảng 300 lượt khách, doanh thu khoảng 5,5 triệu đồng/ngày. Chi phí thuê mặt bằng cho quán là 65 triệu đồng (cả điện, nước)/tháng. Mỗi ngày, quán lỗ khoảng 1 triệu đồng và lỗ triền miên từ khi thành lập, tức 3 năm nay.

Mãn Tự còn có quán chay ở Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Quán chay này mới bán theo thực đơn, bán theo món, mong có lời để bù vào quán buffet.

Mãn Tự mới đóng một quán ở sân bay Tân Sơn Nhất, khu bay quốc tế trong đợt Covid-19 vì sân bay không bóng người do dịch bệnh.

Đợt sau dịch này, nói thực là thực đơn buffet ở Tôn Thất Đạm có giảm đi vài món, vì chi phí quá cao. Thôi, cùng lúc khó khăn, phục vụ thực khách no bụng trước. Và đợt này, thay vì dân văn phòng nhiều, khách đến Mãn Tự đa số là sinh viên.

Quán buffet lỗ triền miên. Chị có bao giờ thấy buồn vì khách "phụ" tấm lòng của chị?

Suy nghĩ của nhiều người trong việc nhận - trả hằn sâu trong thời gian dài rồi. Tôi không nghĩ là mình thay đổi được ai mà tôi phải thay đổi trước.

Chị Phượng “khùng” ở Sài Gòn bỏ làm thầu xây dựng, mở quán ăn tùy bụng - trả tùy tâm, ngày bù lỗ 1 triệu đồng - Ảnh 3.

Có nghĩa là chị chấp nhận điều đó?

Để làm được điều gì có giá trị nhân văn thì bản thân mình phải thay đổi trước. Tôi biết có nhiều người nói tôi là cứng đầu và làm quán chay tùy hỷ là quá sức, là khùng. Nhưng thôi cứ làm đi, hết sức thì thôi. Nếu nghe người này, người kia mà bỏ dở công việc thì tôi tin là tôi không vui.

Những người thành công, họ rất tận lực. Tôi nghĩ tôi cứ làm đi rồi sẽ có người đồng hành.

Nói thực, khi mới mở quán, cũng có lúc rất buồn. Nhưng khi quán đã hoạt động được 3 năm thì tôi chấp nhận. Tôi phải thay đổi bản thân trước.

Người ta gọi chị là chị Phượng khùng. Chị nghĩ sao?

Trên đời này phải có những người khùng. Tôi chấp nhận được dù điều mình đang làm bị phản đối. Xã hội vốn dĩ không ai giống ai.

Đã bao giờ chị muốn bỏ cuộc chưa?

Có lúc buồn nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Tôi gắng được thì vẫn giúp được mấy chục nhân viên để họ có việc làm. Tôi không còn nhu cầu son phấn, ăn mặc, chưng diện. Chỉ muốn làm để mang lại giá trị cho cuộc đời. Có nhiều thì làm nhiều, có ít thì làm ít.

Thị phi nhiều lắm nhưng mỗi lần khó khăn, tôi lại thấy giống như một bài thi, mình lại lớn hơn và trưởng thành hơn.

Đợt cách ly xã hội vì Covid-19, quán chay buffet nghỉ nhưng Mãn Tự vẫn nấu cơm cho những người khó khăn, có ATM gạo, siêu thị 0 đồng để giúp đỡ cho bà con khó khăn. Đó là điều mà tôi rất vui khi làm được.

Vì Covid-19, nhiều người, nhiều chủ nhà hàng, chủ doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Không phải ai cũng giữ được những suy nghĩ bình tĩnh như chị, và không phải ai cũng có nền tảng kinh tế để vượt qua được như chị. Chị có lời khuyên gì cho người ta không?

Bình tĩnh, lạc quan, không lo sợ. Quá khứ đã qua, tương lai thì không ai biết trước được. Cứ bình tĩnh, làm hết những điều có thể.

Với riêng tôi, nếu trường hợp xấu Covid-19 trở lại thì Mãn Tự sẽ tái khởi động lại các hoạt động đã làm trong đợt dịch trước. Đó là nấu cơm từ thiện, làm ATM gạo… để tiếp tục hỗ trợ những người trong hoàn cảnh khó khăn.

Chị Phượng “khùng” ở Sài Gòn bỏ làm thầu xây dựng, mở quán ăn tùy bụng - trả tùy tâm, ngày bù lỗ 1 triệu đồng - Ảnh 4.

Tiền không mua được những giá trị vô hình

Chồng chị là người nước ngoài và cùng làm thầu xây dựng với chị năm xưa. Anh ấy có phản ứng như thế nào khi chị từ bỏ công việc có thu nhập tốt để mở quán chay tùy hỷ?

Chồng tôi người Bồ Đào Nha. Tôi rất cảm ơn anh ấy. Anh ấy chưa phản đối tôi điều gì dù tôi đúng hay sai. Anh ấy đồng hành cùng tôi. Sáng đi lấy rau, rồi chở vợ về.

Như sáng nay, anh chở tôi đi Lotte Mart, xong đi qua đường Nguyễn Thái Bình, rồi đi chợ…. Buổi trưa, anh ấy sẽ sang phụ quán ở Tôn Thất Đạm. Tôi đi làm từ sáng, thường 10 giờ đêm mới về đến nhà.

Chị phục vụ Mãn Tự từ sáng tới đêm. Vậy công việc nhà, các con thì sao?

Chúng tôi có con trai 6 tuổi. Tôi ăn chay, còn anh ấy vẫn ăn uống bình thường. Thường thường, anh ấy chở tôi đi lấy rau, sau đó sẽ sang quán buffet phục vụ. Có hôm em bé cũng ra chợ, cả nhà đi cùng nhau.

Tiếp đó, anh ấy về đón con, lo cơm nước cho con và bọn trẻ ngủ. Anh ấy đang hưởng lương thất nghiệp với số tiền là 36 triệu đồng/tháng.

Nhiều người phản đối tôi, nói tôi không lo cho gia đình. Nhưng tôi hài lòng với cuộc sống mình đang có. Những điều tôi làm sẽ giúp con tôi được yêu mến hơn. Con tôi cũng hiền hơn, lành hơn và có trách nhiệm làm việc nhà bình thường

Tiền không mua được những giá trị vô hình đó.

Tôi có nghe chuyện chị muốn thực khách đầu tư vào Mãn Tự. Câu chuyện đầu tư đó ra sao?

Tôi vẫn chờ có người đồng hành. Tôi mở quán ở sân bay nhưng đóng cửa nên đã rất đuối.

Tuy nhiên, nói thực là có nhiều người muốn đầu tư nhưng họ lại muốn thay đổi mô hình, cách kinh doanh nên tôi từ chối.

Tôi vẫn bán rau, trái cây tươi thêm ở quán buffet để có chi phí cho nhân viên. Khoản này bù khoản kia để tiếp tục duy trì quán tùy hỷ.

Chị định phát triển Mãn Tự như thế nào trong tương lai?

Tôi vẫn muốn phát triển Mãn Tự thật chỉn chu tại Việt Nam. Sau khoảng 3 năm nữa, khi con trai vào lớp 4, tôi sẽ qua lại giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam. Tôi cũng muốn mở quán buffet chay tại Bồ Đào Nha.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại