Australia ra công hàm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Từ góc nhìn của một cường quốc tầm trung

TS. Hà Anh Tuấn - NCS. Nguyễn Lan Hương |

Thêm một quốc gia lên tiếng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 23/7/2020, Phái đoàn thường trực của Australia tại Liên Hợp Quốc gửi Công hàm số 20/026 tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bày tỏ lập trường của Australia và bác bỏ nhiều luận điểm trong yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Australia ra công hàm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Từ góc nhìn của một cường quốc tầm trung - Ảnh 1.

Thủ tướng Australia Morrison trong cuộc họp báo tại Canberra tháng 5/2020 (Nguồn: Reuters)

Một số chuyên gia đặt động thái mới nhất của Australia diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng Australia - Trung Quốc thời gian gần đây, cho rằng Australia đang thể hiện dấu hiệu "thoát Trung" với nhiều biện pháp quyết đoán như tập trận với Mỹ ở Biển Đông, kêu gọi điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của dịch COVID-19, chấm dứt chương trình Học viện Khổng Tử, cấm công ty Huawei tham gia xây dựng mạng 5G…

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, việc Australia tham gia "cuộc chiến" công hàm trong vấn đề Biển Đông thể hiện lập trường nhất quán bảo vệ luật pháp quốc tế với tư cách một quốc gia tầm trung ngoài khu vực.

Công hàm 20/026 và giá trị của luật pháp quốc tế

Giống nhiều cường quốc ngoài khu vực khác, Australia không có yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền song có lợi ích quan trọng về an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Trong thập kỷ qua, tuy chính trường Australia chứng kiến sự thay đổi của nhiều đời chính phủ song lập trường của Australia về Biển Đông luôn nhất quán, bao gồm: (i) không ủng hộ bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông; (ii) ủng hộ vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển UNCLOS 1982; (iii) quan ngại về các hoạt động tôn tạo đảo và xây dựng của các bên yêu sách gia tăng căng thẳng trong khu vực, phản đối việc sử dụng các cấu trúc nhân tạo tại Biển Đông nhằm mục tiêu quân sự; (iv) nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN và Trung Quốc trong việc thỏa thuận về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và (v) các bên theo đuổi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Trong Công hàm 20/026 phủ kín hai trang, chính phủ Australia phản đối các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, nhất là những yêu sách vùng biển không tuân thủ các quy định về đường cơ sở, vùng biển và phân loại các thực thể. Lập trường của Australia có sáu điểm quan trọng.

Thứ nhất, Australia phản đối yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử" và "quyền và lợi ích biển" được xác định dựa trên "thực tiễn lịch sử lâu đời" ở Biển Đông; khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 đã kết luận những yêu sách này không phù hợp với UNCLOS 1982 và không có giá trị pháp lý.

Thứ hai, Australia khẳng định, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối những điểm xa nhất của các thực thể trên biển hay các "nhóm đảo" ở Biển Đông, bao gồm quanh "Tứ Sa", hay các quần đảo "lục địa" hay "xa bờ".

Thứ ba, Australia phản đối yêu sách vùng biển của Trung Quốc được xác lập từ các bãi ngầm, bãi lúc chìm lúc nổi hoặc từ các thực thể nhân tạo ở Biển Đông. Australia không chấp nhận các thực thể nhân tạo có thể được thụ hưởng quy chế của đảo theo điều 121.1 UNCLOS.

Thứ tư, Australia bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng chủ quyền của nước này ở Biển Đông "được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi" và có chủ quyền "liên tục và hiệu quả" trên các bãi lúc chìm lúc nổi.

Thứ năm, Australia cho rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông có giá trị chung thẩm và ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Philippines.

Cuối cùng, Australia kêu gọi các quốc gia tranh chấp tại Biển Đông, bao gồm Trung Quốc, làm rõ yêu sách biển của mình và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Như vậy, Công hàm số 20/026 cơ bản vẫn thể hiện lập trường pháp lý nhất quán của Australia về vấn đề Biển Đông; đặc biệt ở ba khía cạnh không đứng về bên nào trong tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể, đòi hỏi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Tuy nhiên, Công hàm này lần đầu tiên đã làm rõ, đầy đủ và có hệ thống lập trường của Australia, theo đó phản đối toàn bộ các yêu sách trên biển của Trung Quốc với những diễn giải đầy đủ dựa trên các quy định của Công ước Luật biển năm 1982.

Bên cạnh việc thể hiện lập trường tương đồng với nhiều quốc gia khác, kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và bác bỏ các yêu sách vùng biển phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Công hàm này cũng có một số điểm đáng chú ý, thể hiện cách tiếp cận khác biệt của Australia.

Một là, không chỉ phản đối vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm xa nhất của các thực thể trên biển hay nhóm đảo ở Biển Đông, Australia còn phản đối cụ thể việc vẽ đường cơ sở thẳng quanh "Tứ Sa" hoặc "các quần đảo xa bờ" hay "lục địa" mà Hội luật quốc tế Trung Quốc từng đưa ra năm 2018 để phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài. Cần lưu ý, chính phủ Trung Quốc chưa từng chính thức sử dụng các khái niệm này nên việc Công hàm của Australia nêu trực tiếp các khái niệm trên là bước đi nhằm đánh bật các lập luận của học giả Trung Quốc tìm cách hợp thức hóa các yêu sách biển trái với luật pháp quốc tế. Công hàm này cũng là lời đáp cho Hội luật quốc tế Trung Quốc khi đã viện dẫn Australia trong danh sách 17 quốc gia tuyên bố đường cơ sở thẳng đối với các nhóm đảo để biện hộ rằng tồn tại một tập quán quốc tế cho phép các quốc gia lục địa xác lập đường cơ sở thẳng cho các quần đảo xa bờ.

Hai là, Australia bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng chủ quyền của nước này ở Hoàng Sa và Trường Sa "được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế", rằng Trung Quốc thực hiện chủ quyền "liên tục và hiệu quả" đối với các bãi lúc chìm lúc nổi. Đây là một cách thể hiện lập trường mới của Australia đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Với cách diễn đạt này, một mặt Australia vẫn duy trì sự trung lập trong lập trường đối với vấn đề chủ quyền; mặt khác Australia đã tấn công vào các lập luận cốt lõi nhất bấy lâu nay của Trung Quốc để tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tầm nhìn của một cường quốc tầm trung

Không chỉ bằng lời nói, Australia đã thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và quyết tâm giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình bằng hành động cụ thể. Ngày 7/3/2018, Australia đã đạt được thỏa thuận lịch sử với Timor-Leste về phân định biên giới và khai thác tài nguyên trên biển ở vùng chồng lấn của hai nước dựa trên việc áp dụng cơ chế hòa giải bắt buộc theo Phụ lục V của Công ước UNCLOS 1982. Việc chủ động giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, bất kể đối phương là quốc gia có thực lực yếu hơn rất nhiều là một hành xử văn minh, cho thấy người Australia đã vượt qua tư duy lợi ích quốc gia hẹp hòi để hướng tới duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Australia ra công hàm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Từ góc nhìn của một cường quốc tầm trung - Ảnh 2.

Tập trận ba bên Mỹ - Nhật Bản - Australia vào tháng 7/2020 (Nguồn: Hải quân Mỹ/ MC2 Codie L.Soule)

Trước những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây, Australia đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố phản đối. Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Biển Đông ngày 13/7, Thủ tướng Australia đã khẳng định, nước này duy trì "lập trường rất nhất quán" và tiếp tục "ủng hộ rất mạnh mẽ" tự do hàng hải ở Biển Đông; đồng thời nói thêm Australia sẽ "ủng hộ lập trường đó bằng hành động, ý tưởng và tuyên bố của Australia".

Công hàm 20/026 ngày 23/7 là một bước cụ thể hiện thực hóa Tuyên bố của Thủ tướng Morrisson, đồng thời hòa vào dàn đồng ca phản đối các hoạt động và tuyên bố vi phạm chuẩn mực ứng xử và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Đáng chú ý, Australia là quốc gia ngoài khu vực thứ hai (sau Mỹ) lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc phản đối toàn bộ 6 công hàm và công thư của Trung Quốc trong bộ hồ sơ liên quan đến báo cáo riêng của Malaysia về thềm lục địa ở Biển Đông.

Hiện nay, Australia duy trì sự hiện diện ở Biển Đông thông qua các cơ chế chính trị - ngoại giao song phương và đa phương, trực tiếp tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và hàng không, tham gia một số cuộc tập trận chung và trợ giúp các nước trong khu vực nâng cao năng lực nhận thức biển ở Biển Đông. Những điểm đáng chú ý trong lập trường pháp lý tại Công hàm số 20/026 của Australia có thể phản ánh hàm ý tư duy chiến lược lớn hơn và ngầm hé lộ quyết sách chính trị của Australia trong thời gian tới.

Với công hàm này, Australia đã hòa vào "dàn đồng ca" phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên biển, khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế, hướng tới đảm bảo một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

TS. Hà Anh Tuấn - Giám đốc Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông TS. Hà Anh Tuấn - Giám đốc Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông

NCS. Nguyễn Lan Hương - Nghiên cứu viên Viện Biển Đông NCS. Nguyễn Lan Hương - Nghiên cứu viên Viện Biển Đông

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại