COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh

Thanh Tuấn |

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 256.170 trường hợp mắc COVID-19 và 6.573 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 15,3 triệu người.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 15.341.253 ca, trong đó có 625.077 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 9.327.811 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 63.588 ca và 5.388.365 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 22/7, thế giới có 133 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại California, Mỹ ngày 4/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Mỹ (65.159 ca), Brazil (60.982) và Ấn Độ (45.599 ca); trong khi Brazil (1.174 ca), Ấn Độ (1.120 ca), Mỹ (1.091 ca) và Mexico (915 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Hiện nay, Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba ổ địch nghiêm trọng nhất thế giới với liên tiếp các số liệu kỷ lục bị phá.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba.

Châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus corona chủng mới này tăng trở lại, Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 2.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila,Philippines, ngày 21/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Châu Mỹ tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico, Colombia...

Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) cùng ngày, lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo khu vực nam châu Âu và Balkan đang đối mặt với nguy cơ bùng phát một đợt dịch bệnh mới.

Theo worldometers.info tới hết ngày 22/7, các nước châu Âu hiện ghi nhận tổng cộng 206.251 ca tử vong trong tổng số 2.988.151 ca nhiễm, Mỹ Latinh và vùng Caribbean ghi nhận 167.347 ca tử vong trong số 3.955.571 ca nhiễm, Bắc Mỹ có 150.960 ca tử vong trong số 4.012.645 ca nhiễm

Châu Á ghi nhận 52.729 ca tử vong trong số 2.215.617 ca nhiễm, các con số tương tự của Trung Đông là 23.784 ca tử vong trong số 1.038.665 ca nhiễm, và của châu Phi là 15.737 ca tử vong trong số 751.037 ca nhiễm. Châu Đại Dương ghi nhận 157 ca tử vong trong tổng số 14.523 ca nhiễm.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) đeo khẩu trang khi thăm Viện quân y Walter Reed ở Bethesda, Maryland ngày 11/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, bang California đã xác nhận số ca nhiễm vượt 409.000 ca, vượt New York trở thành bang có số ca nhiễm cao nhất nước Mỹ. Ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo tình hình dịch xấu đi và kêu gọi người dân đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Phát biểu tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên trong gần 3 tháng qua về tình hình dịch COVID-19, Tổng thống Trump kêu gọi người trẻ ở Mỹ tránh đến những quán bar đông người nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ông Trump nhận định một số khu vực ở Mỹ đang xử lý dịch COVID-19 rất tốt, nhưng một số khu vực khác xử lý chưa tốt.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 4.

Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ, ngày 17/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Mỹ ngày 22/7 đã nhất trí trả 1,95 tỷ USD để đảm bảo được mua 100 triệu liều vaccine có khả năng phòng virus SARS-CoV-2, do công ty dược phẩm Mỹ Pfizer phối hợp với công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức bào chế.

Thông cáo chung của Bộ Y tế và dịch vụ con người cùng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết thỏa thuận giữa hai bên cũng cho phép Chính phủ Mỹ "mua thêm 500 triệu liều" khác.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã nhất trí chi hàng tỷ USD để phát triển và mua các loại vaccine tiềm năng phòng COVID-19. Chính phủ Mỹ đã khởi động một chương trình chung giữa hai bộ trên nhằm thúc đẩy việc bào chế vaccine, thuốc điều trị cũng như việc chẩn đoán bệnh.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 5.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 15/7/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Âu, Pháp đã ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trong dịp nghỉ Hè. Bộ Y tế nước này xác nhận gia tăng số ca cấp cứu, số ca nhập viện và số ổ dịch mới bùng phát.

Kể từ ngày 9/5 vừa qua, ngay trước khi Pháp bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, đến nay nước này đã phát hiện tổng cộng 547 ổ dịch COVID-19. Hiện còn 208 ổ dịch chưa được kiểm soát.

Theo cơ quan y tế Sante Publique của Pháp, tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này hiện ở mức 1,2 - tức là trung bình 10 người nhiễm virus có thể lây cho 12 người khác. Ở các khu vực phía Nam, tỷ lệ này có nơi lên đến 1,55.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 6.

Một cơ sở điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Lerida, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 22/7, Chính phủ Thụy Sĩ đã mở rộng danh sách lên 42 quốc gia và vùng lãnh thổ bị coi là điểm nóng về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, những công dân đến từ những nước này phải tham gia cách ly trong 10 ngày.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ vừa được đưa vào danh sách trên bao gồm Bosnia, Costa Rica, Ecuador, El Salvador, Eswatini, Guatemala, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Luxembourg, Maldives, Mexico, Montenegro, Palestine, Suriname và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Trong khi đó, nhà chức trách đã loại 2 nước Belarus và Thụy Điển khỏi danh sách.

Trong khi đó, tại Romania, số ca nhiễm mới trong ngày đã ghi nhận mức cao nhất, với 1.030 ca trong 24 giờ qua. Tổng cộng số ca nhiễm ở nước này hiện là 40.163 ca, trong đó có 2.101 ca tử vong.

Chính phủ Romania đã gia hạn tình trạng cảnh báo, vốn đang có hiệu lực từ ngày 15/3, thêm 30 ngày nữa đến tháng 8.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 7.

Khử trùng tại khu Làng Sen (khu nhà của người Việt tại Ukraine). Ảnh: Duy Trinh - PV TTXVN tại Ukraine

Tại Ukraine, chính phủ nước này cùng ngày đã gia hạn biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc đến ngày 31/8 tới để phòng dịch COVID-19, song sẽ cho phép một số vùng nới lỏng nếu đảm bảo công tác ngăn chặn dịch bệnh.

Chính quyền Ukraine đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch vào tháng 3 vừa qua và bắt đầu nới lỏng các biện pháp này từ tháng 5 để góp phần phục hồi kinh tế.

Nhà chức trách gia hạn lệnh giãn cách xã hội mỗi tháng một lần, yêu cầu người dân đeo khẩu trang và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt tại nơi công cộng. Tuy nhiên, giới chức Ukraine lo ngại trước số ca mắc mới tăng cao trong những tuần gần đây và cho rằng nguyên nhân là do người dân phớt lờ các biện pháp giãn cách xã hội. Đến nay, Ukraine ghi nhận gần 61.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.534 ca tử vong.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 8.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Urumqi, Trung Quốc, ngày 20/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, một số hoạt động vui chơi, giải trí đã bắt đầu được mở lại ở những khu vực nguy cơ lây nhiễm thấp. Giám đốc Cơ quan điện ảnh thành phố Bắc Kinh, Wang Jiequn cho biết từ ngày 24/7, các rạp chiếu phim ở những khu vực nguy cơ lây nhiễm thấp ở thủ đô của Trung Quốc này có thể nối lại hoạt động với việc triển khai các biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch.

Các qui định bao gồm hạn chế số lượng khán giả mỗi buổi chiếu ở mức 30% sức chứa của rạp và bán vé ngồi giãn cách. Khán giả phải dùng tên thật để đặt chỗ trước, đeo khẩu trang trong rạp và những người không quen biết nhau nên ngồi cách xa nhau ít nhất 1 mét.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 9.

Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 17/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cũng quyết định mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội mới nghiêm ngặt từ nửa đêm 22/7 với yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả những khu vực công cộng trong nhà, gồm các khu thương mại và chợ.

Các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 2 tuần. Quan chức phụ trách y tế Hong Kong, bà Sophia Chan nhấn mạnh các ca nhiễm mới gia tăng mới đây chủ yếu do người dân không đeo khẩu trang.

Trong khi đó, Đài tưởng niệm chiến tranh của Hàn Quốc tại thủ đô Seoul đã mở cửa trở lại sau 2 tháng đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Đài tưởng niệm này nằm trong số hàng chục địa điểm công cộng được mở cửa trở lại trong tuần này trong bối cảnh số ca lây nhiễm tại Seoul có dấu hiệu thuyên giảm.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 10.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 22/7, Ấn Độ đã lần đầu tiên hủy sự kiện hành hương Amarnath Yatra của tín đồ Hindu đến một hang động linh thiêng trên dãy núi tuyết tại khu vực Kashmir tranh chấp với Pakistan, trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này tiếp tục tăng.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 37.724 ca nhiễm mới, nâng tổng lên gần 1,2 triệu ca, chỉ xếp sau Mỹ và Brazil. Tổng số ca tử vong tại Ấn Độ hiện là 28.781 ca. Ban tổ chức sự kiện Amarnath Yatra lo ngại rằng sự kiện hành hương sẽ khiến tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 11.

Học sinh và giáo viên đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 3.817 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 6.500 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong tiếp tục xu thế tăng cao cao, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.

Philippines dịch bệnh đã có phần hạ nhiệt khi số ca tử vong/ngày giảm mạnh mấy ngày qua, dù số ca mắc mới vẫn cao thứ hai trong số các nước ASEAN. Ngày 22/7, nước này chỉ có 4 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 12.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 8/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 6.519 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 145 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 225.988. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 131.310 trường hợp.

Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 13.

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Phi, Nam Phi hiện là tâm điểm chú ý trên bản đồ COVID-19 toàn cầu sau khi trở thành quốc gia có tổng số ca mắc cao thứ 5 thế giới, tăng gần gấp 4 lần chỉ trong 1 tháng qua, bất chấp việc quốc gia châu Phi được đánh giá là một trong những nước áp dụng các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt nhất thế giới.

Kể từ khi thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên hôm 5/3, tính đến hết ngày 22/7, Nam Phi ghi nhận 394.948 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đứng thứ 5 sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nga. Nam Phi chiếm tới hơn một nửa trong tổng số 751.391 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu Phi.

Trong khi đó, dù có tỷ lệ tử vong khá thấp, khoảng 1.5% trên tổng số ca mắc COVID-19, nhưng trong 7 ngày qua, Nam Phi đã chứng kiến số ca tử vong tăng mức kỷ lục với hơn 1.000 trường hợp, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó là 95 ngày cho 1.000 ca tử vong đầu tiên. Tính đến hết ngày 22/7, nước ngày ghi nhận 5.940 ca tử vong.

Trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The New England cho thấy khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 sẽ không thể tồn tại lâu ở những bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ, vốn chiếm phần lớn trong số các ca nhiễm.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 15.

Giới thiệu các mẫu vaccine phòng COVID-19 do Sinopharm sản xuất tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nghiên cứu trên, lượng kháng thể chống virus SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân thể nhẹ đã giảm mạnh trong 3 tháng đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, trung bình đã giảm một nửa sau 73 ngày.

Kết quả nghiên cứu này khá tương đồng với một nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học thuộc Đại học Collage London (UCL) ở Anh, cho thấy sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể đối với virus này sẽ suy giảm sau vài tháng. Cụ thể, phản ứng kháng thế có thể bắt đầu giảm từ 20-30 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng bệnh.

COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/7: Thế giới vượt 15 triệu ca bệnh, Mỹ-Ấn-Brazil dịch lại lập đỉnh - Ảnh 16.

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Công ty công nghệ sinh học BIOCAD của Nga ở Strelna, thành phố Saint Petersburg, ngày 20/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng trong ngày 22/7, các nhà khoa học Anh cảnh báo SARS-CoV-2 biến thể tạo thành những ổ dịch khả năng lây lan nhanh trên toàn cầu. Biến thể mới có tên D614G, không gây ra nguy hiểm hơn cho tính mạng hay bệnh nhân sẽ phải nằm viện lâu hơn so với loại virus ban đầu tìm thấy ở Vũ Hán (Wuhan, Trung Quốc).

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên 40.000 bộ gene tại Anh cho thấy D614G chủ yếu gia tăng lây truyền nhiễm cho người. Biến thể D614G hiện chiếm tới 75% các ca nhiễm trên toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại