Dưới áp lực của Mỹ, TikTok có nguy cơ thành Huawei tiếp theo?

Du Lam |

Từ năm 2019, Huawei dính hàng loạt lệnh cấm vận từ Mỹ, khiến việc kinh doanh không tránh khỏi thiệt hại. Hiện tại, một công ty Trung Quốc khác cũng rơi vào tầm ngắm của Mỹ, đó chính là TikTok.

Đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính phủ đang xem xét cấm các mạng xã hội Trung Quốc, trong đó có TikTok , vì nguy cơ an ninh quốc gia. Đây là lý do tương tự khiến Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ thêm vào danh sách đen năm 2019.

Vì sao một mạng xã hội lại chịu sự giám sát và nghi ngờ ngang ngửa một nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn? Liệu TikTok có thể trở thành Huawei tiếp theo?

Đáp án cho câu hỏi đầu tiên là chính trị. Theo Samm Sacks, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Paul Tsai China của Trường Luật Yale, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà Trung Quốc bị đối xử như một “thực thể nguyên khối”. Điều đó đồng nghĩa các hãng công nghệ Trung Quốc bị xem là một và như nhau, dù TikTok và Huawei khác hoàn toàn về phân khúc thị trường, văn hóa, cơ cấu chủ sở hữu đến dấu ấn quốc tế. Thứ duy nhất mà họ có chung đó là sự thành công trên toàn cầu. Chính nó khiến TikTok có mặt trong tầm ngắm của Washington.

“Huawei và TikTok là hai hãng công nghệ Trung Quốc hiếm hoi thực sự thành công bên ngoài hệ sinh thái tương đối khép kín của Trung Quốc và trở thành thương hiệu toàn cầu”, bà Sacks nhận xét.

Theo hãng phân tích thị trường Sensor Tower, tính đến tháng 4, TikTok – cùng với phiên bản Douyin tại quê nhà – ghi nhận hơn 2 tỷ lượt tải trên thế giới. TikTok được tải hơn 180 triệu lượt tại Mỹ, chiếm hơn 10% lượng người dùng đang hoạt động ngoài Trung Quốc, chỉ sau Ấn Độ và Indonesia.

Giống với Huawei, TikTok bị vây quanh bằng hàng loạt câu hỏi về sự liên quan của Trung Quốc trong hoạt động và việc ra các quyết định. Nhà chức trách Mỹ đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy công ty chủ quản ByteDance của TikTok có thể bị buộc phải chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc.

Với một số người, tầm ảnh hưởng toàn cầu kết hợp với khả năng kiểm soát của chính phủ Trung Quốc khiến TikTok cũng là nguy cơ lớn đối với Mỹ không kém Huawei. Tuy nhiên,ByteDance và TikTok khẳng định tất cả dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ tại Mỹ, Singapore và hoạt động tại Mỹ không thuộc thẩm quyền của Trung Quốc.

Trong tuyên bố, TikTok cho biết: “TikTok do CEO người Mỹ dẫn dắt với hàng trăm nhân viên và lãnh đạo chủ chốt về an toàn, bảo mật, sản phẩm và chính sách công tại Mỹ. Chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn việc quảng bá trải nghiệm an toàn và bảo mật cho người dùng. Chúng tôi không bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc và sẽ không làm vậy nếu được yêu cầu”.

TikTok đang làm nhiều cách để chứng minh cam kết bảo vệ dữ liệu người dùng của mình. Đầu tháng này, khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, TikTok là công ty công nghệ đầu tiên hủy hoạt động tại đây. Tuy vậy, nghi ngờ của Mỹ vẫn còn đó dù không rõ lệnh cấm, nếu được ban hành, sẽ ra sao.

Cấm TikTok khó hơn nhiều so với cấm Huawei, công ty chuyên sản xuất thiết bị viễn thông và sản phẩm điện tử. Một cách tiếp cận khác mà chính phủ Mỹ có thể áp dụng là buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok.

ByteDance mua lại ứng dụng nhạc Musical.ly của Mỹ vào năm 2018 rồi sau đó nhập với TikTok. Dù thương vụ diễn ra êm thấm vào thời điểm đó, vài tháng sau, Hội đồng Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã tiến hành đánh giá mức độ an ninh của vụ mua bán.

Trước đây, CFIUS đã buộc Kunlun Tech của Trung Quốc bán Grindr, ứng dụng hẹn hò LGBTQ lớn nhất thế giới, sau khi họ xác định Kunlun Tech có thể gây nguy cơ an ninh quốc gia. Nếu thương vụ ByteDance mua Musical.ly bị xác định như vậy, ByteDance sẽ phải bán TikTok.

Một lựa chọn khác là ban bố sắc lệnh hành pháp, yêu cầu tất cả nhà mạng chặn truy cập các ứng dụng Trung Quốc, giống với Great Firewall mà Trung Quốc đang thi hành để cấm ứng dụng ngoại. Theo bà Sacks, lựa chọn này sẽ xung đột với lập trường của Mỹ về tự do Internet.

Nhà Trắng đang cân nhắc đưa ByteDance vào Entity List, danh sách đen thương mại mà Huawei góp mặt. Nếu như vậy, TikTok sẽ khó tiếp cận công nghệ Mỹ, bao gồm cập nhật từ Apple và các kho ứng dụng khác.

Lệnh cấm dưới bất kỳ hình thức nào đều tiềm ẩn nguy cơ lớn với TikTok và ByteDance. Theo Sensor Tower, người dùng Mỹ chiếm gần 60% chi tiêu trong ứng dụng trong quý II/2020, tương đương gần 20 triệu USD. Ngoài doanh thu trực tiếp từ người dùng, mất thị trường Mỹ sẽ tác động đáng kể đến doanh thu quảng cáo của TikTok ngoài Trung Quốc, theo CEO Sensor Tower Alex Malafeev.

TikTok ra mắt nền tảng mới mang tên TikTok for Business vào tháng 6 để khuyến khích nhiều thương hiệu quảng cáo trên ứng dụng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà tiếp thị đều tỏ ra dè dặt cho tới khi các vấn đề chính trị được hóa giải, theo Jin Kim, nhà sáng lập kiêm CEO hãng quảng cáo Creative Digital Agency.

Ông Kim cho biết phần lớn các nhãn hàng đều đang trong chế độ chờ đợi. Ông không thấy thương hiệu lớn nào quảng cáo trên TikTok trong thời điểm này do họ quan tâm nhiều đến rủi ro và quyền riêng tư hơn những thương hiệu nhỏ.

Mất thị trường Mỹ sẽ khắc sâu nỗi đau của TikTok sau khi ứng dụng vừa mất một nguồn thu quan trọng khác là Ấn Độ. Tháng trước, chính phủ Ấn Độ quyết định cấm TikTok và 58 ứng dụng khác vì vấn đề an ninh quốc gia.

TikTok dự kiến thiệt hại ít nhất 12 triệu USD doanh thu nếu lệnh cấm kéo dài 1 năm. Song, hiệu ứng gợn sóng của lệnh cấm Mỹ còn đi xa hơn cả vấn đề tài chính và sẽ làm bùng lên ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc công nghệ. Bà Sacks lo ngại lệnh cấm sẽ tạo tiền lệ trên toàn cầu, nơi chính phủ bắt đầu cấm doanh nghiệp dựa trên gốc gác của họ và dựa trên quyền lực chính trị. “Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều chính phủ lập các bức tường xoay quanh code, thuật toán, luồng dữ liệu như một cách để bảo vệ chủ quyền của họ trên mạng”.

(Theo Nikkei)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại