Căng thẳng với Trung Quốc rơi vào vùng nguy hiểm, Mỹ lỡ tay đổ "mỏ vàng" sang Anh

Thúy |

Sinh viên Trung Quốc trong những năm vừa qua luôn chọn Mỹ là điểm đến du học hàng đầu. Tuy nhiên, điều này có xu hướng thay đổi.

Địa hạt nguy hiểm

Những năm gần đây chứng kiến sự đi xuống nhanh chóng của mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Hai bên dần bước vào một địa hạt nguy hiểm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc là nguồn gốc bùng phát đại dịch Covid-19 trên thế giới.

Chính quyền ông Trump cũng ngày càng có xu hướng toàn cầu hóa trong việc chống lại Trung Quốc, buộc các nước khác phải từ bỏ các khoản viện trợ có điều kiện của Trung Quốc, tẩy chay gã khổng lồ công nghệ Huawei (Trung Quốc) và mạnh mẽ đứng về phía những nước có bất đồng với Trung Quốc.

"Mỏ vàng" du học sinh Trung Quốc ưu tiên Anh là điểm đến học tập

Chia sẻ với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Zancy Duan nói cô rất khó khăn lựa chọn từ bỏ vị trí học nhiều người mong ước tại một trường thuộc nhóm Ivy League của Mỹ.

Duan đến từ Chiết Giang (Trung Quốc), là sinh viên thạc sĩ được Đại học Cornell lựa chọn. Tuy nhiên, đến cuối tháng Tư, với sự lây lan kinh hoàng của Covid-19 tại Mỹ, cô nhanh chóng chuyển sang theo học tại một trường đại học châu Âu.

"Bên cạnh nỗi sợ Covid-19, một loạt chính sách của chính quyền Trump đối với sinh viên quốc tế, việc ông Trump liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc về nguyên nhân Covid-19 và tình hình an ninh ảnh hưởng bởi cuộc biểu tình sau cái chết của người da màu George Floyd mang lại cho tôi cảm giác sống ở đây không dễ dàng," Duan nói với SMCP.

"Vì vậy, từ quan điểm nhìn nhận về các chính sách cũng như an ninh, tôi nghĩ học tập tại Mỹ không phải một lựa chọn tốt cho mình tại thời điểm này. Thực tế, nhiều bạn bè tôi có ý định du học tại Mỹ nhanh chóng thay đổi lựa chọn sang Singapore và châu Âu," cô bổ sung.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ là lựa chọn hàng đầu cho sinh viên Trung Quốc có nhu cầu du học nước ngoài. Thống kê từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài tăng từ 285.000 trong năm 2010 lên 662.000 vào năm 2018.

Từ năm 2009, Trung Quốc là "mỏ vàng" nguồn cung sinh viên lớn nhất cho các trường của Mỹ. 1/3 trong số hơn 1 triệu du học sinh tại Mỹ là người Trung Quốc. Tuy nhiên, năm học này đánh dấu sự thay đổi cực lớn trong lựa chọn của các sinh viên Trung Quốc.

Lần đầu tiên Anh vượt Mỹ về số lượng học sinh lựa chọn làm điểm đến du học, theo báo cáo của của Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục New Oriental (Bắc Kinh).

Một cuộc khảo sát trên 6.673 sinh viên Trung Quốc cho kết quả 42% số sinh viên mong muốn tới Anh du học. Con số dự định chọn Mỹ là điểm đến chỉ chiếm 37%. Đây là một bước ngoặt đáng kể so với bốn năm trước đây khi số học sinh khảo sát muốn sang Mỹ học là 46%, dự định sang Anh là 30%.

Viện nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan cho biết Anh và Mỹ đều là những lựa chọn du học hàng đầu của sinh viên Trung Quốc, tuy nhiên các sinh viên hiện ủng hộ Anh nhiều hơn cũng do chương trình học tại nước này.

Sự bất an ngày càng tăng

Duan cho biết nhiều sinh viên Trung Quốc có cảm giác "sợ hãi" trước các biện pháp lần lượt được ban hành của Mỹ từ năm ngoái. Từ những đề xuất của Tổng thống Trump nhằm hạn chế cơ hội việc làm cho các sinh viên quốc tế đến dự luật hạn chế công dân Trung Quốc nhận thị thực du học các lĩnh vực STEM, công nghệ, kĩ thuật và toán học, với lý do điều này có thể đe dọa tới an ninh quốc gia.

Sự bất an của sinh viên Trung Quốc tại Mỹ tăng cao khi đầu tháng 7, chính quyền ông Trump đưa ra dự luật rằng sinh viên quốc tế theo học tại các trường 100% giảng dạy bằng phương pháp trực tuyến có thể sẽ buộc phải rời Mỹ.

Tuyên bố này sau đó nhận phản ứng dữ dội từ cộng đồng sinh viên nước ngoài tại Mỹ. Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đề đơn kiện, nói đây là quyết định nguy hiểm, gây ra sự hỗn loạn cho các trường đại học và cho sinh viên quốc tế.

Trước sự phản đối rộng rãi, Mỹ rút lại quy định gây tranh cãi này.

Nhà tư vấn du học tại Timspin (Thượng Hải) Kim Wang cho biết trong hai năm qua, số lượng sinh viên quốc tế chọn lựa Canada, Anh, Úc là điểm đến du học gia tăng, tương đương với Mỹ.

"Số lượng sinh viên nộp đơn vào các trường đại học Singapore tăng đáng chú ý trong hai năm qua," cô nói.

Ivor Emmanuel, Trưởng khoa Quốc tế Đại học California cho rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng sinh viên Trung Quốc sẽ tới Mỹ ít hơn.

"Mọi chuyện sẽ rõ sau lần nhập học năm học tới vào cuối tháng Tám. Hơn thế, chúng tôi cũng không chắc rằng điều gì sẽ khiến ít sinh viên lựa chọn Trung Quốc hơn," ông nói.

Trường Đại học Columbia cũng mong chờ "sự nhiệt tình" không hạ nhiệt các sinh viên Trung Quốc đối với các chương trình học của trường. Đại diện trường nói về các sinh viên quốc tế là "vô cùng cần thiết để thúc đẩy trao đổi quốc tế."

"Chúng tôi phản đối kịch liệt chính sách của Mỹ gây khó khăn cho việc học tập của học sinh quốc tế tại trường chúng tôi. Các phương thức học tập trực tiếp, trực tuyến và kết hợp sẽ được triển khai từ học kỳ mùa thu để sinh viên Trung Quốc nói riêng và sinh viên quốc tế nói chung có được điều kiện thuận lợi nhất," đại diện trường nói với SCMP.

Trong một bài góc nhìn trên tờ Thời báo New York tuần trước, Hiệu trưởng trường MIT ông Rafael Reif nhấn mạnh rằng sinh viên quốc tế là vô cùng quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ. Ông cũng cảnh báo các "chính sách sai lầm" của chính phủ sẽ khiến sinh viên nước ngoài e dè tới Mỹ.

Đầu năm nay, ông Reif cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thu hút các học giả ưu tú là rất quan trọng "sinh viên quốc tế theo học bậc tiến sĩ tại Mỹ nên được cấp thẻ xanh ngay lập tức để định cư luôn tại nước này."

Trung Quốc coi giáo dục Mỹ là tiêu chuẩn

Chuyên gia Zhu Huaixin tại Đại học Giáo dục thuộc Đại học Chiết Giang cho biết, việc sinh viên chuyển lựa chọn du học Mỹ sang các nước khác cũng gây bất lợi cho việc nuôi dưỡng nhân tài của Trung Quốc do ông đề cao chất lượng của các trường tại Mỹ.

Theo bảng xếp hạng Đại học thế giới Quaxquarelli Symonds năm nay, có 46 trên 200 trường đại học hàng đầu là trường của Mỹ.

"Chất lượng chung của các trường đại học tại Mỹ so với tại Canada, Anh và Úc là chênh lệch," ông nói.

Các trường đại học Trung Quốc chúng tôi coi các trường đối tác Mỹ là tiêu chuẩn và học hỏi rất nhiều từ họ. Rất nhiều giáo sư và chuyên gia trong các lĩnh vực ở Trung Quốc từng học tập tại Mỹ

Chuyên gia Zhu Huaixin

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại