Lần đầu thu được hình ảnh của những sinh vật hiếm bậc nhất thế giới, khoa học vui mừng khôn tả nhưng còn rất nhiều điều phải lo nghĩ

J.D |

Đó là loài khỉ đột sông - hiện chỉ còn 300 cá thể còn sót lại trên thế giới, và nằm trong danh sách nguy cấp nhất hiện nay.

Các bạn có biết một sinh vật thế nào sẽ được xem là hiếm không? Trên thực tế thì vào thời điểm tạo hóa "làm" ra chúng, chẳng có loài vật nào là hiếm cả. Sự hiếm ấy đơn giản là vì số lượng của chúng bị giảm qua thời gian, với con người nằm trong số nguyên nhân chính.

Trên thế giới, có rất nhiều loài vật đang được xếp vào hàng hiếm vì tác động của con người, trong đó khỉ đột sông (Cross River gorilla - Gorilla gorilla diehli) nằm trong số hiếm bậc nhất hành tinh. Hiện tại, khoa học ước tính chỉ còn 300 cá thể còn sót lại trên Trái đất, biến chúng trở thành loài khỉ đột nguy cấp nhất lúc này.

Bị loài người săn đuổi đến gần như tuyệt diệt, khỉ đột sông hiện đang từng bước xây dựng lại giống nòi ở những vùng núi mà loài người không thể chạm tới, tại biên giới giữa Nigeria và Cameroon. Thông thường, các nhà bảo tồn xác nhận sự hiện diện của chúng bằng những chiếc tổ, vết chân, chất bài tiết, và dấu vết kiếm ăn. Tuy nhiên mới đây, họ đã có một bằng chứng được xem là trên cả tuyệt vời.

Bằng chứng ấy nằm ở những chiếc "bẫy máy ảnh" (camera được đặt rải rác, tự động chụp khi có sinh vật ngang qua) tại núi Mbe của Nigeria. Nhờ nó, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta thu được thước phim của một đàn khỉ đột. Đáng chú ý, đàn khỉ còn đang bế trên tay một số con non, cho thấy chúng đang phát triển tốt.

"Thực sự là rất phấn khích khi thấy có rất nhiều khỉ đột con - một bằng chứng đáng khích lệ cho thấy loài vật này đang được bảo vệ tốt và tái sinh sản thành công, sau nhiều thập kỷ bị săn đuổi," - Inaoyom Imong, giám đốc Hội bảo tồn tự nhiên (WCS) Nigeria cho biết.

"Các thợ săn trong khu vực có thể không nhắm được vào chúng nữa. Dẫu vậy mối đe dọa vẫn còn, nên vẫn cần phải cẩn thận và đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ loài vật này."

Kể từ năm 2005, WCS và Hiệp hội Bảo tồn núi Mbe đã quản lý khu vực sinh sống của khỉ đột, biến nó thành khu bảo tồn hoang dã. Họ thiết lập các chốt bảo vệ đi tuần thường xuyên, và đồng thời liên tục nâng cao nhận thức bảo tồn cho cộng đồng sinh sống gần đó. Vậy nên thước phim cực hiếm này là một bằng chứng cho thấy công tác bảo tồn của họ đã làm tốt như thế nào.

"Tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy những hình ảnh của khỉ đột sông cùng nhiều khỉ con trong khu rừng của chúng tôi," - Otu Gabriel Ocha, trưởng làng Kanyang I trong khu vực chia sẻ. "Nó cho thấy việc bảo tồn của chúng tôi - kết hợp với WCS đã cho trái ngọt. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể tiếp tục bảo vệ chúng, để lại một di sản cho thế hệ tương lai."

Lần đầu thu được hình ảnh của những sinh vật hiếm bậc nhất thế giới, khoa học vui mừng khôn tả nhưng còn rất nhiều điều phải lo nghĩ - Ảnh 2.

Những thập kỷ qua, khỉ đột sông rất hiếm khi xuất hiện, ngoài trường hợp một con khỉ đực rời khỏi khu bảo tồn vào năm 2017. Các nhà khoa học cho rằng con khỉ này (được đặt tên là Ichi) đang trên đường đi tìm bạn gái từ các đàn khỉ khác, để bộ gene của chúng trở nên phong phú hơn. Và thật may mắn, ý thức của cộng đồng lúc đó là đủ cao để Ichi được sống yên ổn và quay trở về thiên nhiên.

Nguồn: IFL Science

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại