Bắn công nhân Zimbabwe, chủ khu mỏ Trung Quốc gây phẫn nộ

Bảo Hạnh |

Hiệp hội Luật Môi trường Zimbabwe (ZELA) cho biết vụ ông chủ Trung Quốc bắn 2 công nhân người Zimbabwe cho thấy sự bóc lột có hệ thống và rộng rãi mà người dân địa phương phải đối mặt trong các khu mỏ Trung Quốc khai thác.

Theo hồ sơ tòa án, cảnh sát cho biết ông Zhang Xuen bắn một nhân viên 5 lần và làm bị thương một người khác trong khu mỏ của ông ta tại tỉnh Gweru trong một cuộc tranh cãi với các công nhân về lương nợ.

Phát ngôn viên cảnh sát Zimbabwe Paul Nyathi cho biết nghi phạm Zhang bị cáo buộc tội danh cố ý giết người. Theo truyền thông địa phương, ông Zhang không thể tự bào chữa vì không có thông dịch viên tại tòa. Ông này sẽ vẫn bị giam giữ ít nhất đến ngày 7-7.

Vụ nổ súng xảy ra vào sáng 23-6 (giờ địa phương), khi thợ mỏ Kenneth Tachiona tranh cãi với ông Zhang vì ông này từ chối trả lương cho ông Tachiona bằng USD như thỏa thuận trước đó. Theo lời khai, ông Tachiona lao vào tấn công ông Zhang nên ông này rút súng bắn nạn nhân 3 lần vào đùi phải và 2 lần vào đùi trái.

Nghi phạm còn nổ súng vào các công nhân khác và một viên đạn sượt qua cằm của một người. Những người bị thương đang được điều trị tại một bệnh viện tư.

Một đoạn video được cho là quay lại sự việc đã lan truyền trên mạng xã hội ở Zimbabwe, tạo ra sự phẫn nộ trong công chúng và những kêu gọi đánh giá lại hoạt động khai thác mỏ của Trung Quốc tại đất nước này. Đài CNN chưa xác minh được đoạn clip trên.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe mô tả vụ nổ súng là một sự việc đơn lẻ và ủng hộ cơ quan chức năng địa phương điều tra cởi mở, minh bạch. "Tất cả các hành vi bất hợp pháp và những người vi phạm luật pháp không nên được bao che. Trung Quốc và Zimbabwe có tình hữu nghị và sự hợp tác lâu dài" - trích thông báo của đại sứ quán Trung Quốc trên Twitter.

Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Zimbabwe với những lợi ích đáng kể trong lĩnh vực khai thác. Vào năm 2019, ông ty Trung Quốc Tsignchan ký kết một thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD với Bộ Khai thác Mỏ Zimbabwe để khai thác chrome, quặng sắt, nickel và than, những khoáng sản quan trọng đối với Trung Quốc.

Ít nhất 10.000 công dân Trung Quốc đang sinh sống tại Zimbabwe, trong đó có nhiều người làm việc trong các lĩnh vực mỏ, viễn thông và xây dựng trên cơ sở hợp đồng, theo báo cáo năm 2016 của Viện Brookings. Tuy nhiên, sự hiện diện của người Trung Quốc tại Zimbabwe đôi khi gây ra sự tranh cãi.

Cả các khu mỏ Trung Quốc tại Zimbabwe và các hoạt động khai thác mỏ của nhà nước đều bị vướng vào các cáo buộc vi phạm nhân quyền và các biện pháp an toàn kém cho công nhân. Rất nhiều trường hợp chủ người Trung Quốc từ chối trả lương hay không cung cấp đồ bảo hộ cho công nhân, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. ZELA đang điều tra các khu mỏ này.

Trong một tuyên bố ngày 24-6, ZELA cho biết người dân địa phương ở một số khu mỏ thuộc sở hữu của Trung Quốc thường làm việc trong các điều kiện "nguy hiểm, khắc nghiệt và đe dọa đến tính mạng" nhưng lại nhận lương rất thấp. Tổ chức này cho biết vụ nổ súng ngày 23-6 là một lý do khác để chính phủ Zimbabwe cân nhắc lại các quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc.

"Tại nhiều khu vực của châu Phi, bao gồm cả Zimbabwe, các nhà đầu tư khai thác Trung Quốc có tiếng xấu về các tiêu chuẩn an toàn, sức khỏe, môi trường, lao động và nhân quyền tồi tệ" - tuyên bố cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại