‘Cơn sốt' vàng Amazon đe dọa sự sinh tồn của bộ lạc lớn nhất Brazil

Hải Vân |

Hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp đã tăng mạnh trong 5 năm qua tại khu bảo tồn bộ lạc Yanomami ở Brazil, cộng đồng người sống ở trung tâm rừng nhiệt đới Amazon.

‘Cơn sốt vàng Amazon đe dọa sự sinh tồn của bộ lạc lớn nhất Brazil - Ảnh 1.

Một mỏ vàng bất hợp pháp trên vùng đất của người bản địa, trung tâm rừng nhiệt đới Amazon. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), Yanomami là cộng đồng lớn nhất trong số các bộ lạc Nam Mỹ đang sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Vùng đất bên dưới khu rừng nguyên sinh mà bộ lạc 26.700 dân này sinh sống ẩn chứa rất nhiều loại khoáng sản quý giá, trong đó có vàng.

Trong những thập kỷ gần đây, cơn thèm khát vàng đã thu hút nhiều người khai mỏ đến khu vực này để thăm dò và khai thác. Họ phá rừng, làm nước sông bị nhiễm độc và gây ra những căn bệnh hiểm nghèo cho dân cư của bộ lạc này.

Các quan chức địa phương ước tính hiện có hơn 20.000 người khai thác bất hợp pháp trong khu vực người Yanomami sinh sống. Họ cho rằng con số này đã tăng vọt từ năm 2018, khi Tổng thống Bolsonaro lên nắm quyền, người đã tuyên bố sẽ phát triển nền kinh tế Amazon bằng việc khai thác nguồn khác sản giàu có của nơi này.

Theo quan sát ảnh vệ tinh của khu bảo tồn Yanomami, hoạt động khai thác bất hợp pháp đã tăng gấp 20 lần trong 5 năm qua, chủ yếu dọc theo 2 con sông, Urairicoera và Mucajai. Các khu vực khai thác chiếm diện tích khoảng 8 km2, tương đương với 1.000 sân bóng đá.

Mặc dù việc khai thác có quy mô nhỏ, nhưng hành động này đang tàn phá thiên nhiên một cách nghiêm trọng. Cây cối và môi trường sống địa phương đã bị phá hủy, thủy ngân được sử dụng để tách vàng từ cát rò rỉ xuống sông khiến nguồn nước nhiễm độc, xâm nhập vào thức ăn của người bản địa.

‘Cơn sốt vàng Amazon đe dọa sự sinh tồn của bộ lạc lớn nhất Brazil - Ảnh 2.

Một ngôi làng của cộng đồng bản địa Yanomami. Ảnh: Reuters

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng năm 2018 cho thấy tại một số ngôi làng trong bộ lạc Yanomami, 92% cư dân bị ngộ độc thủy ngân, nhiều cơ quan cơ thể bị tổn thương và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ em.

Bên cạnh đó, những người khai thác vào cũng có thể mang theo một số mầm bệnh. Năm 1970, khi chính quyền quân sự Brazil san phẳng con đường cao tốc xuyên qua rừng mưa nhiệt đới phía Bắc sông Amazon, 2 cộng đồng người Yanomami đã bị xóa sổ bởi dịch cúm và dịch sởi. "Cơn sốt" vàng một thập kỷ sau đó cũng đã mang theo mầm bệnh sốt rét và nhiều cuộc xung đột vũ trang khác.

Hiện nay, đại dịch COVID-19 đang đe dọa Yanomami. Theo các nhà nghiên cứu, nhà nhân chủng học và các bác sĩ, đã có trên 160 trường hợp mắc COVID-19 và 5 ca tử vong trong bộ lạc tính đến tuần này.

“Phương thức lây truyền virus nguy hiểm này cho cộng đồng của chúng tôi chủ yếu là từ những người khai thác vàng bất hợp pháp. Có rất nhiều người đến đây khai thác, họ đến bằng trực thăng, máy bay, thuyền, và chúng tôi không có cách nào để biết liệu họ nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không ”, ông Dario Yawarioma, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hutukara Yanomami, cho biết.

Virus SARS-CoV-2 đã trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với người bản địa như Yanomami. Họ thường sống trong các ngôi nhà chung lớn, có tới 300 người sống cùng nhau dưới một mái nhà. Họ chia sẻ mọi thứ từ thức ăn đến đồ dùng sinh hoạt. Lối sống tập thể của họ khiến cho việc giãn cách xã hội dường như không thể thực hiện được.

‘Cơn sốt vàng Amazon đe dọa sự sinh tồn của bộ lạc lớn nhất Brazil - Ảnh 3.

Người Ấn Yanomami nhảy múa với cộng đồng người Irotatheri. Ảnh: Reuters

Quân đội Brazil cũng đã nỗ lực ngăn chặn các hành động xâm nhập vào khu vực bản địa bất hợp pháp, nhưng những người này quay trở lại ngay khi những người lính rời đi.

Vàng đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu lớn ở bang Roraima, phía Bắc Brazil, theo dữ liệu của chính phủ. Tuy nhiên, không có hoạt động khai thác hợp pháp nào được ghi nhận tại bang này. Phần lớn vàng được xuất khẩu sang Ấn Độ. Thống kê chính thức cho thấy 486 kg vàng đã được xuất khẩu từ Roraima sang Ấn Độ vào năm 2019, tăng từ 38 kg vào năm 2018.

Những người khai thác vàng bất hợp pháp, được gọi là “garimpeiros”. Họ hoạt động mạnh hơn sau khi ông Bolsonaro được bầu làm tổng thống và muốn hợp pháp hóa hoạt động khai tác tại các vùng lãnh thổ bản địa. Ông cũng cho rằng khu bảo tồn Yanomami, với 9,6 triệu ha, gấp đôi diện tích của Thụy Sĩ, quá lớn so với dân số bản địa đang sinh sống.

Các hình ảnh vệ tinh được chụp trong giai đoạn 2015 – 2016 cho thấy những khu vực được xác định là mỏ vàng và đá ngọc lam đã tăng từ ít nhất 10 địa điểm lên tới 207 địa điểm. Diện tích các vùng đất đã hoặc đang được khai thác tăng gấp 32 lần.

Theo luật pháp Brazil, không được phép khai thác trên các vùng đất bản địa. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu vệ tinh của Greenpeace cho biết 72% các hoạt động khai hoang ở Amazon đều được thực hiện ở các vùng đất bản địa được bảo vệ hoặc các khu vực bảo tồn.

Trước sự việc này, bộ lạc Yanomami đã kêu gọi chính phủ trục xuất những người khai thác từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát. Bộ lạc đã đưa ra bản kiến nghị mang tên “Không có khai thác vàng, không có COVID-19” , để thu hút sự chú ý của chính phủ đến tình hình trong khu vực.

Hôm 17/6, một tòa án liên bang đã yêu cầu Cơ quan phụ trách các vấn đề bản địa của chính phủ (Funai) mở lại ba chốt bảo vệ trong khu bảo tồn Yanomami, nhằm giúp cộng đồng ngăn chặn sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 và nạn khai thác vàng bất hợp pháp.

Trong khi đó, tổ chức quyền bản địa Survival International cho rằng việc bảo tồn cần phải được giám sát một cách hiệu quả hơn và Yanomami phải ngăn chặn những kẻ xâm nhập trái phép vào khu vực nếu muốn tồn tại,

“Bộ lạc Yanomami rất dễ bị tổn thương. Họ chưa từng được bình yên. Luôn có người muốn xâm nhập vùng đất của họ”, bà Fiona Watson, Giám đốc vận động của Survival International, người đã hợp tác với bộ lạc trong ba thập kỷ, cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại