An Nguy: Tôi vẫn là đứa ích kỷ, chỉ muốn làm theo ý mình, ai chơi được thì chơi

Tùng Ninh |

"Tôi luôn tự coi mình tốt đẹp hơn người khác trong khi sự thật là tôi đếch có cái gì hơn người khác" – An Nguy chia sẻ.

Mới đây, trên kênh Youtube của diễn viên An Nguy đã đăng tải một clip quay lại cảnh cô ngồi chia sẻ về hành trình thay đổi cái tôi của bản thân, nhận ra những mặt thiếu sót trong mình và đưa ra lời khuyên cho mọi người xung quanh.

Tôi không muốn chấp nhận rằng sự xấu xa là bản chất của tôi

Thời gian qua tôi nhận ra, muốn hiểu được xã hội thì phải hiểu được con người, hoặc ít nhất hiểu được bản thân mình. Vì vậy, tôi đã đọc một số sách về mối quan hệ giữa con người với nhau để hiểu bản thân mình hơn những người xung quanh mình.

An Nguy: Tôi vẫn là đứa ích kỷ, chỉ muốn làm theo ý mình, ai chơi được thì chơi - Ảnh 1.

Từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ tôi là người hiểu tôi nhất, nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra không phải thế. Trong tôi luôn có hai cá thể hoàn toàn trái ngược nhau. Một đứa luôn muốn làm điều tử tế, có ích còn đứa kia luôn muốn làm những điều điên rồ, ích kỷ, tổn hại đến chính tôi và mọi người xung quanh.

Điều đáng nói là tôi không chịu lí giải vì sao lại như thế mà chỉ tặc lưỡi cho quá kiểu: "Mình bị điên rồi".

Cách lý giải đó là vô nghĩa, không giúp ích gì được cho chính tôi. Những cái điên rồ trong tôi thỉnh thoảng lặp đi lặp lại, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội cũng như cuộc sống của chính tôi.

Tôi không phải đứa lười, cùng suy nghĩ rất nhiều, nhưng sự thật là tôi không muốn chấp nhận rằng sự xấu xa là bản chất của tôi, gieo sâu vào tiềm thức tôi tới nỗi chính tôi cũng không nhận ra được.

Đến bây giờ tôi mới nhận ra, chỉ khi nào hiểu được bản thân mình mới thay đổi được những thói quen đang phá hủy dần cuộc sống của mình.

An Nguy: Tôi vẫn là đứa ích kỷ, chỉ muốn làm theo ý mình, ai chơi được thì chơi - Ảnh 2.

Tôi vẫn là đứa ích kỷ, chỉ muốn làm theo ý mình, ai chơi được thì chơi, không thì thôi

Gần đây, tôi có đọc một comment viết rằng tôi vẫn chỉ nghĩ đến bản thân và dễ tự ái, ích kỷ như xưa. Lúc đọc comment đó, tôi rất khó chịu. Con người mà, chẳng ai thích bị phê phán cả. Nhưng rồi tôi nhận ra người đó nói đúng.

Tôi vẫn là đứa ích kỷ, chỉ muốn làm theo ý mình. Chỉ có điều, tôi coi bản thân tôi là quan trọng nên không muốn sửa đổi, ai chơi được thì chơi, không thì thôi.

Đến giờ, tôi nhận ra tôi cũng là người bình thường, có đủ mọi thói hư tật xấu, thậm chí là xấu hơn mọi người rất nhiều. Tôi phải coi mọi người là bạn trong quá trình cố gắng thay đổi để trở nên tốt hơn.

Về cơ bản, con người như tôi là những cá thể mang tính xã hội. Sự sống còn, hạnh phúc của tôi và các bạn phụ thuộc vào những mối quan hệ chúng ta có được. Cảm nhận về giá trị bản thân dựa trên sự quan tâm chúng ta nhận được.

Sự quan tâm này giúp tôi và các bạn có cảm giác chúng ta đang tồn tại, chúng ta được trân trọng.

Ví dụ lớn nhất trong thời đại bây giờ là chúng ta post một cái gì đó lên mạng xã hội mà được nhiều like, up video nào đó lên được nhiều view là thấy vui. Tôi cũng thế thôi, không ngoại lệ.

An Nguy: Tôi vẫn là đứa ích kỷ, chỉ muốn làm theo ý mình, ai chơi được thì chơi - Ảnh 4.

Cái like, cái view là ảo thôi, nhưng tượng trưng cho sự quan tâm mà mọi người dành cho mình. Ai cũng muốn được quan tâm, nhưng sự quan tâm chỉ đến thế thôi. Người này được nhiều thì người kia phải chấp nhận ít lại.

Ở nhà có anh chị em, đến trường có bạn có bè, đi làm có đồng nghiệp, nên dần dần sự quan tâm dành cho mỗi người trong chúng ta bé lại tới mức chỉ còn có tí tẹo. Thậm chí, có những người chẳng quan tâm đến tôi dù chỉ một giây. Tôi làm tốt thế nào họ cũng chẳng thèm để ý. Tôi càng cố gắng càng cảm thấy vô ích.

Tôi luôn tự coi mình tốt đẹp hơn người khác 

Vì thế, ngay từ nhỏ, tôi và các bạn đã học được cách tạo nên cái tôi để được chú ý đến. Cái tôi này bao gồm những thứ chúng ta tin tưởng, trân trọng, cách chúng ta nhìn thế giới xung quanh. Nó nhấn mạnh những gì tốt đẹp của chúng ta và bỏ qua hết mọi thiếu sót, xấu xa trong chúng ta. 

An Nguy: Tôi vẫn là đứa ích kỷ, chỉ muốn làm theo ý mình, ai chơi được thì chơi - Ảnh 5.
 

Tất cả mọi người, cả tôi và các bạn đều ích kỷ ở một mức độ nào đó, dù ít hay nhiều. Việc tạo ra một cái tôi giúp chúng ta được trân trọng, tự hào vốn dĩ không có gì sai hết. Nhờ nó chúng ta mới có sự tự tin vào bản thân. Nhưng nếu quá sẽ gây ảnh hưởng xấu đến bản thôi tôi và những người xung quanh.

Quá trình xây dựng cái tôi bắt đầu từ 2 tới 5 tuổi, khi chúng ta bị tách khỏi cha mẹ, không nhận được sự quan tâm như trước. Trong quá trình này, những người tự yêu bản thân thái quá sẽ không xây dựng được cái tôi nhất quán, thực tế.

Cha mẹ của họ không quan tâm, công nhận nỗ lực độc lập của họ hoặc quan tâm thái quá khiến họ không thiết lập được cái tôi. Điều này khiến họ phụ thuộc vào sự đánh giá của người khác để cảm thấy bản thân mình quan trọng, đang tồn tại và được chấp nhận.

Họ luôn muốn mình được chú ý ở mọi chỗ họ xuất hiện, lâu dần khiến họ trở nên phô trương, tự mãn. Nó làm họ mệt mỏi.

Người hướng nội lại tạo ra cái tôi thượng đẳng hơn người khác dù nó phi thực tế, khiến họ khó giao tiếp xã hội, xa lánh xã hội.

Về lâu về dài, cả hai trường hợp này đều khiến chúng ta tự nghi hoặc bản thân mình, dẫn đến trầm cảm.

Chính tôi luôn tự coi tôi là chân lý, luôn coi rằng mình đúng, tốt đẹp hơn người khác trong khi sự thật là tôi không có cái gì hơn người khác cả. Tôi tự nghĩ rằng việc người ta ở bên tôi là lẽ đương nhiên dù tôi đang sai lè ra, ai muốn ở thì ở, ai muốn đi thì đi.

Tôi rất dễ nổi cáu và ghét bị chỉ trích

Tôi rất dễ nổi cáu và ghét bị chỉ trích. Trước đây, tôi rất thích một câu của Marilyn Monroe là: "Tao ích kỷ, tao không kiên nhẫn, tao bất an và hay mắc sai lầm, không tự chủ được. Nhưng nếu mày không chịu đựng được tao những lúc tao tồi tệ nhất, mày cũng không xứng đáng có được những điều tốt đẹp nhất từ tao".

An Nguy: Tôi vẫn là đứa ích kỷ, chỉ muốn làm theo ý mình, ai chơi được thì chơi - Ảnh 6.

Nghe thì có vẻ hợp lý đấy nhưng rồi tôi nhận ra, đó chỉ là lập luận của những người luôn coi bản thân mình là nhất, bắt người khác phải chấp nhận sự vô lí của mình. Tôi thừa nhận, tôi là một đứa như vậy.

Cái này không thể biến mất được. Điều duy nhất tôi cần làm là học cách chấp nhận nó.

Tất cả chúng ta đều có khiếm khuyết, mắc sai lầm. Không ai hoàn hảo cả. Chúng ta không cần dựa vào sự đánh giá của người khác hay đề cao bản thân mình để cảm thấy mình có giá trị.

Thay vì hướng quá nhiều vào bản thân mình, tôi và các bạn hãy hướng tới công việc để thành công hơn. Từ đó, chúng ta sẽ nhận được sự quan tâm chúng ta cần.

Ngoài ra, chúng ta nên học cách quan tâm tới người khác và thấu hiểu họ. Cái thấu hiểu này ai cũng có từ bé nhưng mờ nhạt dần khi chúng ta quá quan tâm đến bản thân, không chấp nhận được những người trái quan điểm, dễ dàng phán xét sai lầm của người khác.

Điều này khiến chúng ta ngày càng tiêu cực, mất đi các mối quan hệ xã hội. Chúng ta không thấy rằng, khi chúng ta đồng cảm với người khác, họ sẽ tự động muốn ở gần chúng ta, từ đó phát triển quan hệ xã hội.

Tôi từng nghĩ mình không cần quan hệ xã hội vì nó chẳng có gì quan trọng. Nhưng rồi tôi nhận ra phải có nó mới thành công trong sự nghiệp được, cuộc sống. Vì thế nên tôi phải thay đổi bản thân để bớt ích kỷ đi, từ đó có quan hệ xã hội tốt hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại