Cuộc đọ sức khốc liệt ở cửa ngõ châu Âu: Nơi Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đều "nhòm ngó"

Xuân Hoài |

Các nước coi khu vực này là địa bàn có ý nghĩa chiến lược trên bàn cờ Châu Âu và họ tìm cách "chiếm lĩnh".

Nơi cửa ngõ châu Âu

Ngay trước cửa ngõ châu Âu đang diễn ra một cuộc đọ sức quốc tế, liên quan tới 5 quốc gia ở phía Tây Balkan không thuộc Liên minh châu Âu (EU) gồm: Anbani, Montenegro, Mazedonia, Bosnia và Serbia.

Với tổng số 18 triệu dân, đây là những nước nhỏ mà một thời gian dài không được Tây Âu thực sự quan tâm. Các nước này đều có tình trạng tham nhũng nặng nề và là các nước nghèo. Năm vừa qua thu nhập bình quân đầu người của nhóm 5 nước này, theo Quỹ Tiền Tệ quốc tế (IMF), chỉ bằng 14% bình quân EU – tương đương như năm 2003.

Nói một cách khác: Khu vực này hiện đang giậm chân tại chỗ.

Cách đây 20 năm, sau cuộc chiến tranh Balkan, trong EU đã có dự đoán khu vực này sẽ phát triển mạnh mẽ, đi tới phồn vinh. Tuy nhiên cho đến hiện nay tất cả vẫn chỉ là đồn đoán.

Năm 2014, Jean-Claude Juncker, lãnh đạo Uỷ ban EU thời đó tuyên bố đồng ý mở rộng, nhưng Pháp lại phản đối việc tiến hành trao đổi về việc kết nạp Anbani và Bắc Mazedonia, cho tới mãi năm 2018, sau đó là 2019. Hiện nay các rào cản này đã được khắc phục, các cuộc thương lượng về việc ra nhập của hai nước này đã bắt đầu, như trước đó từng diễn ra với Serbia (2013).

Nhưng thời gian đằng đẵng trôi qua, sự hoài nghi của các nước này ngày một lớn hơn, giấc mơ về một châu Âu liệu có trở thành hiện thực?

Do đó, cẩn tắc vô áy náy, khu vực này đã tìm tới các đối tác khác. Trung Quốc, Nga và Thổ nhĩ Kỳ đã sẵn sàng.

Các nước này coi miền Tây Balkan là địa bàn có ý nghĩa chiến lược trên bàn cờ Châu Âu và họ tìm cách "chiếm lĩnh". Mỗi nước có cách riêng, chiến lược riêng, điểm mạnh - điểm yếu riêng nhưng đều có mục tiêu chung: Họ muốn gia tăng ảnh hưởng của mình trên lục địa này.

Trung Quốc: Cho vay tín dụng không điều kiện

Sự phát triển này bắt đầu từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm 2009, khi Trung quốc không bị ảnh hưởng nặng nề như châu Âu.

Kể từ thời đó trong chiến lược của Trung Quốc có việc cho các nước thiếu vốn vay tín dụng , xây dựng các dự án hạ tầng cơ sở một cách nhanh chóng với giá rẻ. Và cách cho vay này giúp thế lực lãnh đạo ở khu vực này dễ dàng củng cố quyền lực, tăng cường củng cố phe cánh.

Theo ước tính của giới chuyên gia, nhu cầu đầu tư để hiện đại hoá hạ tầng cơ sở bị xuống cấp ước tính lên tới 800 tỷ Euro.

Cuộc đọ sức khốc liệt ở cửa ngõ châu Âu: Nơi Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đều nhòm ngó - Ảnh 1.

Nhu cầu đầu tư để hiện đại hoá hạ tầng cơ sở bị xuống cấp ở Tây Balkan ước tính lên tới 800 tỷ Euro. Ảnh: EPA/Fehim Demir

Cho đến nay các nhà đầu tư tư nhân ở phương Tây né tránh khu vực này, trong khi đó các chính phủ ở Tây Balkan cũng phải hết sức trầy trật để đáp ứng được các điều kiện nhằm nhận viện trợ của EU, trong đó có điều kiện về chống tham nhũng và gìn giữ môi trường sống. Trung Quốc đã nhảy vào khoảng trống này: Trung Quốc cho vay tín dụng mà không đặt điều kiện.

Điều này được đón nhận, và thực chất đây là mô hình đối lập với mô hình của EU.

"Các bạn không nhất thiết phải siêu dân chủ mới có hiện đại và thịnh vượng - người Trung Quốc đã cho người dân Đông Nam châu Âu thấy rõ điều đó", Valbona Zeneli thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Âu George Marshall, một Viện chính sách về an ninh phối hợp với bộ Quốc phòng Đức và Mỹ nói, "Họ tìm cách để cho các nước này thấy, EU không phải là lựa chọn duy nhất."

20% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào 5 nước này đều xuất phát từ Trung Quốc, nhiều hơn từ tất cả các bên khác (tính cả khối EU). Có tới 80% là tín dụng chủ yếu dành cho các dự án hạ tầng như mở rộng đường sắt Belgrad-Budapest. Tuyến đường vận tải hiện đại này nhằm phục vụ công tác vận chuyển nhiều và nhanh hơn hàng hoá từ Trung Quốc tới châu Âu.

Hệ quả là một số nước phải gánh các khoản nợ lớn với Trung Quốc, đứng trước nguy cơ phụ thuộc vào nước này.

Theo Welt, trọng tâm chiến lược đối với Trung Quốc là Serbia, quốc gia với khoảng 8 triệu dân có năng lực kinh tế lớn nhất trong nhóm 5 nước.

Vấn đề ở đây không chỉ là chuyện tiền bạc, mà còn xoay quanh công cụ quyền lực: Trung quốc cung cấp cho chính phủ của Tổng thống Aleksandr Vucic công nghệ giám sát đối với Belgrad và các thành phố khác, cũng như thiết bị bay không người lái.

Nhưng Trung Quốc lại gặp phải một trở ngại ở Tây Balkan: Người dân nơi đây không yêu thích người Trung Quốc. Với họ, Trung Quốc vừa xa, vừa lạ.

Người Serbia cảm thấy gắn bó với Nga, người Bosnia Hồi giáo, người Albani, người Kosovo thì thân với Thổ Nhĩ Kỳ – và với tất cả các nước này thì dù sao EU vẫn là trung tâm châu Âu, châu lục mà các nước này thuộc về và cũng là nơi người ta có nhiều bà con thân thích.

Nỗ lực bị hạn chế của Nga

Nga cũng tập trung vào Serbia. Moscow không quan tâm nhiều đến tiền bạc mà chủ yếu đến vũ khí (xe tăng, máy bay...) cũng như khí đốt. Cả Serbia, Bosnia và Bắc Mazedonia đều lệ thuộc 100% vào nguồn cung khí đốt này.

Mocow còn đầu tư cả vào các lĩnh vực ngân hàng và năng lượng – nhất là ở Serbia, ở Cộng hoà Bosnia, Cộng hoà Srpska, và Montenegro. Tại đây, 13% đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất phát từ Nga, ở Serbia là 9% và ở Bosnia là 8%. "Nước Nga trong năm năm qua đã có nhiều nỗ lực để tăng cường ảnh hưởng tại đây", Zeneli nói.

Dù vậy, khác với Trung Quốc, Nga không thu được nhiều tiền của, và thông qua xe tăng, máy bay hạng hai, cho dù là quà tặng và đã được hiện đại hoá, thì trong điều kiện hoà bình cũng không gây được nhiều ảnh hưởng.

Tổng thống Vucic của Serbia mới đây đã hứa với người Mỹ và người châu Âu, không tiếp tục mua hoặc tiếp nhận vũ khí của Nga. Điều này ít nhiều cũng thể hiện sự hạn chế trong ảnh hưởng của Nga.

Thế lực bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ

Tại khu vực Hồi giáo ở Bosnia, Kosovo, phần nào cả ở Anbani, Thổ Nhĩ Kỳ tự coi mình là một thế lực bảo vệ, một quân cờ trên bàn cờ.

Thông qua Tika, cơ quan về hợp tác văn hoá của Thổ nhĩ kỳ, nhiều tượng đài lịch sử từ thời đế chế Ottoman đã được phục chế, nhiều nhà thời Hồi giáo được xây dựng – cho đến nay riêng ở Kosovo là 20 công trình. Quỹ Maarif thân chính phủ Thổ còn xây dựng cả trường học nhằm thu hút thanh thiếu niên.

Một doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ dùng tín dụng của Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng một tuyến đường cao tốc nối liền thủ đô Sarajevo của Bosnia với Belgrad trị giá 3 tỷ Euro.

Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ có mặt khắp nơi trong khu vực. Cũng như Nga, Thổ không ngần ngại huy động cơ quan mật vụ tham gia giải quyết vụ việc, thí dụ năm 2016 đã xẩy ra vụ bắt cóc sáu nhà bất đồng chính kiến với chính phủ đã bị bắt cóc khỏi Kosovo.

Tuy nhiên, Tây Balkan không để cho mình bị lợi dụng, chèo kéo mà cũng biết lợi dụng sự quan tâm của các cường quốc để làm phương tiện gây sức ép với EU. Các nước này hiểu rằng 70% hoạt động mậu dịch của họ là với EU và 70% đầu tư nước ngoài cũng xuất phát từ EU.

Trong khi đó, Mỹ cũng có hiện diện tại Tây Balkan. Mối quan tâm của Mỹ là không để cho Nga và Trung Quốc "thao túng" khu vực này, nhưng cũng không nhất thiết phải làm cho EU lớn mạnh. Mỹ không hiện diện nhiều về mặt kinh tế, nhưng thay vào đó là mặt quân sự.

Nói chung, 5 quốc gia Tây Balakn là một nhóm nước nhỏ nhưng đang nằm trong trung tâm của một cuộc cờ đầy sôi động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại