GPR giải mã thành phố La Mã cổ đại dưới lòng đất

Đức Mạnh |

Các nhà nghiên cứu lập bản đồ chi tiết những công trình ở thành phố La Mã cổ đại Falerii Novi mà không cần khai quật nhờ công nghệ radar xuyên đất (GPR).

 

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà nghiên cứu đã lập ra bản đồ toàn bộ thành phố La Mã cổ đại Falerii Novi bị chôn vùi hàng nghìn năm bằng GPR mà không cần đào bới. Falerii Novi rộng khoảng 30,5 ha, cách Rome 50 km về phía Bắc, đã bị bỏ hoang vào năm 700 sau Công nguyên.

Các nhà khoa học lập phát hiện trong thành phố có khu đô thị, nhà hát lớn, một số đền thờ, cửa hàng, tượng đài công cộng độc đáo, nhà tắm công cộng. Thậm chí, nhờ công nghệ, các nhà khoa học có thể nhìn lịch sử phát triển của thành phố này từ khi nó được xây dựng vào năm 241 trước Công nguyên cho đến khi bị bỏ hoang.

Ngày nay, tàn tích của Falerii Novi nằm ở một vùng nông thôn và không có tòa nhà hiện đại nào được xây trên nó. Bản đồ mới cho thấy, việc quét radar độ phân giải cao có thể tiết lộ bí mật của các thành phố bị chôn vùi, cung cấp dữ liệu giá trị về quá trình xây dựng và phát triển của chúng. Công nghệ này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong việc nghiên cứu các khu dân cư La Mã cổ đại, một cách tiếp cận mới có thể thay đổi lĩnh vực khảo cổ học.

Đây chỉ là bước khởi đầu trong một chuỗi bản đồ các thành phố cổ đại. Tác giả nghiên cứu, ông Martin Millett, người giảng dạy khảo cổ học tại Đại học Cambridge (Anh) cho biết: "Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên với kết quả có được về bản đồ thành phố La Mã cổ đại. Hình thức khảo sát này có thể làm thay đổi cách các nhà khảo cổ điều tra khu đô thị".

Vào cuối những năm 1990, các nhà nghiên cứu khác đã tiến hành khảo sát từ tính tại khu vực, đo các mẫu trong từ tính đất để hình dung các cấu trúc bị chôn vùi. Kỹ thuật này tạo ra một bản đồ hiển thị mạng lưới đường phố và phần lớn các tòa nhà, nhưng độ phân giải của bản đồ rất kém, chỉ vẽ nên một bức tranh mờ về thành phố.

Đối với nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã triển khai một mạng lưới ăng ten radar xuyên mặt đất, được cố định vào một chiếc xe đẩy và kéo qua địa điểm khảo cổ bằng một chiếc xe địa hình. Điều này đem lại cho họ hình ảnh các cấu trúc bị chôn vùi của Falerii Novi ở độ phân giải cao và ba chiều. Mỗi lần quét cung cấp một "lát cắt" mà các nhà nghiên cứu sau đó ghép lại với nhau để tạo ra bản đồ. Nhờ những dữ liệu mới, một bức tranh sắc nét hơn nhiều về thành phố bị ẩn giấu từ lâu đã xuất hiện.

Độ phân giải đặc biệt cao cho phép các tác giả nghiên cứu thực hiện phân tích kiến trúc chi tiết mà thường chỉ có thể thực hiện được thông qua khai quật. Một cấu trúc, nằm về phía Tây của cổng phía Nam thành phố, rõ ràng là một ngôi đền.

Một phát hiện hấp dẫn khác là cách bố trí khác thường trong hệ thống cấp nước của Falerii Novi, khi radar quét cho thấy mạng lưới đường ống chạy bên dưới các tòa nhà của thành phố. Trong các thị trấn La Mã cổ đại khác đã được khai quật hoàn toàn - hoặc gần như hoàn toàn - ống nước thường chạy song song với đường phố thành phố. Do đó, các hệ thống nước này được cho là đã được lắp đặt trong giai đoạn sau của quá trình xây dựng thành phố, sau khi hầu hết các tòa nhà đã được đưa vào sử dụng.

Nhưng ở Falerii Novi, các đường ống đã được lắp đặt nằm ngay dưới các tòa nhà, chạy chéo trên khắp thị trấn. Điều đó sẽ không thể thực hiện được trừ khi các đường ống được đặt vào vị trí đầu tiên, trước khi xây dựng bất kỳ tòa nhà nào. Điều này cung cấp một cái nhìn bất ngờ về cách người La Mã thiết kế và xây dựng một số thành phố của họ.

"GPR có thể được sử dụng để khảo sát một thành phố lớn như Miletus ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nicopolis ở Hy Lạp hoặc Cyrene ở Libya. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều điều để tìm hiểu về cuộc sống đô thị La Mã và công nghệ này sẽ mở ra những cơ hội chưa từng có trong nhiều thập kỷ tới", ông Martin Millett cho biết thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại