Gây hấn ở Biển Đông, Trung Quốc “gậy ông đập lưng ông”?

Kiệt Linh |

Các vấn đề an ninh ở khu vực Biển Đông đã khiến Philippines phải trì hoãn việc từ bỏ một thỏa thuận an ninh then chốt với Mỹ, Đại sứ Philippines tại Washington hôm qua (3/6) cho biết.

Chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 2/6 thông báo họ đã ngừng kế hoạch hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng Viếng thăm (VFA) - một thỏa thuận rất quan trọng trong chính sách của Washington nhằm đối phó với một Trung Quốc đang nổi lên theo hướng ngày một đáng lo ngại.

Tổng thống Duterte trong những năm qua luôn cố gắng hòa dịu, làm thân với Trung Quốc để tìm cách tăng cường hợp tác thương mại-đầu tư giữa Philippines và Trung Quốc. Diễn biến này đã khiến Mỹ lo ngại về viễn cảnh đồng minh lâu năm của họ sẽ đổi hướng, chạy theo Trung Quốc, đem đến lợi thế chiến lược cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi sau khi Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây lo ngại ở Biển Đông. Phát biểu trên kênh tinh tức ANC ngày hôm qua, Đại sứ Philippines tại Mỹ - ông Jose Manuel Romualdez cho biết: “Do những vấn đề an ninh…. ở khu vực Biển Đông, cả hai chính phủ (Mỹ, Philippines) đã nhận thấy rằng chúng tôi cần phải hành động thận trọng và vì thế chúng tôi cần tạm dừng việc thực thi bất kỳ hoạt động hủy bỏ hiệp ước nào".

Kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên cầm quyền, mối quan hệ liên minh vốn từng được xem là bền chặt khó phá vỡ giữa Mỹ và Philippines liên tục đứng trước nguy cơ tan rã. Ông Duterte không ít lần đe dọa sẽ chấm dứt mối quan hệ liên minh kéo dài nhiều thập kỷ sau khi Mỹ công khai chỉ trích chiến dịch chống ma túy đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Philippines. Cùng với đó, ông Duterte có nhiều động thái tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây, ông Duterte liên tiếp phải đối mặt với những lời chỉ trích ở trong nước về vấn đề Biển Đông. Ông này bị những người chỉ trích cáo buộc là “bị động” trước hàng loạt những động thái khiêu khích của Trung Quốc chỉ để đổi lấy mối quan hệ làm ăn với Bắc Kinh dù cho những lời hứa hẹn đầu tư từ Trung Quốc đang dần giảm đi.

Nhà phân tích của Philippine - ông Richard Heydarian cho rằng, việc Manila thay đổi lập trường về thỏa thuận VFA đã cho thấy Tổng thống Duterte phải quyết định giữa một bên là một đất nước Trung Quốc ngày càng hung hăng trong vấn đề Biển Đông và một bên là đồng minh lâu năm là Mỹ.

Việc Manila tạm ngừng hủy bỏ thỏa thuận VFA với Mỹ cho thấy quốc gia Đông Nam Á đã thực sự quan ngại về Trung Quốc và cần đồng minh Washington để đối phó với Bắc Kinh. Như vậy, mối quan hệ thân thiết giữa Philippines và Trung Quốc dưới thời ông Duterte khó có thể duy trì khi Bắc Kinh tiếp tục có những hành động gây hấn ở Biển Đông.

Được ký kết năm 1998, VFA cho phép tàu chiến, máy bay và các binh sĩ Mỹ đi vào Philippines. Thỏa thuận cũng cho phép lực lượng quân sự Mỹ miễn bị truy tố bởi chính quyền địa phương khi phạm tội trên đất Philippines. Thỏa thuận này đóng vai trò then chốt trong mối quan hệ liên minh quân sự nhiều thập kỷ giữa Mỹ và Philippines, là nền tảng cho hàng trăm hoạt động quân sự chung hàng năm giữa hai nước cũng như các nỗ lực chống khủng bố và cứu trợ thảm họa.

Quân đội Philippine đã nhận được sự giúp đỡ về phương tiện, vũ khí và huấn luyện quân sự từ Mỹ. Manila nhận được 554,55 triệu USD viện trợ an ninh từ Mỹ trong giai đoạn từ 2016 đến 2019.

Trung Quốc gần đây có nhiều hành động quá đà và vi phạm luật ở Biển Đông. Trước sự leo thang trong hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, giới chức ở Philippines đã không thể ngồi yên. Manila trong thời gian qua liên tiếp có những phản ứng mạnh.

Hồi tháng Sáu năm ngoái, ở Philippines đã nổi lên một làn sóng phẫn nộ khi tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá của Philippines và bỏ mặc số phận của các ngư dân Philippines trên con tàu đang chìm dần. Theo lời tố cáo của phía Philippines, một tàu của Trung Quốc đã đâm vào một con tàu đang neo đậu của họ vào đêm ngày 9/6. Sau khi đâm tàu của Philippines, Trung Quốc đã bỏ mặc các ngư dân của Philippines khi con tàu đang chìm dần ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Rất may, con tàu này cùng các ngư dân trên tàu đã được tàu của Việt Nam cứu giúp và thoát nạn.

Sau vụ việc, Manila đã lên án kịch liệt hành động của phía Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục khiến Philippines tức giận khi các tàu chiến và tàu khảo sát của Trung Quốc đi lại tự do trong vùng biển của Philippines như đi trong “ao nhà”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã yêu cầu Bắc Kinh giải thích về hành động của các tàu khảo sát và tàu chiến khi đi qua vùng biển của Philippines, cáo buộc Trung Quốc có hành vi “dọa dẫm, bắt nạt” Philippines.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại