Tình hình sản xuất tại châu Á tiếp tục chìm sâu trong ảm đạm: Sự phục hồi của TQ chưa thể vực dậy châu Á

Hồng Anh |

Sự phục hồi của nền kinh tế châu Á nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung được dự đoán sẽ mất nhiều thời gian hơn dự tính, theo Reuters.

Tình hình sản xuất tại châu Á tiếp tục chìm sâu trong ảm đạm vào tháng 5 vừa qua, do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên thương mại toàn cầu. Trong đó, những quốc gia mạnh về xuất khẩu như Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng kiến các hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh nhất trong vòng hơn một thập kỷ, theo Reuters.

Kết quả của loạt khảo sát về sản xuất vừa được công bố ngày hôm nay (1/6) cho thấy mặc dù các hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã gia tăng trở lại trong tháng 5, nhưng sự phục hồi kinh tế sẽ cần thêm thời gian.

Tháng trước, chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) Caixin/Markit của Trung Quốc tăng lên 50,7 điểm - cao nhất kể từ tháng 1 năm nay, khi nước này nới lỏng các lệnh phong tỏa và cho phép các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại.

Trong khi đó, nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 vẫn chịu tác động của các lệnh hạn chế, do đó số lượng đơn hàng xuất khẩu vẫn ở mức thấp, theo kết quả khảo sát. Chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khá mong manh.

Trong khi đó, các hoạt động sản xuất của Nhật Bản trong tháng 5 đã suy giảm nhanh nhất kể từ năm 2009, và Hàn Quốc cũng chứng kiến xu hướng tương tự.

Trước những số liệu không mấy khả quan nói trên, công ty Capital Economics nhận định rằng lĩnh vực sản xuất của châu Á đang chìm sâu trong suy thoái:

"Ngành công nghiệp đã chứng kiến một bước tiến ban đầu sau khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng. Tình hình cũng sẽ tiếp tục dần cải thiện trong các tháng tới, khi nhu cầu hồi phục. Tuy nhiên, sản lượng của các ngành công nghiệp sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn bình thường trong vài tháng tới, bởi nhu cầu nội địa và quốc tế có vẻ vẫn rất ảm đạm", công ty này viết.

Theo Reuters, mặc dù nhiều thị trường hy vọng sẽ hồi phục nhanh chóng, nhưng điều này có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn dự tính do những lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ 2, thứ 3 tấn công...

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để phục hồi hoàn toàn hậu đại dịch, đồng thời đưa ra dự đoán về mức suy giảm 3% trong năm nay.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông và cách Bắc Kinh xử lý dịch bệnh có thể gây ra sức ép lớn hơn nữa cho các doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu, Reuters nhận định.

Tình hình sản xuất tại châu Á tiếp tục chìm sâu trong ảm đạm: Sự phục hồi của TQ chưa thể vực dậy châu Á - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại