Đại biểu QH đề xuất dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND khi bàn cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Hoàng Đan |

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí với với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về vấn đề thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và một số chính sách, cơ chế đặc thù.

Phát biểu góp ý khi nói về vấn đề bộ máy khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, bộ máy cần phải tinh gọn cả bên cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân) và bên chính quyền (UBND).

"Bộ máy Nhà nước phải mang tính chuyên nghiệp và hướng xây dựng chính quyền điện tử, nhưng không phải vì thế những quan hệ với nhân dân bị hạn chế mà cần trực tiếp hơn. 

Tôi đề xuất phải thí điểm việc dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND. Để người dân trực tiếp lựa chọn được người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng phải đặt ra trong phạm vi thí điểm sao cho có hiệu quả", ĐB Kim góp ý.

Nói về vấn đề nhân sự, ĐB Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) cho rằng, phải làm sao có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, tạo cho Chủ tịch UBND thành phố có nhiều quyền hạn nhưng phải kiểm soát được.

"Tất nhiên trong hệ thống chính trị của chúng ta có Đảng bộ rồi đến Hội đồng nhân dân, tuy nhiên, để tạo điều kiện, tạo sức mạnh thì tôi cho rằng phải bầu trực tiếp người đứng đầu chính quyền", ĐB Thắng nói.

Ở góc độ khác, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho biết, hiện nước ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương. "Chúng ta đã có TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội, đến TP.Đà Nẵng cũng đặc thù, với TP.Hải Phòng, tôi thấy ghi trong báo cáo cũng chuẩn bị, còn Cần Thơ nữa thì thế nào?

Vậy nó có còn là đại diện để thí điểm cho 5 thành phố? Tại sao chúng ta không xây dựng một luật chính quyền đô thị, hay luật thành phố trực thuộc Trung ương?", ĐB Hạ nói.

Theo ĐB Tạ Văn Hạ, chúng ta đã có Luật Thủ đô, vậy tiến tới còn đặc thù ở các tỉnh thành khác, dễ dẫn tới nhiều nơi cũng nghĩ ra đặc thù để đề xuất.

Ví dụ như là Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ cũng có nhiều đặc thù, cần phải có chính sách riêng cho các đối tượng của những vùng đặc thù này.

“Nếu Chính phủ không có đề án hay chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm này mà cứ để mạnh ai người đấy xin, tôi sợ rằng sẽ dẫn đến một hội chứng, đó là hội chứng xin cơ chế đặc thù", ĐB Hạ nói và đề nghị Chính phủ cũng nên nghiên cứu, xem xét.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu ý kiến trước vấn đề một số ĐBQH nói là đưa ra thí điểm chính quyền đô thị để nhân rộng. "Quan điểm của tôi thấy không thể nhân rộng được, kể cả chúng ta thành công cũng không thể nhân rộng được.

Lý do là hiện nay chúng ta chỉ theo hướng đưa các thành phố phát triển có điều kiện địa lý tự nhiên ưu thế hơn các tỉnh khác. Chúng ta chỉ thí điểm sắp tới là Hải Phòng, Cần Thơ, chỉ đưa ra thí điểm với 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc thí điểm với TP.Đà Nẵng, tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng tại sao chúng ta lại không đưa 2 thành phố (Hải Phòng và Cần Thơ) vào để thực hiện luôn?", ĐB Thân đặt vấn đề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại