Kinh tế thế giới đã "ngạt thở" vì COVID-19, thương chiến Mỹ-Trung sẽ dừng hay tiếp tục đổ dầu vào lửa?

Thu Ngọc |

Một điều chắc chắn là không một quốc gia nào muốn hứng chịu những thiệt hại kinh tế lúc này nếu xảy ra 1 cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc.

Việc Mỹ - Trung Quốc liên tục lời qua tiếng lại về nguồn gốc dịch COVID-19 đã gây ra căng thẳng cho mối quan hệ giữa hai nước và đe dọa phá vỡ thỏa thuận thương mại giai đoạn I mới ký hồi đầu năm nay.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình thế khó khăn hơn nhiều so với thời điểm hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu xảy ra những tranh chấp về thương mại cách đây hai năm.

Virus corona đã ảnh hưởng nặng nề tới cả hai quốc gia, đẩy 2 nền kinh tế chìm sâu vào suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ và xóa sổ hàng chục triệu việc làm. Trong khi Trung Quốc tuyên bố đã vượt qua khỏi đỉnh dịch thì chặng đường hồi phục của thế giới vẫn còn ở rất xa.

Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn với lời đe dọa áp thuế gần đây của Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa từ Trung Quốc và những tuyên bố từ Bắc Kinh rằng sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả quyết liệt hơn.

"Rõ ràng, căng thẳng thương mại của hai nước diễn ra thời điểm rất tồi tệ. Mối đe dọa về việc tăng thuế và đóng băng lĩnh vực công nghệ có thể làm gián đoạn hoạt động đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Như vậy, cả 2 bên sẽ mất đi 1 động lực quan trọng giúp hồi phục kinh tế trong năm nay", trích nhận định trong báo cáo của các nhà kinh tế của hãng xếp hạng S&P Global xuất bản đầu tháng 5 này.

Thỏa thuận thương mại thiếu thực tế

Ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát thành đại dịch, Mỹ và Trung Quốc đã rất khó khăn mới đạt được 1 thỏa thuận thương mại. Một thỏa thuận "giai đoạn một" kí kết hồi tháng 1 năm nay chỉ giúp giảm một số mức thuế mà mỗi bên đã đặt ra, đồng thời cho phép Bắc Kinh tránh phải chịu thuế bổ sung cho số hàng hóa trị giá gần 160 tỷ USD.

Trung Quốc cũng cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong năm nay và năm tới. Những điều khoản này bản thân đã là rất khó thực hiện ngay cả khi dịch bệnh không xảy ra.

Các con số trong bản thỏa thuận nhiều hơn cả giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu tử Mỹ hàng năm trong thời gian trước khi thương chiến xảy ra. Các nhà phân tích đã nhận định việc thực thi bản thỏa thuận này "vô cùng khó khăn" trừ khi Trung Quốc chịu thua thiệt ở những lĩnh vực khác.

"Các mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận giai đoạn I không thực tế, và hiện tại đã trở thành điều bất khả thi", ông David Dollar, một thành viên cao cấp của Trung tâm John L. Thornton thuộc Viện nghiên cứu Brookings nói.

Theo các nhà kinh tế của S&P, để thực thi bản thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ phải tăng sản lượng nhập khẩu hơn 6% mỗi tháng trong thời gian 2 năm. Trong khi đó, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, lượng hàng nước này nhập khẩu từ Mỹ đã giảm 6%.

"Do nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc giảm mạnh nên Bắc Kinh không thể thực hiện được cam kết nhập nhiều hơn hàng hóa từ Mỹ. Hoặc nếu Trung Quốc thực sự muốn tuân thủ thỏa thuận... họ sẽ đàm phán lại vì nhu cầu nội địa giảm sút", ông Alex Capri, một học giả thương mại và chuyên viên cao cấp tại Đại học Kinh doanh quốc gia Singapore, nói.

Tổng thống Trump cũng không có thời gian 2 năm để tìm hiểu liệu phía Trung Quốc có tôn trọng thỏa thuận đã kí kết hay không. Ông sẽ phải trải qua một cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, mà theo các nhà phân tích, đây là lý do khiến cho cuộc khẩu chiến về nguồn gốc đại dịch COVID đang trở nên ngày càng gay gắt.

"Hãy nhìn xem, tôi đang gặp khó với Trung Quốc. Tôi đã kí được một thỏa thuận thương mại lớn nhiều tháng trước khi đại dịch xảy ra... và sau đó, mọi chuyện liên quan đến COVID đều xóa nhòa mọi thành tựu trước đó," tổng thống Trump nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với chương trình "Fox và những người bạn'."

'Rạn nứt nội bộ' ở Trung Quốc

Các chuyên gia phát biểu trên chuyên mục CNN Business vẫn tin rằng các quan chức kinh tế và thương mại ở Bắc Kinh muốn thực hiện thỏa thuận "giai đoạn một". Phó Thủ tướng và nhà đàm phán thương mại chính Liu He gần đây đã nói chuyện với các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin về việc tạo ra một "môi trường có lợi" để thực thi bản thỏa thuận này.

Hôm 19/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảm ơn tập đoàn Honeywell của Mỹ vì đã khai trương một văn phòng ở Vũ Hán, tâm chấn đầu tiên trên thế giới của đại dịch COVID, và nói thêm rằng ông rất hoan nghênh doanh nghiệp toàn cầu đến đầu tư tại Trung Quốc. Nhưng thách thức của Bắc Kinh không chỉ là tuân thủ những thỏa thuận bất khả thi.

Đại dịch COVID và những tranh cãi xung quanh "thủ phạm" gây ra sự lây nhiễm trên toàn cầu đang khiến cho làn sóng phản đối Mỹ tại Trung Quốc tăng cao. Vì vậy, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh khó có thể đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ.

"Chắc chắn có một sự rạn nứt nội bộ về chính sách thương mại tại Trung Quốc," ông Marshall Meyer, giáo sư danh dự quản lý tại Trường Wharton của Đại học Pennsylvania, nói.

Đầu tháng này, tổng thống Trump đã tuyên bố rằng nước Mỹ có thể áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như 1 sự trừng phạt Bắc Kinh vì đã để dịch COVID lây lan ra thế giới trong khi ông không có chứng cứ cụ thể cho lời buộc tội này.

Chính phủ Mỹ cũng tăng cường áp đặt các hạn chế khả năng hợp tác của tập đoàn Huawei với các đối tác Mỹ. Cụ thể hôm 15/5, Bộ Thương mại Mỹ sẽ hạn chế tập đoàn công nghệ này sản xuất và mua được các con chip bán dẫn sử dụng phần mềm và công nghệ của Mỹ. Đây là một động thái từ Washington nhằm làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Huawei.

Thời báo Hoàn cầu đã ám chỉ rằng Bắc Kinh có thể sớm trả đũa quyết định này của Washington bằng việc tiết lộ danh sách đen các công ty nước ngoài. Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ bao gồm Apple, Qualcomm, Cisco và Boeing có thể phải đối mặt với các hạn chế trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Tờ báo này cũng đã kêu gọi sự chú ý đến những nhân vật có quan điểm cứng rắn tại Trung Quốc.

Theo báo cáo của ông Malcolm McNeil, đối tác tại công ty luật và vận động hành lang Arent Fox có trụ sở tại Washington, các bài báo như vậy có thể là một "đòn thử nghiệm" để Bắc Kinh cân nhắc. Ông nói rằng các bài báo này cũng có thể là một "nhóm thiểu số mà tiếng nói có trọng lượng" đang thúc đẩy hành động quyết liệt hơn của chính phủ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không sử dụng các biện pháp trên và ông McNeil nhấn mạnh rằng giới chức Trung Quốc cần xử lý vấn đề thương mại một cách "tế nhị". "Đại dịch COVID-19 đã trở thành 1 sự kiện ảnh hưởng trên toàn thế giới, mang đến những cái nhìn tiêu cực cho Trung Quốc và cách ứng phó của chính phủ với dịch bệnh này".

Ông McNeil nói thêm rằng việc thực thi thỏa thuận thương mại vào tháng 1 sẽ càng làm mối thiện cảm dành cho Trung Quốc giảm đi.

Mối đe dọa cho quá trình phục hồi kinh tế

Nếu căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang, tranh chấp có thể biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Diễn biến này sẽ không chỉ làm suy yếu sự phục hồi của thế giới thời hậu COVID-19, mà còn có nguy cơ làm chậm quá trình đổi mới công nghệ quan trọng.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, nền kinh tế toàn cầu dự kiến năm nay ​​sẽ giảm tốc độ tăng trưởng 3%, sự sụt giảm nhiều nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Kinh tế thế giới sẽ mất nhiều năm nữa mới phục hồi.

Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, đã nhắc lại về nguy cơ của một cuộc chiến thương mại hồi đầu tháng này. "Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta cần chống lại phản ứng tự nhiên đóng cửa nền kinh tế với thế giới bên ngoài", trích bài phát biểu của bà Georgieva trong một sự kiện do Viện Đại học Châu Âu tổ chức, khi được phỏng vấn về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, các nhà kinh tế và chuyên gia cảnh báo rằng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kìm hãm sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và mạng di động 5G.

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen hồi tháng 1 đã phát biểu rằng sự chậm trễ trong việc triển khai những tiến bộ công nghệ sẽ gây nhiều thiệt hại cho thế giới.

Một cuộc chiến thương mại khác cũng sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo các dữ liệu từ hiệp hội các tổ chức thương mại Mỹ "Tariff hurt the Heartland", các doanh nghiệp và nông dân Mỹ đã trả 3,9 tỷ USD tiền thuế trong tháng 3 vừa qua.

"Đại dịch COVID-19 đã vắt kiệt các doanh nghiệp và nông dân Mỹ. Thuế là thứ cuối cùng mà một doanh nghiệp Mỹ cần phải lo lắng lúc này," ông Jonathan Gold, người phát ngôn của tổ chức "Americans for Free Trade" nói.

1/4 - Nỗi ám ảnh của người dân Mỹ: Tiền thuê nhà, hoá đơn điện nước, nợ thẻ tín dụng đều đến hạn phải trả! - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại