Công nhân khó tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Bích Ngọc/VOV1 |

Sau hơn 1 tháng triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ, rất ít công nhân tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Dịch Covid-19 khiến hàng triệu công nhân lao động nghèo, các hộ kinh doanh cá thể phải nghỉ việc, giãn việc. Mọi khó khăn, trăn trở vơi đi phần nào khi Chính phủ quyết định triển khai Gói hỗ trợ chưa từng có trong lịch sử để hỗ trợ các đối tượng này. Thế nhưng, sau hơn 1 tháng triển khai, rất ít công nhân tiếp cận được gói hỗ trợ.

Khảo sát nhanh tại khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội cho thấy, tới thời điểm này hầu hết lao động đều chưa nhận được tiền từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ:

Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 nhưng đến thời điểm này, chưa có đơn vị nào thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiếp cận được với gói hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Tạ Thiên Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho biết: "Theo tôi nắm được, có một số đơn vị đã làm thủ tục rồi nhưng không hiểu vì sao chưa có đơn vị nào nhận được hỗ trợ từ nguồn này.

Tôi nghĩ rằng đây là việc hết sức khó khăn, phức tạp của các cơ quan có thẩm quyền trong việc xét duyệt bởi các nhóm đối tượng nhận gói hỗ trợ này rất đa dạng, đến từ nhiều địa phương, từ nhiều doanh nghiệp mà hàng không chỉ là một trong số đó thôi.

Người lao động của chúng tôi trong những năm vừa qua cũng có nhiều thuận lợi nên gói hỗ trợ này được thì tốt mà không được thì chúng tôi cũng không kêu ca gì".

Công nhân khó tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.


Không phải doanh nghiệp nào cũng được như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp đang trong tình trạng vô cùng khó khăn, thiếu vốn duy trì sản xuất và không đủ tiền để chi trả lương tối thiểu cho người lao động.

Chính vì thế, việc giải ngân hỗ trợ chi trả cho người lao động kéo dài càng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo quy đinh, để người lao động được nhận hỗ trợ, công ty phải lập danh sách đề nghị và được tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận.

Sau đó, danh sách đề nghị phải được UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt và kinh phí hỗ trợ. Trong hồ sơ đề nghị phải có báo cáo tài chính quý I năm 2020 và các giấy tờ chứng minh công ty không còn thu nhập.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, thủ tục hành chính quá rườm rà, quy trình phức tạp nên công nhân lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc khó tiếp cận gói hỗ trợ này.

"Việc sắp xếp lao động để đảm bảo sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh do đơn hàng ít đi, do hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được không tiêu thụ được thì buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm một số việc làm của người lao động nhưng doanh nghiệp vẫn đang sản xuất kinh doanh nên việc chứng minh doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương cho người lao động, người lao động mới được hưởng cái hỗ trợ của Chính phủ thì điều này rất khó thực hiện, và dẫn đến là người lao động mặc dù bị ngưng việc, bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng trên thực tế không nhận được hỗ trợ này", bà Hạnh cho biết.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết thêm: "Việc duy trì nhịp độ sản xuất có nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng từ tháng 7, 8 tức là sau cả tháng 6, chứ không phải chỉ ảnh hưởng việc làm từ tháng 4 đến tháng 6.

Như vậy, người lao động nghỉ việc từ tháng 2, tháng 3 hoặc sau tháng 6 sẽ không thuộc gói hỗ trợ của Chính phủ.

Mục đích của gói hỗ trợ là đến được với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhưng những điều kiện ấy lại làm cho người lao động đặt vấn đề là phải khó khăn đến thế nào thì mới được gói hỗ trợ của Chính phủ".

Công đoàn các cấp và Sở lao động thương binh xã hội các tỉnh, thành phố đang tổng hợp ý kiến khó khăn của doanh nghiệp để trình UBND tỉnh và Bộ Lao động thương binh xã hội để có hướng giải quyết cụ thể.

Rõ ràng, để gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đến được tay người lao động, trở thành “phao cứu sinh” đúng nghĩa , giúp họ vượt qua khó khăn lúc này, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ./.

Những nhóm lao động nào được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đối với nhóm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, các điều kiện để được hưởng hỗ trợ, như sau:

Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 1 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 1/4 - 30/6/2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/4 - 30/6/2020.

Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31/3/2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (gọi tắt là lao động tự do), Quyết định nêu rõ các điều kiện để được hưởng hỗ trợ, như sau:

Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 /11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian từ ngày 1/4 -30/6/2020.

Quyết định cũng quy định, những lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các đối tượng được hỗ trợ khác ngoài các đối tượng nêu trên từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Riêng với nguồn kinh phí hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động, Quyết định quy định, nguồn kinh phí sẽ được bảo đảm từ các nguồn tài chính hợp pháp của các công ty xổ số kiến thiết và được hạch toán vào chi phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Quyết định cũng nêu rõ điều kiện hỗ trợ và hồ sơ, trình tự và thủ tục để rà soát các nhóm đối tượng như: Nhóm hộ kinh doanh; Nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Nhóm đối tượng là người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; Người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Công nhân khó tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại