Trung Quốc điều động cỗ máy truyền thông khổng lồ cho 'cuộc khẩu chiến COVID-19'

Hà Linh |

Nhiều chuyên gia và chính khách tại Mỹ, châu Âu cáo buộc Trung Quốc cố tình “tung hỏa mù”, đưa ra giả thiết không đáng tin tưởng, thông tin sai lệch qua truyền thông và mạng xã hội về COVID-19.

Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời ông Rod Wye tại Viện nghiên cứu Chatham House ở Anh cho rằng Trung Quốc đang cố gắng đưa ra 3 thông điệp về virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thứ nhất, Bắc Kinh muốn tuyên truyền hình ảnh một quốc gia xử lý thành công COVID-19 và đã gửi thiết bị y tế cùng chuyên gia đến nhiều nơi trên thế giới để giúp đỡ các nước.

Thứ hai, Trung Quốc muốn “mập mờ” về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19. Ông Wye nói: “Trung Quốc không hào hứng với việc khám phá nguồn gốc COVID-19 bởi nó cho thấy điểm yếu thực sự của họ”.

Thứ ba, theo ông Wye, các quan chức Trung Quốc cố gắng “gieo rắc rối loạn” về phản ứng trước dịch bệnh của các quốc gia khác. Điều này nhằm hạ thấp mức độ đáng tin cậy của những quốc gia đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc.

Nhưng động thái của Trung Quốc về COVID-19 dường như nằm trong một kế hoạch lớn hơn những năm gần đây khi nước này khiêu khích hơn với các thông điệp truyền tải ra nước ngoài, qua kênh truyền thống như truyền hình, mạng xã hội (kể cả những mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc).

Điều này được thấy rõ hơn trong cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và một số chính phủ các nước phương Tây về COVID-19.

Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng trên thực tế Trung Quốc có thể hành động nhiều hơn để ngăn ngừa COVID-19. Cả Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo tuy không đưa ra được bằng chứng nhưng đều nói rằng COVID-19 có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox Business ngày 14/5, Tổng thống Trump cảnh báo cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc bởi cách xử lý COVID-19 của nước này. Trong khi đó, tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison đề nghị “đánh giá độc lập về điều này để có thể học được bài học và ngăn chặn tái diễn”.

Phía Trung Quốc đã chỉ trích chính khách và truyền thông Mỹ “đổ tội Trung Quốc vì phản ứng không tương xứng với COVID-19”. Bắc Kinh cũng mạnh mẽ bác bỏ nghi vấn nước này truyền tải thông tin sai lệch. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Một số chính khách, học giả và kênh truyền thông Mỹ có thái độ thù địch đã phỉ báng và chỉ trích Trung Quốc. Trung Quốc là nạn nhân của thông tin sai lệch”.

Trung Quốc đã truyền tải thông điệp của nước này qua các kênh truyền thông được nhà nước hậu thuẫn như các tờ Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu, kênh truyền hình CGTN. Nhân sự của CGTN hoạt động tại hơn 70 quốc gia. Năm 2019, kênh truyền hình này còn mở cơ quan thường trú tại London (Anh) bao gồm cả nhân viên bản địa và người Trung Quốc.

Các quan chức và truyền thông Trung Quốc đã thay nhau truyền tải thông điệp bảo vệ hình ảnh đất nước Trung Quốc lên mạng xã hội. Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Phi đăng lên mạng xã hội Twitter nghi ngờ về giả thiết COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc.

Người phát ngôn cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian còn được chú ý vì các bình luận gay gắt trên Twitter – mạng xã hội vốn bị cấm ở Trung Quốc. Trong tháng 3, ông Zhao Lijian cho rằng quân đội Mỹ đã mang virus SARS-CoV-2 đến Vũ Hán khi tham dự một cuộc hội thao quân sự tổ chức tại Vũ Hán trong tháng 10/2019.

Chính bài đăng của ông Zhao Lijian khiến Mỹ triệu tập đại sứ Trung Quốc ở nước này.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bảo vệ bài đăng của ông Zhao Lijian. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong họp báo vào tháng 5 có bình luận: "Nếu chỉ trích ông Zhao Lijian chỉ vì từ ‘có thể" thì Tổng thống Mỹ, phó Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ và một số chính khách khác cáo buộc COVID-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, cho rằng SARS-CoV-2 do con người tạo ra hoặc rò rỉ, sẽ như thế nào? Các bạn đã bao giờ chất vấn họ chưa?".

Theo khảo sát do Pew tiến hành trong tháng 3, có 2/3 người Mỹ được hỏi cho biết họ có ý kiến tiêu cực về Trung Quốc. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện khảo sát này năm 2005.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết một viện nghiên cứu có liên kết với Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc trong tháng 4 đưa ra báo cáo cho thấy xu hướng không đồng tình với Trung Quốc trên khắp thế giới đã ở mức cao nhất kể từ năm 1989.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại