Vụ án 'khủng' ở Lâm Đồng: Gần 200 ha rừng 'bốc hơi' như thế nào?

Kim Anh |

Nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Lê Văn Minh, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Lê Quang Nghiệp và ông Mai Hữu Chanh-Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc (công ty Lộc Bắc) đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ khai thác tận thu 3.500 m3 gỗ, chuyển 75,8 ha rừng tự nhiên sang trồng cao su trái pháp luật. Thế nhưng qua tìm hiểu của phóng viên diện tích rừng bị “bốc hơi” còn cao hơn nhiều.

Ngày 17/5, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết các bị can nói trên bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý rừng”.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan tố tụng, mặc dù dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su của Công ty Lộc Bắc chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa đúng các quy định khác của pháp luật nhưng ông Nghiệp vẫn tham mưu cho ông Minh ký quyết định cấp phép khai thác tận dụng lâm sản (đợt 4) cho công ty này.

Hậu quả, diện tích rừng tự nhiên bị khai thác để chuyển sang trồng cao su trái pháp luật lên đến 75,8 ha.

Thực tế như thế nào? Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một cán bộ kiểm sát điều tra tỉnh Lâm Đồng cho biết diện tích rừng mà Công ty Lộc Bắc đã chuyển đổi sang trồng cao su lên đến hơn 207 ha.

Tổng trữ lượng lâm sản theo hồ sơ thiết kế là 15.000 m3 và công ty này đã cho khai thác số gỗ rất lớn trên diện tích gần 185 ha.“Vụ này lớn lắm, liên quan đến nhiều quan chức”, thủ trưởng một Cơ quan điều tra cấp huyện nói.

Một cán bộ kiểm sát cấp huyện (tạm gọi là ông T) cũng cho biết vụ này Bộ Công an điều tra từ năm 2017, làm kỹ lắm. 40 người được chia làm 3 tổ vào hiện trường để đo gỗ suốt nhiều tháng ròng, vất vả và vô cùng tốn kém.

Có lần lực lượng khám nghiệm hiện trường được cấp 500 triệu đồng làm chi phí nhưng chỉ vài tháng là hết sạch. Bản thân ông T được tham gia với tư cách là lính trưng cầu, chứng kiến gỗ bị cưa hạ nằm la liệt tại hiện trường, có nhiều cây dài hơn 20m.

Phóng viên đã tìm đến một bãi tập kết gỗ tang vật, tận mặt chứng kiến bãi gỗ rộng lớn, trong đó nhiều lóng gỗ một vòng tay người lớn ôm không xuể, nhưng đa phần đều bị mối mọt, mục nát.

“Sau nhiều tháng vào cuộc, Bộ Công an giao vụ việc này cho Công an Lâm Đồng tiếp tục điều tra xử lý. Do việc điều tra kéo dài nhiều năm, gỗ tang vật để ngoài trời nên bị xuống cấp, lãng phí vô cùng, không định giá được nữa, giờ chỉ giữ làm tang vật”, ông T nói.

Ém dự án với Thủ tướng

Ngày 27/9/2011, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 1685 “Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ”, trong đó quy định: “…

Tạm dừng cho phép khảo sát, phê duyệt các dự án mới đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên đến khi hoàn thành rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện các dự án trên địa bàn, báo cáo Bộ NN&PTNT để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 6690 gửi Bộ NN&PTNT báo cáo tình hình và kết quả rà soát các dự án đầu tư trên đất lâm nghiệp tại Lâm Đồng.

Lạ thay, trong văn bản này không có tên dự án chuyển rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao su của Công ty Lộc Bắc! Theo Cơ quan điều tra, đây là báo cáo thiếu trung thực, vi phạm Chỉ thị 1685.

Ông Lê Văn Minh và ông Lê Quang Nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc tham mưu báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị 1685 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhưng lại bỏ lọt dự án này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sau.

Bất chấp quy định, cho chuyển đổi rừng sang trồng cao su

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, ông Mai Hữu Chanh biết rõ dự án có một số điều kiện về nhiệt độ, hàm lượng mùn, độ sâu tầng nước ngầm… không đạt theo quy định tại Thông tư 58 của Bộ NN&PTNT về “Hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp” nhưng vẫn đề nghị ban ngành chức năng cho thực hiện dự án trồng cao su để được cấp phép khai thác tận dụng lâm sản.

Nắm rõ dự án không đạt quy định nhưng Sở NN&PTNT vẫn trình văn bản phê duyệt hồ sơ dự án đầu tư trồng cây cao su (đợt 1) của Công ty Lộc Bắc.

Tương tự, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án trồng cây cao su tại một phần tiểu khu 390A, 391, 395 tại xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm).

Trong hồ sơ của dự án cũng thể hiện rõ điều này nhưng lạ thay, UBND tỉnh vẫn ban hành quyết định phê duyệt, dẫn đến hậu quả hơn 207 ha rừng tự nhiên đã bị chuyển đổi trái phép để trồng cao su.

“Thịt” cây rừng khi chưa có đánh giá tác động môi trường

Sở NN&PTNT đã cấp phép cho Công ty Lộc Bắc khai thác tận dụng lâm sản tại một phần các tiểu khu 398, 418, 419 xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) gồm 12 lô, 4 khoảnh, đối tượng rừng sản xuất, diện tích 75,78 ha với tổng trữ lượng gỗ hơn 3.500m3, trong khi công ty này không làm báo cáo tác động môi trường.

Khi điều tra về vấn đề trên, Công an Lâm Đồng đã trưng cầu giám định của Viện Điều tra Quy hoạch rừng Bộ NN&PTNT. Viện kết luận việc làm của Sở NN&PTNT là trái với quy định của Chính phủ.

Công ty Lộc Bắc là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng) nhưng khi triển khai dự án đã phớt lờ chuyện lập hồ sơ gửi Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng để được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án theo luật định.

Mặt khác, tỉnh đã yêu cầu công ty phải chủ động nguồn vốn triển khai dự án, không được liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác.

Thế nhưng, sau khi được cấp 4 giấy phép khai thác tận dụng lâm sản với trữ lượng gỗ hơn 15.000 m3, Công ty Lộc Bắc đã “liên kết” với Công ty TNHH Thành Chí để cưa hạ cây rừng…

Năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 6690 gửi Bộ NN&PTNT báo cáo tình hình và kết quả rà soát các dự án đầu tư trên đất lâm nghiệp tại Lâm Đồng.

Lạ thay, trong văn bản này không có tên dự án chuyển rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao su của Công ty Lộc Bắc! Theo Cơ quan điều tra, đây là báo cáo thiếu trung thực, vi phạm Chỉ thị 1685.

Vụ án khủng ở Lâm Đồng: Gần 200 ha rừng bốc hơi như thế nào?  - Ảnh 3.

Bãi gỗ tang vật để lộ thiên, mục nát

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại