Luật Cư trú sửa đổi: Đề nghị bỏ điều kiện thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương

Phương Thuỷ |

Đa số các đại biểu tham dự phiên họp đều tán thành với việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương, vì các điều kiện nhập cư mang tính hành chính này chỉ giúp hạn chế được việc nhập khẩu chứ không hạn chế được việc nhập cư. Việc đặt ra quy định về đăng ký thường trú, tạm trú ở các địa bàn này cũng tạo tâm lý kỳ thị của một bộ phận người dân.

Ngày 12/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức họp toàn thể bằng hình thức trực tuyến để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất cần phải sửa đổi Luật cư trú. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng cơ quan soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp thẩm tra tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trước thứ 6 tuần tới, Cơ quan chủ trì thẩm tra sẵn sàng làm việc cả thứ bảy, chủ nhật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

Cần thiết phải sửa đổi Luật cư trú

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, nỗ lực tiếp cận công nghệ mới của cơ quan chức năng để đề xuất luật hóa chính sách chuyển đổi phương thức quản lý cư trú của công dân từ sử dụng sổ giấy sang phương thức hiện đại bằng số định danh cá nhân.

Việc chuyển đổi phương thức quản lý dân cư này cũng phù hợp với định hướng khi ban hành Luật Căn cước công dân hiện hành (đến thời điểm nhất định sẽ tích hợp việc quản lý dân cư thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã số định danh cá nhân).

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, cần rà soát các điều kiện bảo đảm việc thực hiện phương thức quản lý dân cư mới này, nhất là trong việc xác lập số định danh cá nhân cho tất cả công dân, xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ… để không gây xáo trộn trong cung cấp các dịch vụ công cho người dân.

Luật Cư trú sửa đổi: Đề nghị bỏ điều kiện thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Đa số các đại biểu tham dự phiên họp đều tán thành với việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương, vì các điều kiện nhập cư mang tính hành chính này chỉ giúp hạn chế được việc nhập khẩu chứ không hạn chế được việc nhập cư.

Việc đặt ra quy định về đăng ký thường trú, tạm trú ở các địa bàn này cũng tạo tâm lý kỳ thị của một bộ phận người dân. Hơn nữa, việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú ở thành phố trực thuộc Trung ương sẽ làm phức tạp thêm một số vấn đề về quản lý trật tự, an ninh trật tự, tội phạm, an toàn giao thông… nhưng về mặt tổng thể sẽ kích cầu thị trường lao động, thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu này sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn tới nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở… cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân nên giải quyết nên cần có đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Luật Cư trú sửa đổi: Đề nghị bỏ điều kiện thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu

Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trong Luật đã không còn sổ hộ khẩu thì chủ hộ sẽ tính thế nào. Ông Hoà cũng đồng ý phương án xoá đăng ký thường trú đối với người vắng mặt tại nơi thường trú mà không khai báo. Tuy nhiên, ông Hoà đề nghị là thời gian xoá đăng ký có thể tăng lên đến 24 tháng chứ không phải 12 tháng như trong dự thảo.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho biết, việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy, thay đổi phương thức quản lý cư trú bằng công nghệ thông tin là hoàn toàn phù hợp với lộ trình đã xác định trong quá trình ban hành chính sách, quy định liên quan đến quản lý hộ tịch, căn cước trong đó Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Về mặt kinh tế, việc thay đổi này rất phù hợp với chủ trương hiện nay là triển khai Chính phủ điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, kinh tế số…Hơn nữa, một số hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước nếu khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý hộ tịch, hộ khẩu thông qua hệ thống điện tử, công tác điều tra dân số sẽ rõ ràng, thuận lợi.

“Khi xây dựng Luật CCCD đã tính toán đến việc bỏ hộ khẩu giấy mà quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Trong luật này chúng ta phải tính khi đổi từ CMND sang thẻ căn cước công dân” – ông Nguyễn Thanh Hồng đề nghị.

Luật Cư trú sửa đổi: Đề nghị bỏ điều kiện thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 3.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến

Tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc bổ sung các trường hợp xóa đăng ký thường trú nhằm khắc phục tình trạng quản lý cư trú “ảo”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trong điều kiện hiện nay; đồng thời, cũng giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong việc đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị cân nhắc trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng trường hợp này nên được phân loại riêng để có biện pháp quản lý phù hợp, không thể áp dụng xóa đăng kí thường trú và có hậu quả pháp lý tương tự như trường hợp người đã chết hoặc mất tích.

Bộ Công an đã sẵn sàng thực hiện

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã trả lời, giải thích thêm các vấn đề đại biểu nêu, như vấn đề chủ hộ, vấn đề cơ sở dữ liệu trong việc thu thập dữ liệu dân cư có đảm bảo chất lượng, thời gian hay không...

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hiện nay 100% các tỉnh đều đã triển khai Công an xã chính quy nên việc thu thập dữ liệu về dân cư đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.

“Chúng tôi đang phối hợp với các tỉnh để hoàn thiện bộ máy ở Công an xã. Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về Công an xã chính quy. Bộ Công an cũng đã có đề xuất, trong thời gian quá độ sẽ sử dụng cả lực lượng Công an xã bán chuyên trách, phối hợp với Công an xã chính quy, đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong thời kỳ quá độ.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng đã cho thành lập đoàn công tác để hướng dẫn Công an các tỉnh và có văn bản hướng dẫn các hoạt động hiệu quả của lực lượng Công an xã chính quy cũng như Công an xã bán chuyên trách trong thời gian gần đây” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho nhấn mạnh.

Về quy định xoá thường trú nếu 12 tháng không khai báo tạm vắng, không đăng ký tạm trú ở nơi đến, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, việc xoá thường trú nhằm chủ động trong việc hoạch định kinh tế, văn hoá, xã hội tại các khu vực từ việc xây dựng các trường học, cơ sở y tế và các vấn đề khác.

Đặc biệt, đối với các gia đình có các thành viên bỏ đi nhưng liên quan đến giải quyết các vấn đề dân sự như đất cát, tài sản... thì rất cần quy định này rõ ràng.

“Trước kia, quy định là 6 tháng sẽ xoá thường trú, nhưng để đảm bảo linh hoạt, chúng tôi nâng lên là 12 tháng cho phù hợp và cần có chế tài để điều chỉnh theo pháp luật cũng như giải quyết vấn đề dân sự của các gia đình, dòng họ” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.

Về quy định Chủ tịch UBND các cấp là quản lý nhà nước được nêu trong trong dự án Luật, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc giải thích rõ, Công an là thành viên trong bộ máy quản lý nhà nước đó nên Công an phải báo cáo Chủ tịch UBND theo từng cấp để quản lý nhà nước, hoạch định các vấn đề xã hội, kinh tế trong địa giới hành chính được phân công, phù hợp, phục vụ cho hoạt động nhà nước ở cấp đó.

“Chúng tôi khẳng định các bước đi, các lộ trình chúng tôi đã đăng ký với Chính phủ là đã nghiên cứu rất kỹ trên các căn cứ của luật pháp, trên kết quả, tiến độ được giao và thực tiễn triển khai. Bộ Công an sẽ hoàn thành đưa vào vận hành dữ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước tháng 6/2021, đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tiện ích cho công dân, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại