Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch

Nhật Trường |

Để đảm bảo đời sống, hạn chế thiệt hại do dịch Covid-19, người dân và doanh nghiệp đang rất nỗ lực, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại chim cút ở xã Long An, huyện Châu Thành cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác ở tỉnh Tiền Giang đang gặp khó khăn về đầu ra nông sản không ổn định. Trước đây, mỗi ngày trại chim cút của ông cung ứng cho thị trường Nhật Bản gần 200.000 quả trứng nhưng nay đầu ra bị ngưng lại. 

Để giảm thiệt hại do dịch covid-19, ông Trần Nguyễn Hồ làm kho lạnh dự trữ lại trứng cút; đồng thời, chú trọng tiêu thụ nội địa.

“Riêng mặt hàng trứng, tôi có kho dự trữ, chất lượng thì tôi nghĩ phải giữ vững trong thời điểm này. Ví dụ: hàng nông sản mình phải làm có kế hoạch hơn, để nếu tình huống “xấu” về thị trường có thể xảy ra thì mình cũng không bị thiệt hại lớn. 

Riêng tôi thì không bị thiệt hại nhiều, không bị ảnh hưởng lớn, bởi vì hầu hết sản phẩm của tôi đều đi vào kho, chỉ có một số phụ phẩm thị trường bị dừng lại”, ông Trần Nguyễn Hồ chia sẻ.

Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch - Ảnh 1.

Đàn gia cầm ở tỉnh Tiền Giang hiện sụt giá do đầu ra khó khăn

Đối với lĩnh vực trồng cây ăn quả, trong đợt hạn mặn và dịch bệnh này, nông dân Tiền Giang hạn chế cho cây ra trái, chủ động nguồn nước ngọt phun tưới cho cây để không bị thiệt hại.

Tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp; trong đó có 5 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã có 26 doanh nghiệp thông báo ngưng hoạt động do thiếu nguồn nguyên liệu, đầu ra sản phẩm khó khăn. 

Hơn 8.500 công nhân lao động bị mất việc làm. Nghiêm trọng nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, dù nguồn nguyên liệu, nguồn  hàng dồi dào nhưng không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Châu Âu.

Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch - Ảnh 2.

Từ khi xảy ra dịch covid-19 trái thanh long tại tỉnh Tiền Giang chỉ tiêu thụ nội địa

Tại Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho), hiện nay, thị trường xuất khẩu đã giảm khoảng 60-70% so với trước khi có dịch Covid-19. Doanh nghiệp có rất nhiều cố gắng để tạo việc làm cho hơn 3.000 công nhân lao động.

Còn ông Nguyễn Tấn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại - dịch vụ Hoan Vinh (xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành) cho biết, gần 2 tháng nay, công ty chỉ nhập được nguồn nguyên liệu lẻ, không xuất được lô hàng nào. 

Công ty đang cố gắng tìm việc để “giữ chân” cho hơn 600 công nhân lao động; đồng thời, mong muốn nhà nước có chính sách trợ vốn ưu đãi để trả lương cho công nhân và trang trải chi phí hoạt động.

“Mình phải cố gắng trả lương cho công nhân. Ảnh hưởng chung của đại dịch, bây giờ chỉ mong nhà nước giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi, cho vay thời hạn không lãi suất để có thể trả lương cho công nhân”, ông Nguyễn Tấn Thanh kiến nghị.

Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch - Ảnh 3.

Công ty TNHH sản xuất thương mại- dịch vụ Hoan Vinh cố gắng "giữ chân" hơn 600 công nhân lao động

Do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nhất là đầu ra sản phẩm nên một số doanh nghiệp ở địa phương thu hẹp phạm vi sản xuất; tiết giảm các hạng mục phụ không cần thiết, giảm chi phí trung gian và cắt giảm nguồn lao động.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sớm triển khai gói an sinh xã hội; cho giãn nợ, giảm tối đa lãi suất ngân hàng, miễn giảm các khoản thuế như: Giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất từ tháng 3 năm nay.

Hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể trong tỉnh khẩn trương triển khai công tác này. Riêng vấn đề an sinh xã hội, qua thống kê bước đầu, ước kinh phí hỗ trợ cho người dân và công nhân lao động tại Tiền Giang hơn 866 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với công nhân lao động, tổ chức công đoàn các cấp đang tích cực thực hiện các biện pháp sớm giúp đỡ họ khắc phục khó khăn.

“Về phía tổ chức Công đoàn mình cũng có làm việc với chủ nhà trọ giảm tiền thuê trọ, ngành cấp nước, giảm tiền điện nước. Số lao động doanh nghiệp ngừng, giãn thời gian, công đoàn đã chỉ đạo cho công đoàn cơ sở có trợ cấp cho đoàn viên tại doanh nghiệp đó. 

Đặc biệt, đối với các hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp và cả đơn vị sự nghiệp sẽ đề xuất Tổng liên đoàn có định mức thăm hỏi, trợ cấp khó khăn”, ông Lê Minh Hùng cho hay.

Những tác động của dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm cho người dân và doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. Song với những giải pháp chủ động của người dân, doanh nghiệp và sự chung tay, đồng hành của các cấp chính quyền, đoàn thể tỉnh Tiền Giang sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm bớt thiệt hại, khó khăn; sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh khi đại dịch đi qua.

Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại