Các lô hàng đồ bảo hộ cá nhân Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ mất 1/9 thời gian thông thường

Lan Hương |

Ngày 7/4, lô hàng bộ quần áo bảo hộ DuPont TYVEK sản xuất tại Việt Nam đã rời Hà Nội, tới khách hàng là chính phủ Mỹ. Ngày 10/4, lô hàng thứ hai cũng được chuyển hoàn tất đến Mỹ.

Theo nhận định của những người trong lĩnh vực thương mại, thời gian lô hàng được hoàn tất và chuyển giao đến Mỹ được giảm xuống chỉ còn 1/9 so với bình thường.

Từ quy trình 90 ngày giảm xuống 10 ngày

Theo thông cáo của Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Mỹ, thông qua hợp đồng vận chuyển của chính phủ, FedEx sẽ vận chuyển 450.000 bộ quần áo bảo hộ từ Việt Nam đến Kho dự trữ chiến lược quốc gia (SNS) tại Mỹ, đảm bảo các bộ quần áo bảo hộ đến được với các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế cần nhất.

Cũng theo Bộ này, để đảm bảo nguồn cung cấp nhanh nhất có thể và ổn định cho nhân viên y tế ở tuyến đầu, chính phủ Mỹ sẽ vận chuyển nguyên liệu thô đến Việt Nam mỗi tuần để cơ sở sản xuất tiếp tục sản xuất các bộ quần áo bảo hộ Tyvek.

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, thời gian DuPont hoàn thành đồ bảo hộ và vận chuyển từ Hà Nội đến Dallas là trong vòng 10 ngày - trong khi bình thường, một quy trình như vậy phải mất 90 ngày, bao gồm cả thời gian vận chuyển.

Mark Gillin, Giám đốc America Indochina Management (AIM), công ty chuyên nhập khẩu, phân phối các mặt hàng kháng khuẩn và vệ sinh liên quan đến y tế giữa Mỹ và Việt Nam cho biết, thời gian chính để sản xuất và vận chuyển các sản phẩm bảo hộ bao gồm 3 công đoạn: sản xuất vải, may thành phẩm và vận chuyển.

Mỗi công đoạn này được chi phối bởi "năng lực" - số đơn vị mà mỗi công ty có thể sản xuất được trong 1 ngày. Lấy ví dụ, một công ty có thể sản xuất 200.000 m2 vải may đồ bảo hộ Tyvek/ngày, cung cấp cho nhà máy có năng lực may được 100.000 bộ đồ bảo hộ/ngày; vận chuyển qua đường biển mất khoảng 30 ngày, cộng với các thủ tục hải quan của các quốc gia xuất và nhập khẩu.

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất đồ bảo hộ PPE, khâu mất nhiều thời gian nhất hiện nay là sản xuất vải. Điều này, cộng với thời gian vận chuyển đường biển khiến cho vì sao quy trình này kéo dài đến 90 ngày.

Khả năng hợp tác Việt - Mỹ trong thiết bị bảo hộ

Về năng lực sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân, ông Adam Sitkoff nhận định, Việt Nam có hơn 170 công ty có thể sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) để sử dụng trong cuộc khủng hoảng này.

Hiện đã có một số thành viên AmCham đã chuyển hướng sản xuất sang sản phẩm PPE không chỉ để sử dụng tại Việt Nam, mà còn xuất khẩu sang các quốc gia khác. Ngoài ra còn có các công ty sản xuất hàng triệu khẩu trang và các mặt hàng khác để xuất khẩu sang Mỹ.

"Điều này cho thấy sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Tôi kỳ vọng Mỹ sẽ tiếp tục mua các mặt hàng y tế này từ Việt Nam trong cuộc khủng hoảng Covid-19", Giám đốc điều hành Amcham cho hay.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng xác nhận, hiện nay, Mỹ đang quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam trong sản xuất các trang phục bảo hộ y tế và khẩu trang theo tiêu chuẩn N95.

Chuyên gia Mark Gillin tán đồng với ý kiến cho rằng, các lô hàng bảo hộ do Việt Nam xuất sang Mỹ trong thời gian qua có thể giúp Mỹ đa dạng hóa nguồn cung của mình khi khủng hoảng xảy ra thay vì chỉ dựa vào một nguồn như Trung Quốc. Ông cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng này cho thấy nguy cơ của việc tập trung quá mức vào một nguồn duy nhất tại một quốc gia. "Chúng tôi thấy điều này đặc biệt trong trường hợp của nguyên liệu thô", ông Gillin nói thêm.

Ngoài ra, Giám đốc AIM cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng cũng cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh quy định. Nhu cầu cấp thiết về các sản phẩm bảo hộ đã buộc các doanh nghiệp và chính phủ tập trung vào các trở ngại và đã chứng minh rằng nhiều trở ngại về quy định là không cần thiết và có thể được sắp xếp hợp lý mà không ảnh hưởng đến các quy tắc về an toàn.

Về chênh lệch chi phí khi sản xuất ở các quốc gia khác nhau, ông Mark Gillin cho biết, công đoạn chiếm chi phí nhiều nhất là sản xuất vải và nhân công. Chi phí vải may đồ bảo hộ Tyvek tương đối ổn định trên toàn cầu do DuPont cung cấp. Nhưng sẽ có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia về chi phí nhân công.

Cũng theo Giám đốc AIM, rất ít đồ bảo hộ cá nhân (PPE) tiêu thụ ở Mỹ thực sự được sản xuất ở Mỹ, vì vậy điểm so sánh sẽ là Trung Quốc, nơi sản xuất khoảng 50% tổng số PPE trên thế giới.

Ông Mark Gillin nhận định, giá PPE tại Trung Quốc hiện nay rất cao và biến động. Và vì Trung Quốc là nguồn chính của nguyên liệu cho mặt hàng PPE, họ có thể giữ giá cao bằng cách hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô để làm giảm cạnh tranh từ các nhà sản xuất ở các nước khác có giá thấp hơn. Đây là một thách thức thực sự đối với các nhà sản xuất PPE nước ngoài, vồn có năng lực dự phòng và sẵn sàng sản xuất PPE nhưng ít có khả năng tiếp cận với nguồn nguyên liệu.

Các lô hàng đồ bảo hộ cá nhân Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ mất 1/9 thời gian thông thường - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại