Bên trong phòng xét nghiệm corona ở Đức: Virus bị vô hiệu hóa, nguy cơ lây bệnh từ người bên ngoài còn cao hơn virus

Xuân Hoài |

Các nhân viên phòng thí nghiệm tại Đức đã nỗ lực làm việc với hàng trăm nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi tuần trong cuộc chiến chống virus corona mới.

Hiện nay, mỗi tuần có tới vài trăm nghìn xét nghiệm PCR được thực hiện tại 177 phòng thí nghiệm ở khắp nước Đức, đây là nơi tìm ra câu trả lời ai là người đã bị nhiễm virus corona. Để đáp ứng được khối lượng công việc khổng lồ, nhiều phòng thí nghiệm đã phải bổ sung nhân lực cho phòng PCR và làm việc cả tuần không nghỉ.

Sabine Simon, chuyên gia phân tích tại Phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Fenner và cộng sự (Hamburg, Đức) chia sẻ với Spiegel cho biết, kể từ khi bùng phát dịch bệnh ở Đức thì bộ phận phân tích của cô có khối lượng xét nghiệm cao nhất trong số các phòng thí nghiệm tư nhân: Tuần vừa rồi nhân viên phòng thí nghiệm này đã xét nghiệm khoảng 600 mẫu mỗi ngày theo phương pháp PCR để xác định Sars-CoV-2, thời gian làm việc 24/7.

Trước đây, bộ phận này có 5 kỹ thuật viên hiện nay số nhân lực tăng lên 20 người và làm việc theo ca, có ngày phải làm việc tới 12 tiếng đồng hồ.

"Tôi không thể đoán sẽ chịu đựng được thử thách kinh khủng về tinh thần và thể chất này được bao lâu nữa. Hiện tại tâm trạng mọi người vẫn tốt, mọi người đều rất hăng hái, nhiệt tình, sẵn sàng tình nguyện làm thêm ca, thậm chí cả trong những ngày nghỉ lễ. Mọi người thực sự rất vui vẻ với công việc. Thông thường chúng tôi hay làm các xét nghiệm đại loại như đánh giá đối với chlamydia, viêm gan B và C hay virus noro", cô nói.

Bên trong phòng xét nghiệm corona ở Đức: Virus bị vô hiệu hóa, nguy cơ lây bệnh từ người bên ngoài còn cao hơn virus - Ảnh 1.

Cô Sabine Simon làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: spiegel

Cô cho biết thêm, nhờ dịch bệnh lần này, cô cảm nhận được tình đoàn kết, đùm bọc từ bên ngoài, ví dụ, thỉnh thoảng, phòng thí nghiệm được cung cấp một bữa ăn trưa, được ăn bánh mì nóng hổi hay bánh sừng bò. Cô nói: "Tôi thật sự không ngờ một mầm bệnh vô nghĩa như vậy lại có thể tạo nên nhiều điều tích cực đến thế".

Tuy nhiền, lượng công việc dày đặc đã vắt kiệt sức lao động của nhiều cộng sự của cô. "Mọi người cảm thấy sự chịu đựng về thể chất đã đến giới hạn, ví dụ, lúc chiều muộn có người ngủ gục luôn trên ghế vì quá mệt mỏi. Giờ nghỉ trưa cũng yên tĩnh hơn so với trước đây. Tôi luôn tự an ủi, đây là thời điểm khủng hoảng, không phải là tình trạng lâu dài".

Cô cho rằng nguy cơ bị lây nhiễm Sars-CoV-2 trong phòng phân tích là rất hãn hữu, bất cứ ai làm việc trong phòng thí nghiệm với tác nhân truyền nhiễm, đều phải tính đến nguy cơ tồn dư. "Vì vậy, chúng tôi luôn luôn hết sức thận trọng. Kẻ thù đáng sợ nhất là làm việc chiếu lệ. Theo thói quen, chúng tôi kiểm tra rất kỹ từng bước trong quy trình làm việc của mình".

"Các biện pháp bảo vệ của chúng tôi hết sức an toàn. Chúng tôi mặc quần áo bảo hộ, áo choàng, đeo găng tay, khẩu trang và kính bảo hộ. Các loại virus liên quan đến hô hấp sẽ được mở ra trong cái gọi là máy hút - đó là thiết bị, người sử dụng ngồi sau một tấm chắn để mở mẫu và quệt vật phẩm để đưa sang một cái bình khác, trong suốt quá trình thao tác này không khí sẽ được hút ra ngoài. Thông qua một loại chất lỏng chuyên dụng, con virus sẽ bị vô hiệu hoá, không còn nguy hiểm nữa. Sau đó người ta có thể tiếp tục làm việc với mẫu mà không lo sợ gì nữa".

Cô cho biết, bản thân lo sợ nhiều hơn khi tiếp xúc với những người ở bên ngoài, bởi trong phòng thí nghiệm, các nhân viên biết rõ mình phải tự bảo vệ như thế nào nhưng họ không thể bảo vệ mình trước những đám đông bên ngoài.

Cô nói: "Trong phòng thí nghiệm tôi đã từng chứng kiến nhiều mầm bệnh nguy hại khác nhau – nhưng chưa bao giờ tôi thấy ghê gớm như lần này. Hồi tháng 1, khi dịch bùng phát ở Trung quốc, tôi thầm nghĩ không biết nó có lan sang Đức được không. Hồi đó, sếp của tôi còn phẩy tay gạt đi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại