Năng lượng tích cực từ Bạch Mai

Hoàng Anh Tú |

Cả nước trong suốt 14 ngày qua đều hướng về Bạch Mai như đặt niềm hy vọng kiểm soát dịch thành công của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Tôi là người luôn sợ đến bệnh viện. Kể cả việc đến bệnh viện thăm bạn ốm. Có thể là bởi nói đến bệnh viện là nói đến bệnh tật. Lúc nào tôi cũng có cảm giác bệnh viện nào cũng chứa cả tấn bệnh dịch, hàng tỷ các loại vi khuẩn, virus.

Chưa kể với lượng người lúc nào cũng đông chật như nêm và hầu hết người đến thăm bệnh đều chẳng ai đeo khẩu trang. Ám ảnh nhất là mùi mồ hôi quyện khắp không khí cùng tiếng khóc, tiếng rên, tiếng cãi cọ chí choé của đủ mọi giọng vùng miền.

Năng lượng tích cực từ Bạch Mai - Ảnh 1.

Bệnh viện là những nơi chẳng ai muốn đến nhưng lại là nơi làm việc của những y bác sỹ đang hàng ngày cứu chữa bệnh nhân và chiến đấu lại dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Mark.

Sự mệt mỏi căng thẳng trên mặt của nhiều nhân viên y tế cũng khiến tôi sợ đến bệnh viện. Rồi cả những hình ảnh bệnh nhân khi nhập viện cấp cứu cũng khiến tôi sợ hãi.

Bệnh viện thực sự đáng sợ. Nguồn năng lượng tiêu cực luôn có mặt khắp mọi ngõ ngách trong bệnh viện từ những người bệnh. Cảm giác bất lực trước cái đau đớn, nhăn nhó của người khác luôn khiến tôi cảm thấy khó chịu trong lòng. Nên tôi sợ cả việc tham dự các đám tang là vậy.

Có lẽ ngoài bệnh viện phụ sản, nơi tôi được đón nhận lần lượt 3 đứa con của mình, lũ cháu mình, con của bạn bè, người thân của mình mới là nơi tôi có thể đến một cách tự nguyện và thoải mái nhất. Thậm chí sẵn sàng qua đêm ở đó với những ông bố lần đầu đón con.

Ở đó có những năng lượng tích cực nhiều hơn dù vẫn đâu đó tồn tại năng lượng tiêu cực, nhưng bị niềm hân hoan chào đón sinh linh mới đẩy lùi đi nhiều.

Năng lượng tích cực từ Bạch Mai - Ảnh 2.

Công việc của những y bác sỹ thầm lặng nhưng lớn lao. Ảnh: Tuấn Mark.

Năng lượng tích cực cho bệnh viện là thứ tôi nghĩ mãi sau mỗi lần buộc phải vào bệnh viện thăm người ốm. Nên tôi luôn ủng hộ những chương trình tình nguyện kiểu em tôi - ca sỹ Thái Thuỳ Linh, người thường xuyên mang vào bệnh viện những chương trình tìm kiếm nụ cười, gieo trồng nụ cười, lòng vui sống.

Nhưng dường như thế vẫn còn chưa đủ. Bởi nó mới chỉ là những chương trình định kỳ. Tôi vẫn nghĩ mãi về những ý tưởng gieo trồng năng lượng tích cực khác mang ý nghĩa lâu dài và thường xuyên hơn, cố định hơn.

Như nhiều cây xanh bên giường bệnh hồi sức, nhiều cây xanh phủ khắp các ô cửa sổ. Hay tôi còn mơ mộng đến việc trang trí những bức tường trong bệnh viện. Rồi những sảnh chờ dành cho người đến thăm khám cũng phải được tổ chức một cách ấn tượng hơn, tích cực hơn.

Hoặc biến các bệnh viện Nhi thành những nhà trẻ nhiều màu sắc. Thậm chí cả những mô hình quán cafe thư giãn dành cho bệnh nhân. Mộng mơ hơn nữa là cả khẩu trang y tế của các bác sỹ, nhân viên cũng phải màu sắc hơn, thân thiện hơn thay vì màu trắng nhìn sạch sẽ nhưng hơi đơn điệu.

Rất nhiều, rất nhiều ý tưởng tôi đã từng nghĩ đến cho bệnh viện sau mỗi lần buộc phải vào viện thăm người ốm. Cốt chỉ để loại bỏ cảm xúc tiêu cực, nặng nề trong tôi.

Nhưng. Nhưng kể cả khi những ý tưởng của tôi thành hiện thực thì năng lượng tiêu cực liệu có biến mất? Thực ra, nhiều bệnh viện như Việt Pháp, Vinmec hay 108… cũng đã thay đổi "bối cảnh" đi nhiều so với tuyến bệnh viện công và cũng đã giảm đi rất nhiều năng lượng tiêu cực. Ít nhất là với khoản nhìn.

Trong sự thay đổi của tuyến bệnh viện tư tôi thấy nổi bật lên là việc hạn chế người nhà thăm bệnh. Như ở bệnh viện 108 mà gần đây nhất tôi đến thăm bạn ốm, ở đó, họ chỉ cho phép tối đa 2 người nhà được vào thăm bệnh nhân mỗi lần và chỉ trong khoảng thời gian nhất định.

Năng lượng tích cực từ Bạch Mai - Ảnh 3.

Các y bác sỹ đang làm việc trong phòng thí nghiệm CDC Hà Nội.

Thú thật là hôm đó tôi và mấy người bạn của mình rất bức xúc khi đã phải chờ đến lượt mới được vào thăm. Nhưng nghĩ lại và chứng kiến sự trật tự, trong khuôn phép như vậy tôi mới nhận ra mình bức xúc sai rồi. Không còn sự nhộn nhạo và người thăm bệnh cũng được an toàn hơn khi biết mọi thứ trong này đều được kiểm soát gắt gao.

Năng lượng tích cực có thể hình thành từ chính cảm giác an toàn cho không chỉ bệnh nhân, y bác sỹ, nhân viên bệnh viện mà còn cho người đến thăm bệnh. Sự kiểm soát người ra vào chặt chẽ sẽ giúp tránh cả việc xã hội đen xông vào bệnh viện như đã từng xảy ra.

Hay như những vụ lộn xộn kiểu người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ. Vẫn biết rằng người bệnh nào cũng mong ngóng có nhiều người thân đến thăm mình và chính những người thân cũng muốn đến thăm người bệnh để động viên tinh thần người bệnh.

Nhưng có lẽ chúng ta cần học cách kỷ luật hơn trong việc này. Kiểm soát người thăm bệnh, người nhà bệnh nhân có thể khiến mỗi bệnh viện phải gia tăng thêm nhân sự nhưng nó cũng sẽ giúp giảm tải mạnh mẽ những hệ luỵ đông người trong bệnh viện.

Năng lượng tích cực từ Bạch Mai - Ảnh 4.

Đêm qua, Bạch Mai đã chính thức được dỡ lệnh cách ly khiến nhiều người vui mừng vì có thành công bước đầu trong chiến đấu lại dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Hải.

Kể cả việc giữ gìn môi trường, cảnh quan, sự yên tĩnh cần thiết trong bệnh viện. Thứ mà tôi đã thấy hiệu quả từ bệnh viện 108 hay Vinmec, Việt Pháp…

Hôm nay, khi bệnh viện Bạch Mai kết thúc 14 ngày phong toả, nhiều quy định mới đã được bệnh viện Bạch Mai rút kinh nghiệm và thay đổi. Tôi rất mong quy định về thăm bệnh, kiểm soát người thăm bệnh cũng nên theo đó mà thay đổi. Kể cả sau khi dịch Covid-19 qua đi. Là 100% đeo khẩu trang khi bước chân vào viện. Là những quy trình bắt buộc khi đi trong khuôn viên bệnh viện như rửa tay sát khuẩn, giãn cách xã hội, kiểm soát tiếng ồn… Để bước chân vào bệnh viện, bất cứ ai cũng cảm thấy an toàn.

Chỉ khi đó, năng lượng tích cực mới được phát triển. Đã đến lúc từ bệnh viện Bạch Mai, hệ thống y tế Việt Nam tạo thành một bộ mặt mới tích cực hơn, an toàn hơn, mạnh mẽ và kỷ luật hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại