Hàng nghìn lái, phụ xe buýt bị giảm 50% thu nhập

TRỌNG ĐẢNG |

Hàng nghìn lái, phụ xe buýt bị giảm 50-70% thu nhập, trong khi doanh nghiệp xe buýt phải gồng mình lo lương nhân viên, trả lãi vay ngân hàng…

Giảm đến 70% lương

Là lái xe có thâm niên và tay nghề vào hạng cao nhất tại Tổng Công ty Vận tải - Transerco (bậc 4), anh Nguyễn Thanh Hiền, Xí nghiệp Xe buýt Yên Viên (Transerco), bình thường mỗi tháng nhận được tổng cộng 12 triệu đồng. Tuy nhiên, tháng trước, anh mới nhận được khoảng 50% số này.

Thu nhập của lái xe buýt tại Transerco gồm khoản cứng và khoản mềm; khoản cứng là khoản trả theo chế độ nhà nước, khoản mềm là trả theo ngày công, năng suất lao động.

Đối với khoản lương nhà nước và các chế độ kèm theo trong tháng 3 vừa qua, anh Hiền vẫn nhận được đầy đủ. Tuy nhiên, với khoản mềm, do số lượt xe chạy trên tuyến ít nên ngày công, thu nhập của anh giảm.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Hà, tài xế xe buýt tại Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến (Công ty Bảo Yến), nói rằng, trung bình mỗi tháng làm đủ ngày công, anh nhận được 13 triệu tiền lương. Tuy nhiên, tháng 3, anh chỉ nhận được 1/3 của số này.

Anh Hà cho biết, do vợ làm công nhân may nên thu nhập thất thường; anh là nguồn thu nhập chính của gia đình.

“Với mức thu nhập khoảng 3-5 triệu/tháng, gia đình tôi chỉ chống chọi được khoảng 1 đến 2 tháng. Trường hợp kéo dài sẽ rất khó chống đỡ, nhất là việc đóng tiền học cho 2 con, trả tiền mua nhà trả góp”, anh nói.

Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) cho biết, khi chưa xảy ra dịch COVID-19, mỗi ngày trung bình xe buýt phục vụ 2,6 triệu lượt người.

Thành phố huy động hơn 2.000 xe buýt, với hơn 4.000 lái, phụ xe (trung bình mỗi xe 1 lái, 1 phụ) thuộc 7 đơn vị, trong đó có Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Công ty Bảo Yến, Công ty Bắc Hà…

Lo trả lãi ngân hàng, lái, phụ xe nghỉ việc

Với 13 tuyến buýt, trong đó có 7 tuyến xe chạy khí nén CNG Công ty Bảo Yến hằng ngày vận hành 400 xe, với 800 lái, phụ xe. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Bảo Yến, cho biết, mỗi tháng, công ty phải trả cho họ 10 tỷ đồng tiền lương.

Ngoài ra, công ty có khoảng 500 nhân viên làm các việc gián tiếp, như thợ kỹ thuật, sửa chữa, điều hành, giám sát, và các công việc phụ trợ… Riêng lương cho nhân viên mỗi tháng công ty chi hết khoảng 15 tỷ đồng.

Ông Tuấn nói rằng, toàn bộ 400 xe vừa được thay mới, trong đó có khoảng 100 xe CNG 3,5 tỷ đồng/chiếc, trong đó 70% số tiền này là vay ngân hàng. Mỗi tháng doanh nghiệp phải trả cả chục tỷ đồng tiền lãi.

Ngoài khó khăn về nguồn thu để trả lương nhân công, vấn đề mà đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco đang lo lắng là lái xe, phụ xe và nhân viên bảo dưỡng bỏ việc.

“So với mặt bằng chung, lương lái phụ xe, nhân viên bảo dưỡng xe buýt tại đơn vị đang thấp so với mức lương tại một số đơn vị khác, với đợt xe bị dừng chạy nhiều ngày này, đơn vị đang rất lo ngại vì khó giữ chân được toàn bộ nhân viên”, đại diện Transerco cho biết.

Về chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải nói chung và xe buýt nói riêng, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty Xe buýt Bắc Hà, nói rằng, doanh nghiệp chưa nhận được bất kỳ văn bản thông báo, hướng dẫn nào.

Ông Hùng đề nghị, Nhà nước và thành phố sớm có chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó có kinh phí để trả lương cơ bản, giữ chân lái, phụ xe, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng.

Nếu chậm trễ, lực lượng lao động trực tiếp này có thể nghỉ việc, dẫn đến tình trạng khó vận hành đầy đủ khi xe buýt được chạy trở lại.

Hàng nghìn lái, phụ xe buýt bị giảm 50% thu nhập - Ảnh 2.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại