COVID-19: "Phao cứu sinh" của chính phủ Mỹ đến muộn, các doanh nghiệp nhỏ mòn mỏi chờ đợi hỗ trợ

Thu Ngọc - Hồng Anh |

"Tôi chưa từng trải qua điều gì tương tự như thế này trong cuộc đời mình", một chủ doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ chia sẻ về tình hình khó khăn do dịch COVID-19 gây nên.

Ngay khi các quan chức chính phủ bang New York công bố chi tiết các biện pháp đối phó dịch viêm phổi do virus corona chủng mới, ông Matt Preis, giám đốc của công ty Chuck & Buddha biết các nhân viên mình có thể gặp nhiều khó khăn, theo Reuters.

Công ty của ông Preis có trụ sở tại Brooklyn chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc thú cưng khi chủ nhân của chúng đi làm hoặc đi du lịch. Nhưng với khuyến nghị ở nhà của chính quyền bang New York thì nhu cầu của dịch vụ này đương nhiên không còn, do ai cũng phải ở nhà.

"Tôi chưa từng trải qua điều gì tương tự như thế này trong cuộc đời mình" - ông Preis nói. Hiện tại công ty của ông có 3 nhân viên làm việc toàn thời gian và một số nhân viên bán thời gian. "Thậm chí thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008 cũng không ảnh hưởng đến các chủ nuôi thú cưng nhiều lắm, ngoại trừ việc có thêm rất nhiều người làm dịch vụ như chúng tôi xuất hiện", ông nói.

Giống như nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ khác đã chia sẻ với hãng tin Reuters, ông Preis hi vọng các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ sẽ giúp ông duy trì doanh nghiệp của mình.

Tuy nhiên, thủ tục nộp đơn xin hỗ trợ khá phức tạp. Các chương trình hỗ trợ ở cấp bang và liên bang đều không ngay lập tức cung cấp tiền mặt cho doanh nghiệp. Trong khi chính phủ liên bang muốn giải ngân nhanh chóng thì các trở ngại về mặt hậu cần đang gây nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề thiếu nhân lực để duyệt đơn xin trợ cấp.

"Tôi không biết tương lai các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi sẽ đi về đâu", ông Preis nói.

COVID-19: Phao cứu sinh của chính phủ Mỹ đến muộn, các doanh nghiệp nhỏ mòn mỏi chờ đợi hỗ trợ - Ảnh 1.

Ảnh: Anadolu/Getty

"Tốc độ triển khai chương trình là điều quan trọng số 1"

Nhằm hỗ trợ hàng triệu chủ doanh nghiệp đang ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh giảm sút nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19, Quốc hội Mỹ tuần trước đã thông qua gói kích thích trị giá 2.000 tỉ USD, trong đó bao gồm chương trình Bảo vệ tiền lương trị giá 349 tỉ USD dành cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Chương trình này sẽ chi trả tiền lương trong 8 tuần và một số chi phí vận hành khác thông qua 1 khoản vay lên tới 10 triệu USD cho các doanh nghiệp sở hữu dưới 500 lao động.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính Mỹ ban hành hôm thứ 3 vừa qua, chương trình có hiệu lực từ ngày 15/2 nên các chủ doanh nghiệp đã sa thải lao động có thể thuê lại nhân viên đến hết ngày 30/6. Đối tượng thụ hưởng của chương trình cho vay vốn này khá rộng - từ cá nhân tự doanh, người làm thuê theo thời vụ, các tổ chức phi lợi nhuận, quân đội - cựu chiến binh và nhóm dân tộc thiểu số.

Theo thông báo của Jovita Carraza, quản trị viên của Tổ chức Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA), "Tốc độ triển khai chương trình là điều quan trọng số 1". Được biết, SBA là tổ chức chính phân phối tiền vay từ Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp.

Đối với một số doanh nghiệp, sự trợ giúp này đến quá muộn. Doanh số và nguồn cung đã cạn kiệt sau khi nhiều chính quyền địa phương và tiểu bang yêu cầu đóng cửa hoạt động kinh doanh từ giữa tháng 3.

Bà Kelly Klein, Giám đốc điều hành Hãng Groennfell Meadery tại Saint Albans, bang Vermont, chủ một doanh nghiệp về cơ bản đã ngừng hoạt động, cho biết mình chưa nắm rõ thông tin về chương trình vay vốn liên bang mặc dù đã đọc thông tin trên mạng và trao đổi với nhân viên ngân hàng.

Cả 5 nhân viên của bà đang đợi thông tin xem họ có bị mất việc sau tháng 5 hay không.

"Chúng tôi không thể duy trì thuê nhân viên nếu không có tiền. Mục tiêu lớn nhất của tôi là giữ chân họ và đảm bảo hoạt động kinh doanh khi họ quay trở lại làm việc" chia sẻ của bà Klein.

Nói dễ hơn làm

Có thể thấy rõ cơ quan SBA đang bị quá tải. Năm ngoái, cơ quan này đã cấp cho doanh nghiệp vay tổng cộng 28 tỉ USD. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, tổ chức này với số nhân viên đang đi làm khá ít đã phải xử lý khoản nợ lớn gấp hơn 10 lần số nợ năm ngoái.

Vấn đề còn phức tạp hơn khi Nhà Trắng muốn mình là đầu mối xử lý tất cả thông tin về virus corona. Điều này gây khó cho cơ quan trong chính phủ khi tuyên truyền cho ngân hàng về chương trình vay vốn.

Chủ nợ cần phải xác định được số nhân viên trên sổ sách của công ty vay nợ tại thời điểm nộp hồ sơ vay vốn, và đảm bảo các khoản chi phí phải hợp lý. Quá trình này mất nhiều thời gian. Đồng thời, họ vẫn phải tuân thủ các quy định để phòng tránh tình trạng gian dối và bảo vệ thông tin khách hàng theo Luật Bảo mật ngân hàng.

Theo ông Greg Baer, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chính sách ngân hàng: "Nếu trong hoàn cảnh thông thường, những chương trình như thế này sẽ mất cả năm chuẩn bị mới có thể triển khai được".

Các ngân hàng khuyến nghị khách hàng cần kiên nhẫn và chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết đầy đủ để các khoản vay được xử lý nhanh chóng. Một số ngân hàng hy vọng sẽ bắt đầu giải ngân sớm nhất từ ngày mai trở đi.

Giám đốc điều hành ngân hàng Huntington Bancshares Inc Stephen Steinour cho biết ông hy vọng nhân viên sẽ làm việc 7 ngày/tuần với các ca làm việc dài hơn từ nay đến cuối tháng 6 và thuê thêm nhân viên thời vụ để hỗ trợ thêm quá trình xử lý hồ sơ vay vốn.

COVID-19: Phao cứu sinh của chính phủ Mỹ đến muộn, các doanh nghiệp nhỏ mòn mỏi chờ đợi hỗ trợ - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại