Đại dịch COVID-19: Từ hướng dẫn lựa chọn bệnh nhân "tàn nhẫn" của bác sĩ Ý, chuyên gia Mỹ kêu gọi hành động ngay

Uyên Uyên |

Giáo sư Yascha Mounk bàn về bộ tiêu chí tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19, từ đó hé lộ bao trăn trở của các y bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu với bệnh dịch tại Ý.

Dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát trong thời gian ngắn khiến hệ thống y tế của Ý "vỡ trận". Trong chưa đầy 1 tháng, từ 1 quốc gia chỉ có 3 ca nhiễm, Ý trở thành đất nước ngoài Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. 

Tính tới sáng 13/3, nước này có 12.462 bệnh nhân và 827 ca tử vong. Các con số vẫn liên tục tăng theo từng giờ, gây áp lực chưa từng có lên hệ thống y tế của nước này. 

Bài viết của Giáo sư Yascha Mounk thuộc Đại học Johns Hopkins, Chuyên gia cấp cao của Quỹ Marshall Đức, tác giả của cuốn People vs. Democracy, xuất bản trên trang "The Atlantic" ngày 11/3/2020 bàn về cuộc đấu tranh tư tưởng đầy khó khăn và đau đớn của các y bác sĩ Ý cũng như sự lựa chọn đối với nước Mỹ. 

Dưới đây là phần lược dịch bài viết.

---

Hai tuần trước, Ý ghi nhận 322 ca nhiễm virus corona. Vào thời điểm ấy, y bác sĩ ở các bệnh viện trên toàn nước Ý có thể chăm sóc kỹ lưỡng cho từng bệnh nhân.

Một tuần trước, virus nói trên lây lan cho 2.502 người và gây nên dịch COVID-19. Vào thời điểm ấy, y bác sĩ ở các bệnh viện ở Ý vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ cứu sống người bệnh bằng cách sử dụng máy thở nhân tạo cho những người bị viêm hô hấp cấp tính.

Tới hôm nay, Ý đã có tới 10.149 ca nhiễm virus corona chết người (thống kê ở thời điểm viết bài của tác giả - ND). Hiện số bệnh nhân mà hệ thống y tế nước này phải tiếp nhận là quá lớn. Các bác sĩ, y tá không thể chữa trị cho tất cả ca bệnh, chưa kể đến việc thiếu máy móc, trang thiết bị.

Đại học Gây mê, Giảm đau, Hồi sức và Chăm sóc Tích cực Ý (SIAARTI) mới đây đã ban hành một bộ hướng dẫn, trong đó liệt kê nhiều tiêu chí cụ thể mà các bác sĩ và y tá có thể dựa vào đó để thực hiện công tác tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp quá tải.

Bộ hướng dẫn bắt đầu bằng phép so sánh lựa chọn mà các bác sĩ Ý đang phải đưa ra ở thời dịch giống với với cách cứu người trong thời chiến.

Cụ thể, bộ hướng dẫn viết: Thay vì chăm sóc tất cả các bệnh nhân, có lẽ cần phải tuân theo "các tiêu chí phổ biến nhất liên quan tới tính công bằng trong khía cạnh phân phối và sự phân bổ hợp lý nguồn lực y tế hạn hẹp... Tiêu chí phân bổ nguồn lực y tế cần đảm bảo được rằng những bệnh nhân có khả năng sống cao nhất sẽ nhận được duy trì chăm sóc tích cực."

Các tác giả, vốn là các bác sĩ, đã đưa ra một loạt khuyến nghị cụ thể giúp y bác sĩ xác định cách tiếp nhận bệnh nhân, bao gồm cả yếu tố: "Có lẽ cần phải đặt ra giới hạn độ tuổi được chăm sóc tích cực". 

Những người quá già nên khả năng hồi phục thấp hoặc những người còn "ít thời gian sống" kể cả được cứu sẽ không phải đối tượng ưu tiên số một khi điều trị. 

"Điều này nghe có vẻ tàn nhẫn nhưng không có phương án nào tốt hơn" - bộ hướng dẫn nhận định. 

Ngoài độ tuổi, các y bác sĩ cũng được khuyến cáo cân nhắc tới tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. 

"Các bệnh lý nền cần được đánh giá cẩn thận". Các nghiên cứu ban đầu về virus cho thấy, nhiều khả năng bệnh nhân vốn có các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thì có nguy cơ tử vong cao hơn rõ rệt, và vì sức khỏe kém nên họ cần tới nguồn lực lớn hơn trong chữa trị. 

Quá trình điều trị, vốn tương đối ngắn ở những bệnh nhân khỏe hơn, có thể kéo dài và tiêu tốn nguồn lực hơn ở những trường hợp bệnh nhân già, yếu. 

Những hướng dẫn này được khuyên không chỉ áp dụng cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 mà cho tất cả các bệnh nhân cần đến điều trị chuyên sâu.

Vậy hãy cùng bàn luận về cơ sở lý luận của bộ hướng dẫn này.

Chuyên ngành đào tạo của tôi là triết học chính trị và đạo đức. Tôi từng dành nhiều thời gian để thảo luận các tình huống "tiến thoái lưỡng nan", kiểu như "vấn đề tàu hàng" (trolley problem - một thí nghiệm tư duy nổi tiếng trong đạo đức học). Nếu một đoàn tàu đang lao về phía 5 người bị trói xuống đường ray và tôi có thể chuyển ray bằng cách gạt cần, nhưng làm như thế sẽ khiến 1 người qua đường thiệt mạng, vậy tôi có làm không?

Phần nào mục đích của các cuộc thảo luận là nhằm giúp con người đưa ra những quyết định, lựa chọn khó khăn về mặt đạo đức trong hoàn cảnh thực tế. Nếu bạn là một y tá làm việc quá sức trong cuộc chiến với đại dịch mới. Ở hoàn cảnh tuyệt vọng nhất, bạn không thể điều trị cho tất cả mọi người dù bạn cố gắng đến mức nào đi nữa. Vậy câu hỏi đặt ra là: bạn nên cứu ai?

Dù có rất nhiều năm nghiên cứu lý thuyết về lĩnh vực này, phải thừa nhận là tôi không đưa ra phán xét đạo đức về bộ hướng dẫn của các bác sĩ Ý nói trên. Tôi không biết điều họ đề xuất là đúng hay sai.

Tuy nhiên, nếu Italy đang ở trạng thái bất khả thi thì có lẽ điều quan trọng nhất đối với nước Mỹ là phải khống chế cuộc khủng hoảng trước khi tình huống bất khả thi xảy ra. 

Có nghĩa là các nhà lãnh đạo chính trị, những người đứng đầu doanh nghiệp hay hiệp hội tư nhân và mỗi cá nhân cần chung ta làm 2 việc: Tăng cường năng lực của các đơn vị chăm sóc tích cực trên đất nước và tránh triệt để các giao tiếp xã hội. 

Hãy hủy tất cả [các hoạt động tụ tập không cần thiết]. Ngay bây giờ.

Đại dịch COVID-19: Từ hướng dẫn lựa chọn bệnh nhân tàn nhẫn của bác sĩ Ý, chuyên gia Mỹ kêu gọi hành động ngay - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại