Từ cậu bé chưa học hết lớp 6, đi nhặt rác, rửa bát thuê đến ông chủ doanh nghiệp may Bắc Giang

T.D |

Người ta thường chỉ nhìn thấy kết quả mà ít quan tâm đến hành trình hay xuất phát điểm của bạn ra sao. Và nếu chỉ nhìn vào cơ ngơi mà doanh nhân Lê Xuân Tráng đã gây dựng hiện tại, hẳn cũng ít ai biết được những cơ cực và gian khó đằng sau đó.

Nhặt rác, rửa bát thuê: Cơ cực nhưng không thể thoát nghèo

Lê Xuân Tráng sinh năm 1975, là người con thứ năm trong một gia đình có sáu anh chị em ở xã Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Gia đình vốn đã khó khăn, hai chị lớn lại đau ốm, bệnh tật liên miên, ba mẹ anh phải vay tiền khắp nơi để chạy chữa. Gánh nặng nợ ngày càng đè nặng lên vai, họ phải bán đi cả căn nhà và mảnh đất của mình.

Đến khi lên lớp 6, Tráng cùng em út (lúc ấy mới lớp 2) đã phải nghỉ học vì gia đình không còn đủ khả năng trang trải. Lớn thêm một chút, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, anh lặn lội sang tận Thái Nguyên để buôn bán thực phẩm. Nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu. Sau khi kết hôn, cả gia đình vẫn sống trong nợ nần, túng thiếu.

Từ cậu bé chưa học hết lớp 6, đi nhặt rác, rửa bát thuê đến ông chủ doanh nghiệp may Bắc Giang - Ảnh 1.

Doanh nhân Lê Xuân Tráng.

Năm 22 tuổi, Tráng chào đón đứa con đầu lòng. Đó cũng là lúc anh tạm rời xa gia đình, quyết định "Nam tiến" mong thoát nghèo.

Vào Sài Gòn chỉ với 30 nghìn đồng cùng chiếc xe đạp, anh làm đủ thứ nghề, từ rửa bát thuê đến nhặt rác, tiết kiệm từng đồng gửi về quê nhà. Nhưng, "Sau mấy năm nhặt rác, gặp biết bao cơ cực mà tương lai chưa có gì sáng sủa nên tôi xin vào cắt chỉ thuê cho một công ty. Thấy mấy anh công nhân học may, tôi để ý học theo", anh Tráng chia sẻ trên Báo Bắc Giang.

Nghề may đổi đời

Điều đáng mừng là Tráng nhận ra mình có khiếu với nghề may, anh nhanh chóng trở thành thợ lành nghề trong xưởng. Năm 2002, anh ra Hà Nội, làm việc cho một doanh nghiệp may có vốn đầu tư từ Mỹ. Bốn năm sau, Tráng trở về quê nhà, trở thành quản lý cho một công ty may mặc khác.

Ngày ấy, mức lương 13 triệu đồng/tháng đã giúp Tráng và gia đình vượt qua khó khăn, cuộc sống dần ổn định hơn. Nhưng hành trình chưa dừng lại đó.

Từ làm thuê lên làm chủ

Không chịu an lòng với cuộc sống ổn định tại quê hương, năm 2008, anh Tráng sang Trung Quốc, làm thuê cho một ông chủ người Nga, trong lĩnh vực may mặc.

Mục đích lớn nhất khi ấy không phải kiếm tiền mà là đi học hỏi kinh nghiệm quản lý, phát triển thị trường để sau đó quay về mở doanh nghiệp của riêng mình.

 Tự học và thành thạo tiếng bản địa, anh được nhiều doanh nghiệp mời làm phiên dịch và đại diện mại vụ trong những giao dịch vận chuyển hàng về Việt Nam. Đồng thời, Tráng đã mở được xưởng may riêng ngay tại xứ người.

Sau 6 năm, đến tháng 6/2013, vị doanh nhân về Bắc Giang, thành lập Công ty Thời trang Anh Sơn ngay tại xã Hoàng Thanh. Không chọn trung tâm hay khu công nghiệp lớn với hạ tầng và điều kiện thuận lợi hơn, anh muốn giúp những thanh niên và phụ nữ quê nhà có công việc làm ổn định hơn.

Từ cậu bé chưa học hết lớp 6, đi nhặt rác, rửa bát thuê đến ông chủ doanh nghiệp may Bắc Giang - Ảnh 2.

Kinh nghiệm thực chiến ở Trung Quốc đã phát huy tác dụng. Đơn hàng ngày càng nhiều và ổn định. "Những đợt sát ngày giao hàng mà sản phẩm vẫn chưa đóng gói xong, công nhân phải làm tăng ca, dù vất vả nhưng cả Ban giám đốc và công nhân đều thấy vui", anh kể lại.

Năm 2015, công ty mở thêm dây chuyền may khẩu trang, tuyển thêm lao động. Sau khi sản phẩm được xuất sang Mỹ, Mexico, anh Tráng quyết định mở rộng quy mô. 

Từ 730 mét vuông nhà xưởng, chỉ hai dây chuyền sản xuất, 28 công nhân ban đầu nay tăng lên 5 dây chuyền, gần 300 công nhân với diện tích nhà xưởng 2.700 mét vuông. Tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng.

Hành trình cho đi

Chị Giáp Thị Huế từng chia sẻ với báo An ninh: "Thu nhập của tôi bình quân mỗi tháng là 3,8 triệu. Ngoài mức lương này ra thì tôi có được anh Tráng cũng như công ty hỗ trợ 300 nghìn tiền đối với người có hoàn cảnh khó khăn".

Từ cậu bé chưa học hết lớp 6, đi nhặt rác, rửa bát thuê đến ông chủ doanh nghiệp may Bắc Giang - Ảnh 3.

Chị Huế bị di chứng bại liệt, teo một chân từ nhỏ, chị là một trong số 10 công nhân khuyết tật làm việc tại xưởng may Anh Sơn. "Những người khuyết tật như chị Huế luôn mặc cảm về bản thân. Tôi mong muốn giúp họ tự tin vào khả năng của mình, hòa nhập với cộng đồng", anh Tráng tâm niệm.

Vị doanh nhân cũng không ngại nhận những người từng có quá khữ lỡ lầm, dạy nghề và cho họ có cơ hội làm việc, dựng lại cuộc đời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại