Học giả Mỹ giải mã việc TT Trump không phát biểu sau cuộc tấn công, đánh giá phản ứng của Iran

Thi Anh |

Sau khi Iran tấn công, Nhà Trắng thông báo rằng tối 7/1 Tổng thống Trump sẽ không có bài phát biểu nào.

Đêm 7/1 (giờ Iraq), Tehran đã phóng hơn 10 tên lửa vào 2 mục tiêu quân sự Mỹ ở Iraq để đáp trả việc Mỹ giết hại tư lệnh quân đội cấp cao Qassem Soleimani. Tính đến thời điểm hiện tại, Washington chưa đưa ra phản ứng gì ngoại trừ thông tin về bài phát biểu dự kiến của Tổng thống Mỹ trong vài tiếng đồng hồ tới.

Vox đã có cuộc phỏng vấn với học giả cấp cao Ilan Goldenberg, giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông của trung tâm phân tích Center for New American Security về các diễn biến mới xung quanh tình hình hiện tại ở Trung Đông. Dưới đây là phần lược dịch bài phỏng vấn này.

---

PV Jen Kirby: Khi trao đổi qua điện thoại, ông có nói rằng, ông cảm thấy tích cực hơn một chút, nên tôi nghĩ đây là một khởi đầu không tệ. Vì sao ông lại nghĩ như vậy?

Học giả Ilan Goldenberg:

Bởi Nhà Trắng thông báo rằng tối 7/1 Tổng thống Trump sẽ không có bài phát biểu nào. Nếu ông ấy lên truyền hình vào tối 7/1 thì sẽ chỉ có một lý do duy nhất mà thôi: Đó là thông báo về cuộc tấn công của Iran nhằm vào Mỹ và sự đáp trả của Mỹ.

Trên thực tế, ông ấy không làm như vậy và đối với tôi điều này có 2 ý nghĩa. Thứ nhất là chính quyền Mỹ đang cân nhắc về mọi thứ và thế là tốt - họ không lập tức nhảy dựng lên. Bởi chúng ta có thời gian, chúng ta có thể đáp trả theo các điều kiện của mình, nếu cần.

Thứ hai là chúng ta chưa nắm được đánh giá thiệt hại chính xác tại hiện trường và kết quả của cuộc tấn công. Nhưng nếu thực sự nghiêm trọng thì có lẽ đã thấy tổng thống trên truyền hình tối nay rồi, tôi nghĩ vậy. Vì thế, với tôi, cuộc tấn công có vẻ không nghiêm trọng như đáng ra đã diễn ra.

PV Jen Kirby: Cơ bản không có tin tức gì lại là tin tức tốt.

Học giả Ilan Goldenberg:

Đúng vậy, không có tin tức gì kiểu như phát ngôn của tổng thống là tin tốt.

PV Jen Kirby: Kể từ sau cái chết của ông Soleimani, thế giới đang theo dõi và chờ đợi xem Iran phản ứng như thế nào. Vậy ông có đánh giá gì về phản ứng của Iran đối với cuộc tấn công hồi tuần trước?

Học giả Ilan Goldenberg:

Thứ nhất, phải chú ý một điều quan trọng là chúng ta không biết chính xác về phản ứng (của Iran) bởi ta chưa biết kết quả, có nghĩa là những thiệt hại đối với những căn cứ ở Iraq.

Đây cũng có thể chưa phải là toàn bộ phản ứng của Iran. Đây có thể chỉ là phản ứng tức thời mà thôi.

Tôi cảm thấy Iran cần làm gì đó nhanh chóng, biểu tượng và công khai, xét trong bối cảnh mức độ công khai của vụ giết hại Soleimani. Đó là một vài tham biến mà lãnh đạo tối cao Iran đã đặt ra.

Tuy nhiên, Iran không muốn châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Cuộc tấn công này của Iran là táo bạo. Rõ nét. Quan trọng. Nhưng có vẻ không gây nhiều thiệt hại về người đối với Mỹ.

Người Iran, trên truyền hình quốc gia, họ nói khoảng 30 người Mỹ đã thiệt mạng và máy bay Iran đang bay vào lãnh thổ Iraq. Họ nói những chuyện đó thực sự chỉ là để cho khán giả trong nước nghe thôi.

Vậy nên, thực tế là Iran đã tìm ra một cách để, ít nhất trong thời điểm hiện tại, phản ứng tương xứng. Đó là cảm nhận của tôi.

Tuy nhiên, đây sẽ không phải phản ứng duy nhất, theo quan điểm của tôi. Tôi cho rằng Iran sẽ tìm tới những phương thức khác sau này, có thể không công khai.

Tôi vẫn nghĩ chúng ta cần phải lo lắng về những thứ như tấn công mạng, tấn công khủng bố, nhắm tới các đại sứ quán Mỹ, ám sát quan chức Mỹ. Tôi nghĩ tất cả những phương án ấy hoàn toàn có thể được cân nhắc trong nhiều năm để trả đũa.

PV Jen Kirby: Ông đã đề cập tới "khán giả trong nước". Vậy việc chính quyền Iran ra dấu rằng mình đang phản ứng về cái chết của Soleimani quan trọng tới mức nào?

Học giả Ilan Goldenberg:

Quan trọng chứ.

Thứ nhất, đây là phản ứng kiểu dân tộc chủ nghĩa. Ông ấy được người dân ở nhiều nơi tại Iran coi trọng, xem như người đã bảo vệ Iran khỏi ISIS. Đây là một thời điểm mang tính dân tộc ở Iran. Thứ hai, anh sẽ muốn thể hiện với người dân là anh mạnh mẽ và cứng rắn. Thế nên Iran phải làm điều gì đó.

PV Jen Kirby: Vậy ông có nghĩ rằng những cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu quân sự Mỹ được tính toán mang tính chiến lược, nhưng cũng tìm cách né tránh thương vong của phía Mỹ - yếu tố nhiều khả năng sẽ dẫn tới phản ứng ngược từ phía Mỹ - hay không?

Học giả Ilan Goldenberg:

Hãy nhìn xem, phóng khoảng 12 quả tên lửa tương đối chính xác vào một căn cứ lớn ở giữa sa mạc thì nhiều khả năng sẽ không làm ai thiệt mạng cả. Nhưng tôi không thể nói là họ chủ ý tìm cách tránh giết người Mỹ.

PV Jen Kirby: Iraq trong tình huống này thì sao?

Học giả Ilan Goldenberg:

Có thông tin là phía Iraq có thương vong.

PV Jen Kirby: Nhưng nhìn rộng ra thì cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran có ý nghĩa thế nào với Iraq? Có vẻ như nước này đang ngày càng bị mắc kẹt trong cuộc leo thang.

Học giả Ilan Goldenberg:

Đây là cơn ác mộng với Iraq. Tháng trước tôi tới Iraq và tôi cảm thấy người Iraq chỉ muốn lấy lại đất nước của mình. Họ chán ghét người Iran. Họ chán ghét người Mỹ. Họ chỉ muốn có lại đất nước của mình và cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ là trở thành bàn cờ cho ván cờ giữa Mỹ và Iran. Giờ mọi chuyện lại có vẻ đi theo hướng đó.

PV Jen Kirby: Đúng là có vẻ như vậy thật. Hiển nhiên là chúng ta vẫn đang tìm hiểu chuyện gì đã diễn ra nhưng chúng ta nên trông chờ điều gì?

Học giả Ilan Goldenberg:

Tôi nghĩ là nên theo dõi hai điểm: Về phía Mỹ, nhóm an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đã tiến hành một cuộc họp ở Nhà Trắng. Liệu họ có nghĩ ra thêm nhiều phương án không? Liệu ta có chứng kiến phản ứng của Mỹ trong vài ngày tới không? Hay ta sẽ thấy một khoảng lặng?

Về phía Iran, câu hỏi đặt ra là cái gì là tức thời và cái gì là lâu dài? Về mặt tức thời thì họ đã kết thúc chưa? Hay chúng ta sẽ lại đón thêm một cơn sóng như thế này vào hôm sau? Tôi nghĩ là họ đã xong rồi.

PV Jen Kirby: Vậy còn câu hỏi mà ai cũng muốn biết: Mỹ có đang ở trong một cuộc chiến tranh không? Hay ít nhất, Mỹ có tiến gần tới chiến tranh hơn không?

Học giả Ilan Goldenberg:

Tôi chưa biết chắc. Có một số yếu tố phải xem xét: Tất cả còn phụ thuộc vào chuyện Mỹ phản ứng như thế nào và Iran làm gì tiếp theo.

Hiện tại thì Mỹ vẫn chưa bước vào chiến tranh. Mỹ đang ở trong một tình thế leo thang cao độ. Bước vào chiến tranh có nghĩa là phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

Vì thế Mỹ chưa bước vào chiến tranh. Mỹ có đang tiến gần hơn không ư? Có thể. Kỳ thực tôi cũng không chắc chắn. Thậm chí có thể Mỹ đã lùi lại một bước bởi nếu đây là mức độ trả đũa công khai của Iran, ít nhất ở thời điểm ban đầu, thì đáng ra có thể tệ hại hơn nữa. Nhưng nếu đây mới là khởi đầu của chuỗi phản ứng thì lại là chuyện khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại