Quyết định sát hại tướng Iran, lời "nhắn nhủ" của Mỹ đến Triều Tiên có sức đủ răn đe?

Minh Khôi |

Quyết định sát hại tướng Soleimani đã làm các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên trở nên phức tạp hơn.

Tăng quyết tâm của Triều Tiên

Trong những thời điểm căng thẳng nhất vào năm 2017, khi Triều Tiên và Mỹ tưởng như đang ở bờ vực của một cuộc chiến tranh, một cuộc thảo luận đã nổ ra bên trong Nhà Trắng: Nếu Mỹ tiến hành các vụ không kích hạn chế đối với Triều Tiên, liệu điều đó có đủ khiến cho Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dừng các chính sách phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa xuyên lục địa?

Câu trả lời của Triều Tiên, thông qua truyền thông quốc gia, rõ ràng là "Không". Bình Nhưỡng đã khuyến cáo nước này sẽ trả đũa mạnh mẽ với bất cứ hành động quân sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ từ bên ngoài.

"Mỹ sẽ rơi xuống địa ngục và cùng với đó là dấu chấm hết với một quốc gia với lịch sử ngắn ngủi, điều đó sẽ xảy ra khi ông ta phá huỷ dù chỉ là một ngọn cỏ trên đất nước này", một nhận định được đưa ra trên truyền thông quốc gia Triều Tiên vào tháng 2/2018, vài tháng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên.

Cuối cùng, Tổng thống Trump đã không đưa ra mệnh lệnh cho một cuộc tấn công, phần lớn là nhờ vào các nỗ lực ngoại giao đã thúc đẩy cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore vào tháng 6/2018.

Tuy nhiên, đằng sau các tuyên bố đe doạ của Bình Nhưỡng luôn chứa đựng những thông điệp quan trọng: Bình Nhưỡng đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, do đó, các chính trị gia tại Washington cần suy nghĩ kĩ trước khi đưa ra những quyết định về một cuộc chiến, hoặc ví như ám sát một vị tướng lĩnh được coi là khủng bố hoặc là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia.

Đó có lẽ là quan điểm của Triều Tiên khi nhìn vào quyết định của Tổng thống Mỹ trong việc sát hại Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani trong vụ không kích vào thứ Sáu tuần trước, bước đi đã đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy khủng hoảng, đồng thời đẩy căng thẳng giữa Tehran và Washington lên một cao trào mới, cây bút bình luận Joshua Berlinger viết trên CNN.

Rõ ràng trong trường hợp này, Washington không phải lo ngại về một vụ trả đũa hạt nhân từ Iran, nhưng với Triều Tiên, đó lại là câu chuyện khác.

"Triều Tiên đứng ngay sau Iran trong danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố. Và chính quyền Tổng thống Trump hiện đang biện minh cho hành động sát hại tướng Soleimani bằng việc gọi ông ta là khủng bố", Adam Mount, chuyên gia cao cấp tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận định.

Việc sát hại Soleimani, ông Mount nói, sẽ chỉ làm tăng quyết tâm của Triều Tiên trong việc đẩy mạnh năng lực hạt nhân. "Trong trường hợp điều gì đó xảy ra với các nhân vật chóp bu, Triều Tiên có thể sẽ bắt đối phương phải trả giá", ông Mount nói thêm.

Mỹ cần tránh quyết định rủi ro

Bằng việc đưa Triều Tiên vào danh sách cùng với Iran và Iraq, cũng như cuộc chiến nhằm lật đổ Saddam Hussein sau đó, được cho là yếu tố thúc đẩy chính quyền Triều Tiên vào lúc đó tìm đến vũ khí hạt nhân như giải pháp để duy trì sự sống còn.

Bình Nhưỡng đã viện dẫn trường hợp của Saddam Hussein hay Moammar Gadhafi như những ví dụ sinh động rằng tại sao nước này lại cần đến vũ khí hạt nhân, và tại sao đây lại là điểm mấu chốt khó có thể từ bỏ trong các cuộc đàm phán. Gadhafi đã đồng ý từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên chỉ vài năm sau, ông ta đã bị lật đổ và giết hại bởi các lực lượng đối lập dưới sự hậu thuẫn của Washington.

"Triều Tiên nghĩ rằng không thể tin tưởng Mỹ. Nước này hiểu rằng chỉ có vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra sự khác biệt sau những gì đã xảy ra ở Iraq và Libya", Van Jackson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama nói trong bài phỏng vấn với CNN.

Tổng thống Trump đã nghĩ rằng cách tiếp cận trực diện với ông Kim Jong Un về vấn đề đàm phán hạt nhân sẽ giúp ông thành công. Tuy nhiên, kết quả sau đó cho thấy các cuộc đàm phán đã không đi đến kết quả như kì vọng, mà một phần là bởi vấn đề lòng tin.

Cả 2 phía đã đưa ra các cáo buộc qua lại về việc mỗi bên thiếu sự mềm dẻo để đi đến quyết định Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và đổi lại là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Trong bài phát biểu vào dịp đầu năm, ông Kim khẳng định Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ vẫn kiên quyết theo đuổi các chính sách thù địch.

Có thể Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân, nếu Bình Nhưỡng có lòng tin và mối quan hệ vững chắc với Mỹ. Hay Mỹ sẽ phát triển một mối quan hệ ngoại giao bình thường với Triều Tiên, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, và giúp Bình Nhưỡng phát triển kinh tế nếu nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, quyết định sát hại tướng Soleimani đã làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Điều đó cho thấy những lời đe doạ của Tổng thống Trump không phải chỉ trên giấy, và Triều Tiên có lý do để tạm dừng những hành động có thể mang tính khiêu khích, ví dụ như phóng tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân.

Trong trường hợp khác, Triều Tiên có thể trở nên nguy hiểm hơn. Nếu ông Kim Jong Un tin rằng Tổng thống Trump sẽ tiến hành tấn công Triều Tiên, "ông Kim Jong Un có thể sẽ cảm thấy sức ép cần giữ chặt sức mạnh hạt nhân bên mình", Jackson nói.

"Có nhiều câu hỏi được đặt ra về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và chúng ta không có câu trả lời, và cho đến khi mọi thứ được giải đáp, điều quan trọng là Mỹ không nên đưa ra những quyết định có thể mang đến những rủi ro lớn", Jackson kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại