Sợ đại dịch bùng phát trước thềm Tết Nguyên đán, toàn châu Á 'nín thờ' chờ Trung Quốc tìm hiểu căn bệnh lạ

Minh Đức |

Chính quyền y tế Trung Quốc hiện vẫn chưa thể xác định được căn bệnh viêm phổi bị ẩn đã lây nhiễm hàng chục người dân nước này và đang đặt phần còn lại của châu Á vào tình trạng báo động.

Hiện có 59 trường hợp đang mắc phải căn bệnh viêm phổi chưa được nhận dạng tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc với 7 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng chủ yếu của căn bệnh là sốt cao, trong đó một vài người bệnh gặp chứng khó thở và cả hai phổi bị tổn thương.

Tình hình bắt đầu nhận được sự chú ý từ cuối tháng 12 và làm dấy lên nhiều lo ngại về một nạn dịch SARS mới có thể bùng lên tại Trung Quốc. Từ tháng 11/2002 tới tháng 7/2003, đại dịch SARS đã ảnh hưởng tới 37 quốc gia trên toàn thế giới, với 8.000 người bị mắc bệnh và 774 người bị thiệt mạng.

Hôm chủ nhật (5/1), chính quyền Vũ Hán cho hay, họ đã loại trừ khả năng căn bệnh bí ẩn là SARS, MERS hay cúm gia cầm.

Nếu không phải là SARS thì là gì?

Theo cơ quan y tế Vũ Hán, dịch viêm phổi bùng phát từ ngày 12 – 29/12 với một số bệnh nhân làm việc tại một khu chợ hải sản trong thành phố.

Truyền thông địa phương đăng tải, ngoài hải sản, khu chợ còn kinh doanh cả động vật sống như gia cầm, thỏ, rắn… Điều này dẫn tới một số phỏng đoán là virus đã bị lây sang người từ động vật.

Giáo sư David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về hô hấp từ Đại học Hong Kong Trung Quốc nói với CNN, gần như chắc chắn đây là một loại virus gây viêm phổi mới. "Vấn đề là có phải các gia súc bán tại chợ là một trong những nguyên nhân lây bệnh hay không", ông nêu ra câu hỏi.

Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc căn bệnh có thể lây từ người sang người mặc dù ít nhất 163 người có quan hệ gần gũi với người bệnh đã bị đặt trong tình trạng theo dõi cách ly.

Tuy nhiên, những lo sợ về một đợt dịch bệnh lây lan toàn quốc vẫn chưa thể dịu đi. Chỉ còn ít ngày nữa là bắt đầu thời kỳ di chuyển Tết Âm lịch bận rộn tại Trung Quốc khi hàng trăm triệu người dân sẽ "chen chúc" trên các phương tiện công cộng như tàu hỏa, xe buýt và máy bay để về đoàn tụ gia đình; cùng với hàng triệu người dân Trung Quốc khác có thể sẽ đi du lịch nước ngoài.

"Nếu virus chỉ lây từ động vật sang người, giờ đây khu chợ đã bị đóng cửa và khử trùng, cơ hội người dân bị lây nhiễm sẽ thấp hơn", giáo sư Leo Poon, một chuyên gia về bệnh SARS từ Đại học Hong Kong hy vọng.

Châu Á tăng cường phòng ngừa

Song song với Trung Quốc, chính phủ các nước châu Á khác cũng đang quan sát căn bệnh mới một cách cẩn trọng, cũng như gia tăng các biện pháp phòng ngừa.

Tại Hong Kong, có tới 21 người bị phát hiện đang có triệu chứng sốt hoặc các bệnh về hô hấp sau khi bay về từ Vũ Hán; tuy nhiên, chưa có người nào bị kết luận là mắc căn bệnh bí ẩn trên.

Tại Singapore, du khách đến từ Vũ Hán cũng phải đi qua máy đo nhiệt độ, trong khi chính quyền Hàn Quốc cảnh báo người dân Hàn đang có mặt tại Vũ Hán không tiếp xúc với các động vật hoang dã, gia cầm hoặc tới các khu chợ địa phương.

Mùa thu và mùa đông thường là những thời điểm dễ xảy ra dịch cúm nhất. Theo Tiến sỹ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, mùa cúm năm nay tại Mỹ hiện được đánh giá là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại