Sông băng New Zealand biến thành màu nâu do thảm họa cháy rừng

Phương Anh |

Các đỉnh núi và sông băng phủ đầy tuyết tại New Zealand đổi màu khi gặp khói và tro bụi từ thảm họa cháy rừng Australia.

Tuyết và sông băng ở New Zealand chuyển sang màu nâu sau khi tiếp xúc với khói bụi từ các vụ cháy rừng ở Australia. Một chuyên gia nói rằng vụ việc có thể làm tăng lượng băng tan trong mùa này tới 30%.

Hôm thứ Tư (1/1), người dân nhiều nơi tại khu vực South Island, New Zealand gặp tình trạng mây màu cam và mặt trời đỏ sau khi khói từ các đám cháy ở Victoria và New South Wales, Australia trôi dạt về phía Đông. Đến thứ Năm (2/1), những bức ảnh chụp từ phía Nam Alps cho thấy khói mù mang theo các hạt bụi nhuốm màu nâu lên những đỉnh núi phủ tuyết và sông băng.

Cựu Thủ tướng New Zealand, Helen Clark bày tỏ lo ngại về các tác động môi trường kéo dài trên núi.

Có hơn 3.000 sông băng ở New Zealand và kể từ những năm 1970, các nhà khoa học ghi nhận chúng bị thu hẹp gần một phần ba. Theo ước tính hiện tại, dự đoán chúng sẽ biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ.

Giáo sư Andrew Mackintosh, từ Đại học Monash, cựu giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Cực, nói trong gần hai thập kỷ nghiên cứu về sông băng ở New Zealand, ông chưa bao giờ thấy một lượng bụi nào như vậy trôi dạt qua biển Tasman (phía Nam Đại Tây Dương, giữa New Zealand và Australia).

"Việc bụi trôi đến các sông băng ở New Zealand khá phổ biến, nhưng phải nói rằng lượng bụi đang đến bây giờ khá bất thường - tôi không nghĩ tôi từng thấy bất cứ điều gì giống như vậy trước đây. Việc có nhiều vật chất lắng đọng trên sông băng theo tôi là rất đáng lo ngại".

Ông Mackintosh cho biết độ trắng của băng và tuyết phản ánh sức nóng của mặt trời và làm quá trình tan chảy chậm lại. Nhưng khi độ trắng này giảm đi, sông băng có thể tan chảy với tốc độ nhanh hơn.

Các sông băng ở nơi cao hơn quanh núi Cook có thể sẽ có tuyết rơi sớm, nhưng các sông băng thấp có thể không có đợt tuyết rơi nào khác cho đến tháng 3 và bụi sẽ tích tụ ở đó, có khả năng chuyển sang màu hồng khi tảo bắt đầu phát triển.

Tác động của bụi có thể sẽ kéo dài không quá một năm, ông Mackintosh nói, nhưng nếu Australia tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn và hạn hán khắc nghiệt thì "đó sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phá hủy của sông băng ở New Zealand nói chung".

Việc khói mù gần đây trôi dạt đến New Zealand là lần thứ tư trong mùa hè này, cơ quan khí tượng Met Service cho biết, và mặc dù không có cảnh báo sức khỏe chính thức nào được đưa ra, nhiều người mắc bệnh hen suyễn đã chọn ở trong nhà trong điều kiện bất thường. Theo Met Service, phần lớn khói còn lại trên New Zealand sẽ hết vào thứ Sáu (3/1).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại