Hà Nội giữ nguyên giá nước từ năm 2013 đến nay

Nguyên Nhung |

Ngoài nguồn nước ngầm, hiện thành phố đang có 3 nguồn nước mặt để sản xuất thành nước sạch cung cấp cho người dân.

Sáng nay (4/12), tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, làm rõ thêm ý kiến đại biểu về các vấn đề dân sinh bức xúc, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thành phố đang giữ nguyên giá nước từ năm 2013 đến nay.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, ngoài nguồn nước ngầm, hiện thành phố đang có 3 nguồn nước mặt để sản xuất thành nước sạch cung cấp cho người dân đó là sông Đà, sông Hồng và sông Đuống.

Về mạng lưới cung cấp nước sạch, thành phố đã xem xét hiện điều chỉnh hệ thống quy hoạch nước sạch cho hợp lý, đảm bảo an ninh, linh hoạt, tổ chức cấp nước tốt khi sự cố xảy ra.

Toàn thành phố có 30 dự án do 20 nhà đầu tư triển khai, các dự án này đang được kiểm tra đôn đốc để đảm bảo tiến độ các nhà máy nước và khắc phục tồn tại của các nhà máy có sự cố, phấn đấu đến năm 2020, 100% khu vực nông thôn đạt tiêu chuẩn nước sạch đô thị.

Về giá nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khẳng định giá nước đang được giữ nguyên: “Về giá nước, hiện thành phố vẫn đang giữ nguyên theo quyết định 38 từ năm 2013 đến nay.

Đặc biệt hiện nay thành phố đang quan tâm xem xét hỗ trợ giá nước cho vùng nông thôn vùng sâu, xa hoặc những vùng có tác động. Để người dân được sử dụng nước đảm bảo tiêu chuẩn nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế của từng khu vực".

Giải đáp ý kiến đại biểu hội đồng nhân dân thành phố về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, dẫn đến không sử dụng hiệu quả nguồn lực của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết: nguyên nhân tình trạng chậm tiến độ đã được làm rõ.

Đó là mất nhiều thời gian trong thiết kế kỹ thuật, dự án, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư thiếu quyết liệt, có nơi sự phối hợp giữa các sở ban ngành, quận huyện đôi lúc còn chưa chặt chẽ…

Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2020, ông Nguyễn Doãn Toản cho biết sẽ tăng cường làm việc với các chủ đầu tư: “Các chủ đầu tư cần xây dựng tiến độ cụ thể, chi tiết để kiểm đếm theo tiến độ của từng dự án.

Qua đó công tác giao ban bám theo tiến độ này sẽ đẩy nhanh được lên. Thành phố cũng đã có nhiều cải cách hành chính liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là giao trách nhiệm cho Chủ tịch các quận huyện một số quyền hạn, trước đây là của thành phố giờ đã phân cấp cho quận huyện các khâu trong giải phóng mặt bằng"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại