Kinh tế Hồng Kông đón hàng loạt "tin dữ", sụt giảm đạt mức kỉ lục: Ai là người chịu trách nhiệm?

Tất Đạt |

Theo báo cáo ngày 2/12, Hồng Kông đã trải qua đợt sụt giảm doanh số bán lẻ kỉ lục vào tháng 10 vừa qua.

Những con số báo động

Chính quyền Hồng Kông cho biết có khả năng thành phố sẽ chịu thâm hụt ngân sách lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua.

Cục Thống kê Hồng Kông cho biết doanh số bán lẻ đã giảm 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 3,86 tỉ USD. Trong 10 tháng đầu năm, tỉ lệ giảm là 9% so với cùng giai đoạn trong năm 2018.

Một phát ngôn viên chính quyền Hồng Kông cho biết đây là con số sụt giảm kỉ lục trong 1 tháng. Người này khẳng định rằng các cuộc biểu tình đã làm xáo trộn hoạt động mua bán của người dân và làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động du lịch.

"Kết thúc tình trạng bạo lực tại địa phương và phục hồi trật tự xã hội là điều quan trọng nhất để giúp hồi phục kinh tế".

Phát biểu cùng ngày, ông Trần Mậu Ba, Cục trưởng Cục Tài chính Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông cũng tiết lộ một số tin xấu của nền kinh tế.

Kinh tế Hồng Kông đón hàng loạt tin dữ, sụt giảm đạt mức kỉ lục: Ai là người chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Tình hình Hồng Kông vẫn chưa bình ổn trở lại sau nhiều tháng biến động. Ảnh minh họa: Bloomberg

Trong đó, GDP Hồng Kông sẽ giảm 1,3% trong năm tài chính giữa bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng song song từ thương chiến Mỹ - Trung và các cuộc biểu tình phản đối chính quyền.

Những cuộc biểu tình quy mô lớn đã bắt đầu từ tháng 6 vừa qua, thường kết thúc bằng các cuộc đụng độ bạo lực giữa người dân và cảnh sát. Người biểu tình quá khích đã phá hoại các ga tàu, chặn đường, làm cản trở di chuyển của người dân, gây hấn với các cửa hàng và những doanh nghiệp có liên quan tới đại lục.

"Các biến động xã hội đã gây ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế. Ngày càng ít du khách tới Hồng Kông trong khi người dân địa phương cũng không muốn tiêu thụ hàng hóa. Theo dự đoán của các nhà kinh tế, các cuộc biểu tình đã khiến Hồng Kông thiệt hại 2% GDP".

Ông Trần cho biết Hồng Kông có thể sẽ thâm hụt ngân sách trong năm nay, lần đầu tiên kể từ giai đoạn năm 2004-2005.

Ông giải thích các khoản giao dịch bất động sản và thuế đã suy giảm trong khi chi tiêu công để hỗ trợ doanh nghiệp và các nhóm thu nhập thấp đã tăng cao.

Sự suy thoái đã được dự báo trước

Theo SCMP, nền kinh tế Hồng Kông đã chính thức rơi vào suy thoái. Trong quý 3, kinh tế sụt giảm 3,2% so với quý trước đó. GDP giảm 2,9% trong quý 3, mức giảm lớn nhất trong 1 thập kỷ qua.

Lượt du khách tới Hồng Kông giảm ở mức đáng báo động trong tháng 10. So với cùng giải đoạn hồi năm 2018, du khách tới đây đã giảm 43,7%, xuống còn 3,31 triệu lượt khách.

Ông Trần cho biết tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 3,1%. "Ngành thực phẩm chịu nhiều thiệt hại nhất, với tỉ lệ thất nghiệp lên tới 6,1%, cao nhất trong 6 năm trở lại đây," ông nói.

Ông Trần cảnh báo rằng nếu các cuộc biểu tình bạo lực tiếp diễn, người dân sẽ chịu thêm nhiều cực khổ. "Các cuộc bạo động và xô xát đã khiến kinh tế Hồng Kông thiệt hại nặng nề. Tôi hi vọng người dân có thể kết thúc bạo lực và phục hồi trật tự xã hội".

Annie Tse Yau On-yee, chủ tịch của Hiệp hội Quản lý Bán lẻ Hồng Kông với hơn 9.000 thành viên, cho biết mức sụt giảm mạnh là điều có thể dự đoán trước.

Bà cho biết những mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những vật phẩm đắt đỏ như nữ trang, đồng hồ và quà tặng giá trị. Doanh thu những loại hàng hóa này giảm 43% trong khi doanh số bán quần áo cũng giảm 37%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại