Mỹ, Trung Quốc cạnh tranh xây thành phố thông minh tại Đông Nam Á

Hà Linh |

Một năm trước, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ hỗ trợ kế hoạch của Đông Nam Á chuyển biến các đô thị phát triển của khu vực thành trung tâm công nghệ cao. Trong khi đó, Trung Quốc cũng nhăm nhe vào lĩnh vực này.

Kế hoạch trên có tên Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN với 26 đô thị từ Bangkok (Thái Lan) tới Yangon (Myanmar) cùng phối hợp để giải quyết vấn đề chung liên quan đến đô thị hóa nhanh chóng và bùng nổ dân số.

Kế hoạch tập trung thay đổi kỹ thuật và áp dụng công nghệ tiên tiến đối với mọi thứ, từ ô nhiễm sông, chống dịch bệnh và cải thiện thu thuế, giảm tội phạm. Phó Tổng thống Pence cho biết kế hoạch khởi động từ tháng 11/2018 và ông cũng cam kết đầu tư ban đầu của Mỹ là khoảng 10 triệu USD.

Cùng thời điểm, Trung Quốc vào tháng 10 tuyên bố đã tiến hành đàm phán với các đối tác khu vực để hỗ trợ mạng lưới thành phố thông minh, hướng tới “tận dụng các cơ hội” về cách mạng số.

Ông Brian Harding, Phó giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định: “Về địa chiến lược, Đông Nam Á là trung tâm cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc”. Trên thực tế, các quốc gia ASEAN cũng tìm cách cân bằng mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết việc Tổng thống Donald Trump vắng mặt trong hội nghị thượng đỉnh gần đây của các lãnh đạo ASEAN đã thể hiện tín hiệu nhiều chiều về cam kết của Mỹ đối với khu vực này đồng thời gây phức tạp mối quan hệ ở thời điểm Trung Quốc cũng ra mặt chủ trương đầu tư vào Đông Nam Á.

Ông Moe Thuzar tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận xét: “Đông Nam Á coi cam kết của Mỹ trong khu vực đang trên đà giảm”.

Cuộc khảo sát của các chuyên gia ASEAN do Viện ISEAS-Yusof Ishak thực hiện đầu năm nay cho kết quả 73% người được hỏi cho rằng đánh giá Trung Quốc có ảnh hưởng kinh tế lớn hơn đối với Đông Nam Á trong khi chỉ 8% cho rằng đó là Mỹ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết việc Mỹ tham gia vào dự án số hóa các thành phố Đông Nam Á không chỉ liên quan đến đầu tư mà còn là xây dựng thành phố kết nghĩa để tham gia vào các dự án giao thông, an ninh nước. Nhiều công ty Mỹ đã góp mặt trong các dự án thành thị tại ASEAN như IBM, General Electric.

Tuy nhiên, bà Amalina Anuar tại Trung tâm nghiên cứu Đa phương ở Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nói: “Đối với Mỹ, hiện chưa rõ số ngân sách 10 triệu USD cam kết sẽ được phân bổ và sử dụng thế nào”.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tích cực trong huy động hợp tác với các thành phố của ASEAN qua Huawei với công nghệ 5G. Huawei đã hoàn thành hàng chục dự án cáp quang dưới biển quanh khu vực và lắp đặt hoặc ký thỏa thuận về các sản phẩm giám sát “thành phố an toàn” tại 5 quốc gia ASEAN.

Nhưng Mỹ không hề tin tưởng Huawei, năm 2018, lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quốc phòng trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ đều nhận định rằng các sản phẩm của Huawei gây rủi ro an ninh tới người sử dụng, đồng thời khuyến cáo người dân Mỹ không sử dụng điện thoại của công ty Trung Quốc này.

Lần đầu tiên đầu tư của Trung Quốc tại Đông Nam Á vượt Mỹ là vào năm 2018. Tuy nhiên, 2 quốc gia này vẫn đứng sau Nhật Bản và Liên minh châu Âu.

Ông Chan Jia Hao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Đại học Quốc gia Singapore cho biết Mỹ có lựa chọn khác và tham gia vào các lĩnh vực Trung Quốc chưa chạm tay tại Đông Nam Á như trung tâm dữ liệu, điện lưới thông minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại