Cầm đuốc chui xuống cống: Người biểu tình Hong Kong gặp cả gián, rắn, nước bẩn và khí độc

Tất Đạt |

Hiện tại, vẫn còn nhiều người biểu tình "cố thủ" hoặc tìm cách thoát khỏi Đại học Bách khoa Hong Kong theo những cách không ai ngờ.

Reuters đưa tin, một số người biểu tình Hong Kong mắc kẹt trong trường Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) đã tìm cách thoát ra ngoài theo đường cống thoát nước nhưng bất thành. Hiện tại có khoảng chưa tới 100 người còn ở trong khuôn viên PolyU. Khu vực này được cảnh sát dựng rào chắn và canh chừng cả ngày.

Tới tối muộn hôm 18/11, khoảng hơn 1.000 người đã bị bắt giữ. Một số người biểu tình đã tự ra trình diện trước cảnh sát trong khi một số người khác bị bắt lại khi tìm cách "phá vòng vây", bao gồm đu dây xuống bên dưới.

Những người biểu tình đã đi ủng, đem theo đuốc xuống cống. Tuy nhiên, họ đã phải quay trở lại bởi dòng nước xiết và khí độc tích tụ lâu ngày trong cống rất nguy hiểm.

Vẫn chưa rõ liệu có người nào thoát khỏi PolyU bằng cách này hay chưa.

Cầm đuốc chui xuống cống: Người biểu tình Hong Kong gặp cả gián, rắn, nước bẩn và khí độc - Ảnh 1.

Lều tạm của những người biểu tình. Ảnh: REUTERS/Adnan Abidi

Cầm đuốc chui xuống cống: Người biểu tình Hong Kong gặp cả gián, rắn, nước bẩn và khí độc - Ảnh 2.
Cầm đuốc chui xuống cống: Người biểu tình Hong Kong gặp cả gián, rắn, nước bẩn và khí độc - Ảnh 3.

Khung cảnh bên trong trường PolyU, một sinh viên tập bắn cung trên sân trường. Ảnh: REUTERS/Adnan Abidi

Lính cứu hỏa Hong Kong đã có mặt và chặn lối duy nhất vào cống. Bowie - 23 tuổi, một sinh viên ở Đại học Hong Kong - mô tả lại tình trạng bên dưới cống sau khi quay trở lại mặt đất: "Bên dưới cống có nhiều mùi khó chịu. Có rất nhiều gián và rắn. Mỗi bước đi đều cảm giác rất đau đớn".

"Lực nước chảy rất mạnh. Hong Kong là một thành phố phát triển. Tôi không thể ngờ có ngày tôi phải trốn dưới cống. Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác sợ hãi khi còn ở dưới đó".

Nữ sinh này cho biết mình và bạn đã ngâm trong nước cống khoảng 1 giờ đồng hồ, nhưng sau cùng phát hiện ra rằng không có lối nào để thoát.

"Khi chúng tôi tới cuối đường, chúng tôi phát hiện ra rằng mình vẫn đang ở trong trường PolyU".

Hàng nghìn người bị bắt

Theo Reuters, từ khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng 6, cảnh sát Hong Kong đã bắt 5.000 người có liên quan.

Sáng ngày 20/11, những người biểu tình trong khuôn viên PolyU cho biết họ vẫn còn một số bom xăng, cung tên và những loại vũ khí tự chế khác. Một sinh viên tập bắn cung trong sân trường trong khi những người khác tiếp tục tìm chỗ ẩn náu trong các tòa nhà.

"Tôi đã tính sẵn nơi trốn rồi," sinh viên 19 tuổi tên Paul nói khi tới căng-tin để ăn sáng.

"Tôi có đủ đồ ăn cho ít nhất 1 tuần. Hãy chờ xem".

Hai người biểu tình khác mặc giáp, cầm thanh kinh loại bắt đầu ngủ sau đêm thức trắng canh gác, đề phòng động thái của cảnh sát.

"Chúng tôi cần sẵn sàng. Khi không còn nhiều người bên trong PolyU nữa có thể họ sẽ xông vào," một cựu sinh viên tên Marc, 26 tuổi, nói.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết họ luôn tuân thủ hệ thống "một quốc gia, hai chế độ" được áp dụng ở Hong Kong từ năm 1997 và lên án nước ngoài, bao gồm Anh và Mỹ, vì khiến tình hình khu vực ngày càng phức tạp.

Tại Washington, Thượng viện Mỹ đã đồng thuận thông qua "Dự luật về Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong".

Dự luật mới được Thượng viện Mỹ thông qua sẽ yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ đánh giá thường niên tình trạng kinh tế và thương mại đặc biệt của đặc khu hành chính Hong Kong theo luật pháp Mỹ và giám sát ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đặc khu này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án dự luật, yêu cầu Mỹ phải ngừng can thiệp vào vấn đề Hong Kong và Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại