"Tiêm được 30 giây thì con tôi lả người đi, nôn mửa"

Ngọc Tú |

"Sau khi tiêm được 30 giây thì con lả trên tay tôi luôn rồi sau đó nôn mửa. Tôi hoảng quá bồng con chạy đi. Gần 1 ngày sau thì con mất", mẹ cháu K. mếu máo khóc kể lại.

"Mong các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân để con tôi ra đi thanh thản"

Ngày 18/11, Sở Y tế Nghệ An vẫn đang chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong của một cháu bé gần 10 tháng tuổi xảy ra tại bệnh viện này 1 ngày trước.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, sau khi sự việc xảy ra, phía gia đình và bệnh viện cùng các cơ quan chức năng đã làm việc và lập biên bản niêm phong toàn bộ hồ sơ. Sau đó, phía cơ quan chức năng sẽ kiểm thảo tử vong thì mới đưa ra nguyên nhân chính thức.

Anh Nguyễn Hữu Hảo (SN 1990) bố cháu bé Nguyễn Đăng K. (gần 10 tháng tuổi, nạn nhân tử vong) cho biết, gia đình đã đưa con về nhà mai táng và đang chờ cơ quan chức năng làm việc để làm rõ nguyên nhân cái chết bất thường của con trai anh.

Nói về quá trình chữa bệnh của con trai mình, chị Nguyễn Thị Vân (SN 1996) đau xót kể lại, trước đó K. từng bị viêm phổi và đi viện. Sau mỗi lần điều trị và tiêm thì sức khỏe con chị bình thường.

Ngày 7/11, cháu K. sốt và ho nên chị Vân đưa con vào Bệnh viện huyện Yên Thành. Tại đây các bác sỹ chẩn đoán cháu K. bị viêm phổi.

Theo chị Vân kể lại, khi vào viện thì con chị vẫn sốt. Những ngày sau đó con chị không hết sốt, bệnh không giảm, chị Vân đã gặp và xin bác sỹ chuyển lên tuyến trên nhưng các bác sỹ không đồng ý.

Đến ngày 11/11, cháu K. được các bác sỹ dừng tiêm thuốc và mỗi sáng cho uống 1 viên thuốc. Thấy tình trạng bệnh của con vẫn không đỡ nên chị Vân tiếp tục xin bác sỹ chuyển tuyến. Tuy nhiên đến ngày 14/11, các bác sỹ mới đồng ý và làm thủ tục chuyển cháu K. lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, sau khi thăm khám, các bác sỹ đã chẩn đoán cháu K. bị viêm phổi nặng, theo dõi cúm, theo dõi viêm não - màng não, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. 

Cháu K. được chuyển vào khoa cấp cứu để theo dõi và điều trị. Tại đây, các bác sỹ đã điều trị kháng sinh Ceftazidim và Tobramycin, hỗ trợ dịch truyền và khí dung, hạ sốt.

Ngày 15/11, bác sỹ chuyên khoa Bệnh nhiệt đới đã chẩn đoán cháu bé bị viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn huyết nên đề nghị thay kháng sinh và dùng Rocephin.

"Các bác sỹ kê thuốc ngoài bảo hiểm, nói là ra mua ngoài và nói này thuốc tốt hơn. Tôi ra mua 2 hộp.

Trưa thứ 7 (ngày 16/11 - PV), hơn 11h thì họ kêu đưa con tôi đi tiêm. Tiêm xong khoảng 30 giây thì con tôi lả trên tay luôn chứ không phải 3 phút sau. Con tôi sau đó nôn mửa. Tôi hoảng quá bồng con đi ra cửa thì 1 chị đẩy xe tiêm đi qua chị thấy rồi đến xem và cấp cứu", chị Vân mếu máo khóc nhớ lại sự việc.

Các bác sỹ sau đó cấp cứu cháu K. theo phác đồ sốc phản vệ, nhưng cháu bé đã tử vong vào lúc 6h30 ngày 17/11.

Gia đình chị Vân cho rằng, chính vì thay thuốc kháng sinh, khi tiêm mũi đầu tiên thì con chị mới chết oan như vậy. Gia đình chị rất mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự việc và làm rõ cái chết bất thường của con chị.

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nói về việc thay đổi thuốc kháng sinh

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thừa nhận, có việc thay thuốc kháng sinh khi điều trị cho cháu K. và tiêm mũi đầu tiên thì xảy ra sự việc trên.

Vụ bé 10 tháng tuổi tử vong: Tiêm được 30 giây thì con tôi lả người đi, nôn mửa - Ảnh 1.

Hiện nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu bé vẫn đang tiếp tục được bệnh viện và các cơ quan chức năng làm rõ.

Theo ông Cương thì thuốc mới thay Rocephin này tốt hơn thuốc cũ, thấm vào cơ thể nhanh hơn và hiệu quả hơn. Về nguy cơ xảy ra sốc phản vệ, thuốc mới này cùng nhóm và có nguy cơ tương tự như thuốc cũ đã dùng cho cháu bé.

Về nguyên nhân tử vong của cháu bé, ông Cương cho biết có nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố về sốc thuốc và trên nên tảng của cơ thể cháu bé bị bệnh yếu nên đã dẫn đến tử vong chứ không phải mỗi một nguyên nhân nào.

"Thay đổi thuốc này là khám chuyên khoa và hoàn toàn phù hợp. 2 thuốc này cùng nhóm nhưng về bản chất, công năng thì thuốc mới này hơn hẳn thuốc cũ, thấm vào cơ quan tổ chức nhanh và mạnh hơn.

2 thuốc này (cả thuốc cũ và mới - PV) có nguy cơ sốc phản vệ cao nhất. Và không phải mũi đầu mới bị mà những mũi sau cũng có thể bị.

Trường hợp tử vong này là sau cơn sốc. Chúng tôi chưa họp hội đồng chuyên môn nhưng sáng nay đã họp mấy hội đồng để gom các ý kiến và xem xét lại, ghi nhận lại sự việc thì khả năng sốc là có và sốc nhiễm trùng là chi phối. Tình trạng nhiễm trùng là chi phối nhiều hơn", ông Cương nói.

Hiện phía Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đang phối hợp cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại