Nghệ An: Hàng trăm người dân viết đơn xin thoát nghèo

QUANG ĐẠI |

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, hàng trăm hộ dân thuộc địa bàn miền núi Nghệ An đã làm đơn đề nghị thoát nghèo, nhường lại chế độ của nhà nước cho các hộ khác, tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Không trông chờ chính sách hỗ trợ

Năm 2019, gia đình anh Kha Văn Tuất (SN 1984) và vợ là chị Mạc Thị Đông (trú tại bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An) viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo.

Đơn viết: “Tôi còn độ tuổi lao động, còn đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên xóa nghèo.

Là Đảng viên, tôi xin rút đầu tiên ra khỏi danh sách hộ nghèo để góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và cũng là để gia đình tự nỗ lực phấn đấu”.

Nhiều năm trước, tại Thạch Ngàn, đã có các hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Vừa qua, gia đình chị Lộc Thị Bảo (SN 1985, trú ở bản Mét, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông) cũng đã có đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Qua số liệu tổng hợp, trong vòng 3 năm trở lại đây, toàn huyện Con Cuông có hơn 380 lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo, là địa phương dẫn đầu của tỉnh Nghệ An về xu hướng người dân muốn tự lực vươn lên trong làm ăn kinh tế, không dựa dẫm, trông chờ vào chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.

Trong khi đó, Con Cuông là địa bàn miền núi, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Năm 2018, địa phương còn 20,24% hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người năm 2018 đạt 22,16 triệu đồng/người.

Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, ý thức, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân đóng vai trò quyết định.

Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông - chia sẻ: “Việc viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo cho thấy bà con có ý thức vươn lên, phấn đấu làm giàu theo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”. Phong trào này đang có xu hướng lan tỏa.

Tại thị trấn Lạt (huyện Tân Kỳ - Nghệ An), một số địa phương của huyện Anh Sơn cũng có hàng chục hộ gia đình viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Tạo cơ chế, xây dựng mô hình phát triển kinh tế

“Muốn thoát nghèo, ý thức, động lực của người dân là rất quan trọng, nhưng cần có cơ chế, mô hình hiệu quả để bà con triển khai, phát huy tiềm năng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng” - ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư huyện ủy Con Cuông (Nghệ An), trao đổi.

Tại xã Bồng Khê (huyện Con Cuông), xuất phát từ địa hình miền núi tiềm năng đất đai rộng lớn, khí hậu phù hợp, địa phương chủ trương tập trung quy hoạch xây dựng và cơ cấu kinh tế vùng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình trang trại, gia trại, cây ăn quả, chè công nghiệp, vườn rừng.

Xã còn thực hiện có hiệu quả các đề án sản xuất nông, lâm nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị kinh tế.

Đến thăm trang trại gia đình chị Bùi Thị Vân ở thôn 2/9, ai cũng ngỡ ngàng về quy mô và hiệu quả của nó. Trên diện tích 3.600m2 đất đồi, chị trồng 120 cây bưởi giống da xanh. Sau 4 năm, đến nay, mỗi năm gia đình chị thu lãi ròng 150-200 triệu đồng.

Ngoài các mô hình trồng bưởi da xanh, thôn 2/9 còn có 20 trang trại trồng các loại cây ăn quả khác như ổi, táo, cam, thanh long, chè công nghiệp, trồng rừng nguyên liệu và chế biến nông lâm sản đem lại giá trị kinh tế lớn cho thu nhập cao từ 200-700 triệu đồng/năm.

Anh Bùi Anh Dũng - chủ trang trại bưởi da xanh ở thôn 2/9 - cho biết: Hiện nay, vườn bưởi của tôi đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhiều khách hàng đã đến trực tiếp hoặc gọi điện thoại đặt hàng nên không lo đầu ra nữa.

Giá mỗi quả dao động từ 50.000-60.000 đồng, trừ các khoản chi phí, gia đình tôi cũng có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng.

Nhiều địa phương miền núi ở Nghệ An, nhờ phát huy tốt tiềm năng về đất đai, con người, phát triển các mô hình kinh tế, đời sống người dân từng bước ổn định, nâng cao, thoát nghèo một cách bền vững.

Ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho hay: “Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phát huy ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm dần qua từng năm.

Năm 2018, toàn tỉnh còn 5,54% hộ nghèo, phấn đấu năm 2019 còn khoảng 4% hộ nghèo”.

Theo ông Lê Ngọc Hoa, quan điểm của tỉnh là giảm nghèo bền vững, thực chất, không chạy theo thành tích, với mục đích nâng cao đời sống người dân, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và các chỉ tiêu mà Đại hội đảng bộ tỉnh đề ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại