"Đại tổng quản" Trung Nam Hải phê bình các quan chức hiểu sai lệch, không bảo vệ vị trí hạt nhân của ông Tập Cận Bình

Thủy Thu |

Chủ nhiệm văn phòng trung ương ĐCSTQ chỉ ra, một số quan chức TQ nắm bắt thiếu chính xác hoặc ích kỷ phân tâm làm ảnh hưởng đến hiệu quả việc bảo vệ vị thế hạt nhân của ông Tập.

Theo Lianhe Zaobao (tờ báo tiếng Hoa nổi tiếng của Singapore duy nhất được phát hành ở Trung Quốc), gần đây, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng trung ương ĐCSTQ Đinh Tiết Tường đã có bài phát biểu về Quyết định của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 4 khóa XIX (tức Hội nghị Trung ương 4).

Văn phòng trung ương ĐSCTQ là bộ phận nòng cốt của CPC. Chủ nhiệm Văn phòng trung ương luôn được coi là "đại tổng quản" với trách nhiệm đầu tiên là đôn đốc, giám sát quát triệt thực hiện các công việc quan trọng của chính quyền trung ương.

Quan chức TQ nhấn mạnh khái niệm "hai bảo vệ"

Trong bài phát biểu, ông Đinh Tiết Tường cho biết: "Phải nhận thức sâu sắc rằng" hai bảo vệ "có ý nghĩa và yêu cầu rõ ràng. Bảo vệ vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, đối tượng là Tổng Bí thư Tập Cận Bình chứ không phải ai khác, bảo vệ quyền lực của Trung ương đảng và tập trung, thống nhất lãnh đạo, đối tượng là Trung ương đảng chứ không phải bất kỳ tổ chức nào khác".

Ông này nhấn mạnh: "'Hai bảo vệ' vừa không thể áp dụng rập khuôn, cũng không thể tùy ý quá đà. Về cơ bản, "hai bảo vệ" là nhất thể. Bảo vệ vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình chính là bảo vệ quyền lực của Trung ương đảng và tập trung, thống nhất lãnh đạo; bảo vệ quyền lực của Trung ương đảng và tập trung, thống nhất lãnh đạo, trước tiên cần phải bảo vệ vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình".

Đại tổng quản Trung Nam Hải phê bình các quan chức hiểu sai lệch, không bảo vệ vị trí hạt nhân của ông Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Hội nghị trung ương 4 ĐCSTQ vừa kết thúc vào cuối tháng trước. Ảnh: Tân Hoa Xã

"Hai bảo vệ" là khái niệm về bảo vệ, duy trì vị trí hạt nhân của toàn đảng, hạt nhân của trung ương đảng Tổng Bí thư Tập Cận Bình; bảo vệ quyền lực của Trung ương đảng và tập trung, thống nhất lãnh đạo. Sau Đại hội toàn quốc khóa XIX năm 2017, ĐCSTQ đã thông qua "hai bảo vệ" và xác định đây là nhiệm vụ chính trị, kỷ luật chính trị và các quy tắc chính trị cơ bản nhất của toàn ĐCSTQ.

Đáng chú ý, trong bài phát biểu, ông Đinh Tiết Tường chỉ ra nước này cần giải quyết nghiêm túc hiện tượng một số đảng viên và cán bộ không hiểu rõ, nắm bắt thiếu chính xác về khái niệm "hai bảo vệ" hoặc ích kỷ phân tâm làm ảnh hưởng đến hiệu quả của 'hai bảo vệ"'.

Báo Singapore dẫn phân tích của một nhà quan sát chính trị Bắc Kinh cho rằng, khái niệm "hạt nhân" - từng bị xem nhẹ dưới thời kỳ cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng "cựu long trị thủy", thiếu sự tập trung quyền lực.

"Cửu long trị thủy" chỉ cơ chế lãnh đạo mà 9 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc như dưới thời ông Hồ Cẩm Đào được phân chia quyền lực tương đối đồng đều và mỗi người gần như trở thành "quyền lực tuyệt đối" trong hệ thống mình kiểm soát.

Chuyên gia này cho rằng, việc ông Đinh Tiết Tường yêu cầu nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của "hai bảo vệ", nhấn mạnh hạt nhân là Tổng Bí thư Tập Cận Bình chứ không phải ai khác, tổ chức có thẩm quyền là trung ương ĐCSTQ chứ không phải bất kỳ tổ chức nào khác cho thấy, trong khái niệm "hai bảo vệ" thì việc trước tiên cần bảo vệ là vị thế hạt nhân của ông Tập, bên cạnh đó cảnh báo sự hiểu lầm về phương châm "hai bảo vệ" cả bên trong và ngoài đảng. Đặc biệt, đây là tuyên bố cảnh cáo tất cả tổ chức các cấp của ĐCSTQ khi chỉ khư khư bảo vệ quyền lực cá nhân, tổ chức riêng, ảnh hưởng tới kết quả của "hai bảo vệ".

Theo Zaobao, ông Đinh Tiết Tường cũng đề xuất thiết lập một cơ chế đánh giá, báo cáo, thông báo thường xuyên về các hướng dẫn quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình và tình hình thực hiện các quyết định của CPC, nhằm thiết thực giải quyết những khó khăn và vấn đề trong việc thực thi, đảm bảo các pháp lệnh được truyền đạt thông suốt cũng như việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp lệnh.

"Trong việc quán triệt thực hiện, một số địa phương và đơn vị vẫn tồn tại nhiều vấn đề như không quan tâm, giả vờ, đưa ra lựa chọn, thực thi chiếu lệ, không nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh v.v...", ông nói.

Bài phát biểu của ông Đinh Tiết Tường được xuất bản trong cuốn "Hướng dẫn của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc về việc duy trì và cải thiện hệ thống xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy vài vấn đề về hệ thống quản lý quốc gia và hiện đại hóa năng lực quản lý".

Báo Tân Kinh mới đây dẫn lời ông Trương Chấn Minh, Chủ nhiệm biên tập chính trị, nhà xuất bản Nhân dân cho biết, cuốn sách này được biên soạn bởi nhóm soạn thảo của Hội nghị trung ương 4, tập hợp các bài phát biểu tại hội nghị của hơn 10 lãnh đạo trung ương, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và gần 30 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại