Thủ tướng trả lời chất vấn về an ninh nước sạch cho dân

Hoàng Đan |

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, qua vụ Nhà máy nước sạch Sông Đà bị đầu độc cho thấy, đang có dấu hiệu “lợi ích nhóm” làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo an ninh nguồn nước

Chiều 8/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu và cho rằng, qua vụ việc Nhà máy nước sạch sông Đà bị đầu độc, có dấu hiệu cho thấy vấn đề lợi ích nhóm tạo ra cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, bộc lộ lỗ hổng về an ninh quốc gia.

Ông nói, qua sự việc vừa rồi, cần làm 3 việc: Phải xử lý nghiêm các vi phạm; cần xem xét lại, hoàn thiện quy hoạch sản xuất và cung ứng nước sạch; nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất và cung ứng nước sạch.

Từ thực tế đó, ông Nhưỡng đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?.

Trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương ngày 7/11, cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề cổ phần hóa, nước sạch.

Theo ông Nghĩa, vấn đề an ninh nguồn nước còn quan trọng còn hơn cả an ninh lương thực. Song gần đây, có tình trạng thoái vốn đến 100% ở các công ty cung cấp nước sạch, gây nhiều lo lắng, nguy cơ về an ninh nguồn nước.

"Vừa qua, dư luận phản ánh việc tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này.

Tôi đề nghị Bộ trưởng Công Thương cũng như Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này. Tôi rất khẩn thiết đề nghị xem xét lại không nên thoái vốn hoặc Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các đơn vị này", ông Nghĩa đề nghị.

Thủ tướng trả lời chất vấn về an ninh nước sạch cho dân  - Ảnh 1.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng.

Trả lời câu hỏi về nước sạch của ĐB Nghĩa và ĐB Nhưỡng, Thủ tướng nhấn mạnh, ông đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng quy định Luật tài nguyên nước năm 2012, trong đó phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, tránh tình trạng như vừa qua.

Về tỷ lệ cổ phần hóa công ty nước sạch mà đại biểu Nghĩa phản ánh, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Tôi nhất trí rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của người dân.

Chính vì vậy, Thủ tướng tăng cường chỉ đạo các cấp kiểm tra để thực hiện đúng Luật về bảo vệ tài nguyên nước mà chúng ta đã ban hành”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhắc câu chuyện bà cụ 3 lần viết đơn xin thoát nghèo

Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu câu hỏi, Thủ tướng đã và sẽ làm gì để thực hiện tăng trưởng bao trùm phát triển hài hoà một cách mạnh mẽ, thực chất và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đổi mới mô hình kinh tế.

Ông nói, tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn chậm, sức cạnh tranh của nền kinh tế doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước.

"Chúng ta có rất ít những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế và Thủ tướng còn hơn 1 năm nữa trong nhiệm kỳ này, vậy Thủ tướng dự kiến có giải pháp đột phá gì để cải thiện thực trạng trên", ông Tám nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mô hình tăng trưởng của Việt Nam coi trọng sự bình đẳng tiếp cận các cơ hội, để mọi người dân thụ hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bỏ lại phía sau.

Ông đánh giá chủ trương này rất quan trọng bởi ở một số nước, lấy phía Đông nuôi phía Tây, hay ưu tiên phát triển thành phố lớn, còn Đảng và Nhà nước ta xác định phát triển đồng đều các vùng.

Thủ tướng cho biết vui mừng về sự phát triển các vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Ông nêu rõ, Chính phủ đã trình Quốc hội đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc. Chương trình mục tiêu quốc gia sắp được Quốc hội cho ý kiến, từ đó thực hiện chủ trương phát triển bao trùm. Chính phủ cũng tạo mọi điều kiện, cơ hội cho mọi người, nhất là người nông thôn miền núi cải thiện thu nhập.

Thủ tướng cũng nhắc đến những nỗ lực và thành tựu trong giảm nghèo, củng cố mạng lưới an sinh xã hội, xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại, thu hẹp bất bình đẳng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến hình ảnh bà cụ ở Thanh Hóa 83 tuổi đã 3 lần viết đơn xin thoát khỏi nghèo.

"Điều này cho thấy ý thức tự lực, tự chủ của người dân, đúng truyền thống văn hoá của dân tộc", ông nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại