Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Resort bịt đường ngư dân ra biển, sao hỏi ông Bộ Nông nghiệp?

Hoàng Đan |

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quan điểm, giải pháp để giải quyết việc resort, khách sạn bịt đường ra biển của ngư dân ở nhiều địa phương.

"Bộ có trách nhiệm phối hợp với các địa phương"

Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn vào sáng 6/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quan điểm, giải pháp để giải quyết việc resort, khách sạn bịt đường ra biển của ngư dân ở nhiều địa phương.

Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường nói: "Đường ra biển thì lại đi hỏi ông Bộ Nông nghiệp? Sợ chỗ này không đúng địa chỉ lắm, còn tất nhiên Bộ có trách nhiệm phối hợp với các địa phương, cơ quan quản lý".

Sau câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhiều đại biểu Quốc hội ngồi phía dưới hội trường bật cười.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ở vị trí điều hành nhắc việc này Bộ NN&PTNT phải có tiếng nói với các Bộ, ngành địa phương liên quan ở khía cạnh hỗ trợ ngư dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Resort bịt đường ngư dân ra biển, sao hỏi ông Bộ Nông nghiệp? - Ảnh 1.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng.

"Nếu nói theo khía cạnh đó thì Bộ sẽ ủng hộ quyết liệt và sẽ cùng với bà con ngư dân, các thành phần nêu vấn đề lên để sớm tháo gỡ", ông Cường đáp lại ý kiến nhắc của Chủ tịch Quốc hội và cảm ơn câu hỏi của đại biểu.

Sau khi Bộ trưởng Cường trả lời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chiều nay sẽ nói thêm về vấn đề này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng chất vấn về biện pháp tháo gỡ khó khăn nâng cao sản phẩm cây dừa Việt Nam.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cây dừa có lợi thế trong ứng phó biến đổi khí hậu, thích nghi tốt với xâm nhập mặn và trụ vững trong mưa bão, thực tế ở Bến Tre và các tỉnh phía Nam, Bắc Trung Bộ đã chứng minh điều này.

Ông nói thêm, hiện diện tích dừa thế giới đang giảm, "do vậy Việt Nam tập trung trồng là phù hợp"

Người đứng đầu ngành NN&PTNT cũng nêu rõ "trồng dừa tập trung tốt thì đây có thể trở thành cây tỷ phú".

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã giao các đề tài nghiên cứu khoa học cho cơ quan nghiên cứu và địa phương để nhân giống vô tính cây dừa.

"Muốn phát triển cây dừa thành hàng hoá thì không thể trồng theo kiểu hữu tính như hiện nay. Nay mai làm được giống vô tính, chúng ta sẽ nghiên cứu vùng nào trồng, vùng nào chế biến để đem lại hiệu quả", ông Cường nói rõ.

Bí thư, Chủ tịch tỉnh ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp

Trước đó, cũng trong phiên chất vấn buổi sáng này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề, đời sống người dân Tây Nguyên khó khăn là do giá thành sản phẩm bấp bênh. Ông đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT cho biết giải pháp giải quyết tình trạng này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận dù có nhiều chính sác hỗ trợ, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Một thực tế do họ sản xuất bấp bênh, kém hiệu quả.

Ông nhấn mạnh giải pháp tập trung kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào tổ chức liên kết cho bà con nông dân, phục vụ sản xuất.

"Trong các tỉnh Tây nguyên thì Gia Lai rất tích cực, Bí thư, Chủ tịch tỉnh mời rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí, họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp", ông Cường nói.

Theo ông, hiện có 1 nhà máy đã được hình thành phục vụ sản xuất, nhưng do sự mời gọi nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp cảm động nên quyết định đầu tư thêm một nhà máy nữa.

Ông cũng khẳng định việc này là trách nhiệm của Bộ nên Bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại