Mỹ: ASEAN cần hiệp lực chống lại Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông

Minh Thu |

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh, 10 nước thành viên ASEAN cần hiệp lực để ngăn chặn và kiềm chế hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo AP, hôm 31/10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc sẽ "không để yên" nếu Mỹ triển khai các tên lửa tầm trung tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương .

Cụ thể, theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian, Trung Quốc “cực lực phản đối” kế hoạch của Mỹ và hối thúc Washington hành xử có trách nhiệm cũng như thận trọng để “tránh những hành vi sai trái”.

Dù Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường thắt chặt các mối quan hệ an ninh với các quốc gia Đông Nam Á nhưng hôm 31/10, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ khẳng định, Washington không tìm cách chiếm ưu thế trong khu vực.

Cụ thể, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwell cho hay quan điểm của Mỹ là “nếu không có an ninh, bạn không thể làm thương mại”.

“Cần có yếu tố an ninh. Không ai có thể thích hợp hơn là Mỹ bởi chúng tôi tạo dựng cả mối quan hệ đồng minh và đối tác”, ông Stilwell nói.

Ngoài ra, ông Stilwell cũng hối thúc 10 nước thành viên ASEAN cần hợp sức lại để ngăn chặn và kiềm chế hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông .

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” . Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF vào ngày 1/8 sau khoảng thời gian tạm dừng thi hành các điều khoản của hiệp ước trong vòng 6 tháng. Moscow cũng ra tuyên bố dừng thi hành Hiệp ước INF vào tháng Bảy. Cả Nga và Mỹ nhiều lần lên tiếng đổ lỗi cho nhau vi phạm hiệp ước được Mỹ và Liên Xô cũ ký kết vào năm 1987. INF cấm các nước thành viên phát triển các loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 – 5.500 km.

Tới ngày 19/8, Mỹ đã lần đầu tiên cho thử nghiệm một tên lửa có tầm bắn từng bị cấm trong INF.

Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho hay ông muốn triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất tới châu Á “càng sớm càng tốt” nhằm đối phó với Trung Quốc. Trong đó, 80% tên lửa mà Mỹ muốn triển khai tới châu Á có tầm bắn nằm trong phạm vi cấm của INF. Bên cạnh đó, ông Esper còn thực hiện chuyến công du tới châu Á nhằm tìm kiếm nơi đặt tên lửa của Mỹ.

Trong 32 năm qua, Trung Quốc đã cho phát triển số lượng lớn tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất với tầm bắn vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh nằm ở châu Á.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu cũng đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF nhân một cuộc hội thảo an ninh khu vực diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Theo ông Shoygu, động thái của Mỹ là nhằm vào Nga và Trung Quốc. Ngoài ra, theo ông Shoygu, Mỹ dường như sẽ cho triển khai thêm các tên lửa từng nằm trong danh mục cấm của INF tới châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại