Hiện tượng kỳ quái xảy ra trên biển cách đây hơn 1 thế kỷ: Đã có lời giải!

Trang Ly |

Nhân chứng kể lại, họ chưa bao giờ nhìn thấy một hiện tượng kỳ quái như thế trên biển.

Núi lửa còn hoạt động luôn được ví như quả bom nổ chậm trên hành tinh chúng ta. Việc nghiên cứu để dự báo thời điểm phát nổ của chúng là ưu tiên cấp bách đối với các nhà khoa học địa chất. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, 70% số lượng núi lửa trên Trái Đất nằm ở đại dương.

Việc núi lửa ngầm tồn tại dưới đáy biển vô hình chung mang đến thử thách rất lớn cho các nhà khoa học bởi chúng không hề dễ dàng cho việc nghiên cứu, dự báo.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra một cách giải quyết thông minh, nhưng qua đó cũng tiết lộ những sự thật đáng sợ, đầy kinh ngạc từ các vụ phun trào magma (mắc-ma) dữ dội dưới đáy biển.

Hiện tượng kỳ quái xảy ra trên biển cách đây hơn 1 thế kỷ: Đã có lời giải! - Ảnh 1.

Ảnh: Getty

Năm 1908, các nhân chứng trên tàu hơi nước USS Albatross của Mỹ chứng kiến một hiện tượng kỳ quái: Họ nhìn thấy 'bong bóng xà phòng khổng lồ' trồi lên từ mặt biển với những 'đám mây khói và hơi nước khổng lồ' khiến ai nấy đều kinh hoàng và khó hiểu với sự kiện này, thì đến nay, nhóm của Tiến sĩ John Lyons đã có được lời giải thích khoa học cho sự kiện đó.

Theo nghiên cứu địa chất mới nhất của nhóm các nhà địa vật lý từ Đài quan sát núi lửa Alaska của Cục khảo sát địa chất Mỹ (USGS) do Tiến sĩ John Lyons dẫn đầu thì, họ đã phân tích các bản ghi lại âm thanh tần số thấp trong khí quyển (gọi là sóng hạ âm, có tần số thấp hơn tai người có thể nghe thấy) từ hơn 70 vụ phun trào của núi lửa Bogoslof ngoài khơi bờ biển Alaska trong cuối năm 2016-2017.

Do nằm ở vị trí xa xôi ngoài đại dương nên núi lửa Bogoslof hiếm được các nhà khoa học quan sát thấy mỗi khi nó phun trào. Tuy nhiên, tài liệu đã cung cấp một cái nhìn hoàn toàn về 'quái vật đại dương' này.

Phân tích các bản ghi sóng hạ âm từ 70 vụ phun trào của Bogoslof, các tác giả giải thích: Vào cuối năm 2016, Bogoslof bắt đầu nổi bọt magma từ đáy biển. Các sóng hạ âm bắt nguồn từ sự dao động và vỡ của các bong bóng chứa đầy khí núi lửa. Sau khi hình thành từ cột magma dưới nước và lớn dần lên, khi trồi lên mặt nước, sự chênh lệch áp suất bên trong và bên ngoài bong bóng khiến cho nó phát nổ.

Nhóm của Tiến sĩ John Lyons đã đo được những bong bóng núi lửa độc hại có đường kính 440 mét, nghĩa là nó cao hơn tòa tháp đôi Petronas của Malaysia (tòa nhà cao nhất thế giới tính đến năm 2004).

Điều này có nghĩa là gì? Bong bóng núi lửa sinh ra từ vụ phun trào của Bogoslof hoàn toàn có thể 'nuốt chửng' nhiều kim tự tháp Giza của Ai Cập.

Là sản phẩm của một vụ núi lửa phun trào nên sau khi bong bóng phát nổ, nó phát ra những khí độc hại cho con người như CO2, SO2, CO, HCl, H2S... Bên cạnh đó còn có luồng khí nóng và tro núi lửa (chứa các hạt bụi siêu mịn) phóng ra ngoài không khí.

Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là 'sự trỗi dậy độc hại từ đại dương'. "Hãy tưởng tượng những thứ con người có thể phải hứng chịu, không chỉ là một vụ phun trào magma bình thường mà còn kèm theo đó là những bong bóng khổng lồ chứa khí độc cùng lúc diễn ra." - Tiến sĩ John Lyons nói.

Nghiên cứu được báo cáo trong tạp chí Nature Geoscience.

Bài viết sử dụng nguồn: Science Alert, Wired

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại