Dân Trung Quốc sẽ phải quét khuôn mặt mới được dùng Internet

Tấn Minh |

Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm siết chặt quản lý Internet.

Chính phủ Trung Quốc tiếp tục tăng cường kiểm soát Internet với công bố mới nhất rằng mọi công dân sẽ phải sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để truy cập Internet (vốn đã bị tường lửa chặn khá nhiều nội dung).

Hoạt động này là một phần của hệ thống tín nhiệm xã hội tại Trung Quốc, sẽ được đưa vào hoạt động vào ngày 1/12 sắp tới. Sau khi luật đi vào hiệu lực, công dân Trung Quốc nếu muốn vào Internet tại nhà hoặc trên smartphone sẽ được yêu cầu trải qua quy trình nhận dạng khuôn mặt bởi chính phủ Trung Quốc nhằm xác thực danh tính của họ.

Đây là một vấn đề đáng quan tâm, bởi từ nay, chính phủ Trung Quốc sẽ dùng Internet để đánh giá công dân dựa trên các hành vi trực tuyến hàng ngày của họ.

Kể từ năm 2015, công dân Trung Quốc đã bị yêu cầu phải xuất trình các loại thẻ ID khi đăng ký bắt điện thoại hoặc Internet tại nhà. Luật mới lần này sẽ thực hiện việc xác thực có phải số ID đó thuộc về người đang sử dụng dịch vụ hay không.

Điều luật mới đã được đăng tải trên website của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT), đồng thời đã được triển khai đến mọi nhà mạng viễn thông tại nước này vào ngày 27/9 mới đây, với 3 yêu cầu cần thực hiện:

- Đầu tiên, mọi nhà mạng viễn thông phải sử dụng nhận dạng khuôn mặt để kiểm tra xem liệu người sử dụng dịch vụ kết nối Internet có phải là chủ nhân của ID mà họ đang sử dụng hay không kể từ ngày 1/12. Đồng thời, các nhà mạng phải kiểm tra xem ID đó có phải là ID thật hay không.

- Thứ hai, mọi nhà mạng viễn thông phải nâng cấp các điều khoản và điều kiện dịch vụ của mình, thông báo cho tất cả các khách hàng rằng họ không được phép chuyển đổi hoặc bán lại thẻ SIM điện thoại cho một người khác từ cuối tháng 11/2019.

- Thứ ba, các nhà mạng viễn thông cần hỗ trợ khác hàng kiểm tra xem liệu có số điện thoại di động hoặc điện thoại bàn nào không thuộc về họ nhưng lại được đăng ký dưới tên họ hay không kể từ ngày 1/12. Đối với các số chưa xác định, các nhà mạng viễn thông phải điều tra và khóa ngay lập tức.

Dân Trung Quốc sẽ phải quét khuôn mặt mới được dùng Internet - Ảnh 1.

Điều luật mới xuất hiện sau khi chính phủ Trung Quốc triển khai một chương trình thử nghiệm cho phép công dân trả tiền tàu điện ngầm bằng sinh trắc học khuôn mặt. Hệ thống mới còn "tặng" người cao tuổi ở Thâm Quyến một chuyến đi miễn phí nếu họ trả tiền bằng cách quét khuôn mặt, nhằm khích lệ việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Trung Quốc hiện đang dự định sẽ sáp nhập hơn 170 triệu camera an ninh trong nước với công nghệ AI và nhận dạng khuôn mặt để hình thành nên một hệ thống siêu giám sát. Hệ thống này khi kết hợp với hệ thống tín nhiệm xã hội sẽ có thể xếp loại công dân dựa trên hành vi của họ, và tặng thưởng hoặc trừng phạt tùy theo điểm số.

Theo một bản báo cáo mới từ công ty nghiên cứu thị trường IDC của Mỹ, Trung Quốc đã chi 10,6 tỷ USD vào mua sắm trang thiết bị giám sát video trong năm 2018. Công ty này nói thêm rằng mức chi của Trung Quốc sẽ đạt con số 20,1 tỷ vào năm 2023. Đến 64,3% chi tiêu của Trung Quốc trong năm 2018 là dành cho các camera giám sát. Một con số đáng lo ngại cho tương lai của Trung Quốc.

Vào ngày 30/1 năm nay, IDC đã nhận định Trung Quốc sẽ có khoảng 2,76 triệu camera giám sát vào năm 2022.

Hiện tại, các thành phố, lớp học, và thậm chí là nhà vệ sinh tại Trung Quốc đã tràn ngập công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Bên trong các lớp học, công nghệ này giám sát sinh viên và báo cáo hành động của họ cho giáo viên và phụ huynh. Còn trong các nhà vệ sinh công cộng, nếu muốn sử dụng giấy vệ sinh, công dân nước này cũng sẽ buộc phải quét khuôn mặt.

Dân Trung Quốc sẽ phải quét khuôn mặt mới được dùng Internet - Ảnh 2.

Nhận dạng khuôn mặt để lấy giấy vệ sinh trong toilet công cộng ở Trung Quốc

Nghe có vẻ tệ? Chưa đâu, các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã phát triển một camera đám mây với độ phân giải 500MP, được tích hợp AI, có khả năng chụp toàn cảnh một sân vận động và xác định một cá nhân cụ thể trong đám đông trong tích tắc.

Phiên bản nâng cấp của công nghệ nhận diện khuôn mặt này được phát triển bởi Đại học Fudan ở Thượng Hải và Viện Quang học, Cơ học, và Vật lý Changchun của Học viện Khoa học Trung Quốc ở Changchun, thủ đô của tỉnh Jilin phía Tây bắc Trung Quốc.

Đại học Fudan và Viện Quang học Changchun không phải là những nhà nghiên cứu đầu tiên đạt được tiến bộ trong nhận dạng khuôn mặt. Công ty YITU Technology tại Thượng Hải cũng tham gia vào ngành công nghiệp nhận dạng khuôn mặt khi có thể xác định một người trong chưa đến vài giây từ cơ sở dữ liệu về con người, ngay cả khi khuôn mặt của họ đã bị che đi nhiều phần.

Sự tiến hóa của công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiếp tục diễn ra với tốc độ chóng mặt, khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Bradford đã phát hiện ra rằng "công nghệ nhận dạng khuôn mặt hoạt động kể cả khi chỉ thấy được một nửa khuôn mặt".

Chính sách mới nhất này của Trung Quốc yêu cầu người dùng Internet nước nhà đăng ký khuôn mặt của họ nếu muốn sử dụng dịch vụ rõ ràng là một bước tiến lớn dẫn đến một xã hội đáng sợ trong tương lai. Câu hỏi hiển nhiên lúc này là mất bao lâu nữa, những đòi hỏi về ID khuôn mặt sẽ lan sang Mỹ, EU và nhiều khu vực khác? Mỹ đã muốn triển khai một Đạo luật "Internet ID" từ lâu và với việc Trung Quốc tiên phong triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt, thì cơn ác mộng tồi tệ này cũng không còn xa xôi nữa.

Tham khảo: ZeroHedge

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại