"Thước đo của sự giàu sang": Doanh số mì ăn liền tăng bứt phá, người TQ đang giàu lên hay nghèo đi?

Tất Đạt |

Nhiều người cho rằng doanh số mì gói tăng mạnh là do người lao động tiêu tiền để mua thực phẩm rẻ tiền (như mì gói), nhưng các số liệu của công ty mì lại cho thấy điều ngược lại.

Doanh số tăng mạnh

Sự "hồi sinh" trong doanh số bán ăn liền ở Trung Quốc đã khiến nhiều chuyên gia tranh cãi về vấn đề kinh tế phức tạp: có phải người tiêu dùng đang cắt giảm tiêu thụ vì nỗi lo ngại kinh tế trong tương lai hay không?

Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi chính phủ Trung Quốc đang phụ thuộc vào năng lực tiêu dùng của người dân nước này trong việc củng cố nền kinh tế giữa thời điểm chiến tranh thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nếu người tiêu dùng bớt tiêu thụ hàng hóa, điều đó có nghĩa rằng tăng trưởng sẽ chậm lại nhanh hơn dự kiến.

Tiêu thụ mì ăn liền ở Trung Quốc và Hong Kong đã bắt đầu giảm từ sau năm 2014, một phần bởi vì loại thực phẩm này gặp một đối thủ "nặng kí" là các dịch vụ khởi nghiệp giao thực phẩm tận nhà. Doanh số bán mì ăn liền đã giảm xuống 38,5 tỉ gói vào năm 2016, nhưng sau đó đã tăng lên 40 tỉ gói vào năm ngoái - hoặc hơn 38,8% tổng sản lượng toàn cầu, theo số liệu từ Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới. Các chuyên gia nhận định doanh số này sẽ tăng cao hơn trong năm nay.

Mì ăn liền là một sản phẩm mang tính biểu tượng, gắn liền với thời kì công nghiệp hóa ở Trung Quốc trong 40 năm trở lại đây. Doanh số mì ăn liền tăng nhanh theo cùng với sự gia tăng của tầng lớp công nhân và sụt giảm khi tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao hơn tại đất nước. Những người thuộc giới trung lưu thường có thu nhập cao hơn và do đó có xu hướng dùng tiền để mua những thực phẩm "cao cấp" hơn mì gói.

Thước đo của sự giàu sang: Doanh số mì ăn liền tăng bứt phá, người TQ đang giàu lên hay nghèo đi? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: ImagineChina

Do tầm phổ biến và quan trọng như vậy, mì ăn liền và xe ô tô thường được sử dụng làm thước đo để phân tích xem liệu người tiêu dùng Trung Quốc đang nâng cấp trải nghiệm mua sắm của họ - bằng cách mua các loại mặt hàng đắt tiền hơn - hay được thắt chặt hầu bao bằng cách mua những thực phẩm rẻ tiền và tiết kiệm nhiều hơn.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Trung Quốc, tới tháng 8 vừa qua, doanh số bán xe ô tô đã giảm 14/15 tháng trở lại đây. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự trì trệ trong thu nhập, mức nợ tăng cao và lo lắng về tương lai đã khiến người tiêu dùng chi tiêu thận trọng hơn.

Tuy vậy, mức tiêu thụ cho thực phẩm lại tăng 10,6% trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 8.

"Trong 5 năm qua, doanh số bán mì ăn liền tại Trung Quốc đã tăng trở lại mức 40 tỉ gói (mỗi năm). Ngành công nghiệp này đã đạt được nhiều sự phát triển mới, nhưng cho dù thay đổi như thế nào, thì mì ăn liền vẫn là mì ăn liền," Tao Dong, giám đốc quản lí tại một ngân hàng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương," chia sẻ.

"Doanh số mì ăn liền tăng cao không phải là do sản phẩm này có sự thay đổi lớn, mà là do người tiêu dùng thay đổi quan điểm của họ. Một số sản phẩm giá rẻ khác như rau củ muối cũng có sự thay đổi như vậy. Mặt khác, hàng hóa xa xỉ như ô tô lại không bán chạy như trước. Nói tóm lại, đây là sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng."

Nguyên nhân thực sự?

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc phủ nhận xu hướng này. Thay vào đó, Bắc Kinh cho rằng doanh số bán mì ăn liền tăng cao là dấu hiệu sản phẩm đã được cải thiện. Hay nói cách khác, hiện nay có rất nhiều loại mì cao cấp được đang được người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng.

"Sự hồi sinh của mì ăn liền và rau củ muối không phải bởi vì người tiêu dùng đã giảm mức tiêu thụ, mà bởi vì các công ty đã nắm bắt cơ hội để người Trung Quốc có nhiều lựa chọn và sử dụng thực phẩm cao cấp hơn," tờ Nhân dân Nhật báo viết.

Tingyi Holding, công ty sản xuất mì ăn liền lớn nhất tại Trung Quốc, nói doanh số bán mì ăn liền của hãng đã tăng 3,68% trong giai đoạn từ năm 2018 tới năm 2019, đạt 1,6 tỉ USD. Được biết, tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào loạt sản phẩm mì ăn liền "cao cấp" - có giá 24 NDT (tương đương 78.000 VNĐ) - đắt hơn một bát mì bò tại một số nhà hàng ở các thành phố Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu gần đây, Meng Suhe, người đứng đầu Viện Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Trung Quốc trực thuộc chính phủ, cho biết rằng dòng sản phẩm mì ăn liền cao cấp đã thể hiện sự tăng trưởng thực sự. Theo tính toán của Viện, tổng doanh số bán hàng của 22 nhà sản xuất mì ăn liền lớn của Trung Quốc đạt 51,5 tỷ NDT trong năm 2018, tăng 3,3%.

Cho dù tăng trưởng mạnh nhanh mức tiêu thụ mì trên đầu người ở Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc. Trung bình, một người Trung Quốc dùng 29 gói mì/1 năm, trong khi con số này ở Hàn Quốc là 74,6 gói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại