Vi khuẩn Whitmore và vi khuẩn "ăn thịt người" có phải là một?

HƯƠNG GIANG |

Thông tin vi khuẩn “ăn thịt người” đang khiến cho người dân hoang mang. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, gán cho con vi khuẩn Whitmore là vi khuẩn “ăn thịt người” (flesh eating bacteria) là không chính xác.

Trao đổi với Lao Động, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng nói vi khuẩn gây bệnh Whitmore là vi khuẩn "ăn thịt người" là không chính xác.

Cách nói này sẽ gây hoang mang trong dư luận. Hơn nữa, bệnh Whitmore không dễ dàng lây từ người sang người, vì vậy người dân không cần quá lo lắng."

Theo ông Phu, bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

Vi khuẩn Whitmore và vi khuẩn "ăn thịt người" là khác nhau

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học tổ chức phòng chống ung thư Việt Nam Ruy Băng Tím cho hay: "Con vi khuẩn được cho là có khả năng “ăn thịt người” gây ra bệnh Whitmore khiến cho người dân xôn xao, nhưng gán cho con vi khuẩn Whitmore là “ăn thịt người” (flesh eating bacteria) là không đúng, đây là "nickname" của vi khuẩn Vibrio vulnificus, chúng có khả năng làm hoại tử mô khi chúng gây nhiễm (nên chúng ta có cảm giác chúng đang ăn thịt).

Còn vi khuẩn gây bệnh Whitmore là vi khuẩn khác có tên là Burkholderia pseudomallei, gây chết người do viêm phổi, nhiễm trùng máu và trong trường hợp nặng nhất là suy nội tạng khi không được điều trị kịp thời và đúng cách vì vi khuẩn này kháng nhiều loại kháng sinh thông thường, trong khi đó hệ miễn dịch của cơ thể không chống lại chúng một cách hữu hiệu".

Theo Tiến sĩ Vũ, vi khuẩn này đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) liệt kê vào đối tượng có nguy cơ sử dụng như khủng bố sinh học (Bioterrorism) vì tính nguy hiểm của chúng.

Theo số liệu thống kê CDC người nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei nếu không được điều trị, cứ 10 người thì có tới 9 người chết.

Trong khi đó, những người được điều trị đúng kháng sinh, thì vẫn có khoảng 4 trong số 10 người tử vong, còn nếu được điều trị trong cơ sở y tế với chăm sóc tích cực có thể giảm tỉ lệ người chết còn dưới 2 trong 10 người.

Đồng quan điểm này, bác sĩ Trương Hoàng Hưng (Phòng khám Nhi MD Kids Pediatrics, Thành phố Irving, Texas, Hoa Kỳ) cho biết gọi vi khuẩn Whitmore là vi khuẩn "ăn thịt người" là không chính xác.

Thật ra vi khuẩn "ăn thịt người" là cả một nhóm gồm 30 vi khuẩn khác nhau, gây bệnh viêm mô hoại tử.

Các loại thường gặp là Vibiro vulnificus trong nước mặn, Aeromonas hydrophila trong nước ngọt, liên cầu nhóm A trên da. Chúng gây tình trạng hoại tử mô mềm cực nhanh nên gọi là ăn thịt người, thường phải cắt bỏ vùng mô mềm bị nhiễm trùng vì tốc độ lan nhanh khủng khiếp, có khi phải đoạn cả chi.

"Còn thủ phạm gây bệnh Whitmore là vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei. Mọi người gọi nhầm là do vi khuẩn này hay gây tình trạng viêm nhiễm trùng da gây áp xe và viêm loét da, vì vậy mới bị gán lầm.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore không chỉ gây nhiễm trùng da, mà còn gây viêm phổi, nhiễm trùng xương khớp, hệ thần kinh, gan, lách, tuyến tiền liệt, nhiễm trùng huyết.

Bệnh chữa được nhưng lâu, tốn kém và dễ tái phát. Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 48 giờ" - bác sĩ Hưng khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại