Biển Đông: Trung Quốc đang bị thách thức chưa từng có?

Kiệt Linh |

Các chiến dịch hàng hải, các cuộc thử nghiệm tên lửa, những cuộc tập trận đổ bộ – đây là cách mà Lầu Năm Góc Mỹ đang tăng cường mạnh mẽ các nỗ lực nhằm đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông khi mà Bắc Kinh đang có hàng loạt bước đi gây lo ngại ở vùng biển chiến lược này.

Hồi cuối tuần vừa rồi, một chiến hạm của Mỹ đã tiến đến quần đảo Hoàng Sa trong một chiến dịch nhằm khẳng định “sự tự do hàng hải” ở khu vực. Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc tranh chấp.

Tàu USS Wayne E. Meyer – một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đã đi qua quần đảo Hoàng Sa để bày tỏ sự phản đối đối với đòi hỏi chủ quyền tham lam và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đây là lần thứ 6 trong năm nay Mỹ tiến hành chiến dịch tự do hàng hải – một chiến dịch đang được Mỹ đẩy mạnh nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông.

Trong năm 2017 và 2018, Mỹ thực hiện tất cả 8 chiến dịch tự do hàng hải và chỉ có 6 chiến dịch dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama.

Ngoài chiến dịch hàng hải nói trên, cũng trong tuần trước, Thủy quân Lục chiến Mỹ thông báo về việc họ đã thực hiện một cuộc tập trận trên đảo Tori Shima của Nhật Bản. Trong cuộc tập trận này, lực lượng của Mỹ đã diễn tập các cuộc đổ bộ lên những bờ biển của kẻ thù và chiếm giữ các vùng đất. Cuộc tập trận rõ ràng được thiết kể nhằm tăng cường khả năng của quân đội Mỹ trong việc chiếm một hòn đảo tranh chấp và thiết lập một căn cứ hậu cần cho các chiến dịch trên không.

"Kiểu diễn tập này nhằm giúp các tướng lĩnh ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có thể thể hiện sức mạnh và tiến hành các chiến dịch viễn chinh ở môi trường biển tranh chấp”, một sĩ quan của Mỹ cho biết.

Chưa dừng lại ở đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới đây cũng không ngần ngại cho biết Mỹ đang nóng lòng muốn triển khai các tên lửa mới đến Châu Á. Ông Esper – người chọn Châu Á trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị ông chủ Lầu Năm Góc, đã khẳng định rõ ràng rằng Mỹ muốn nhanh chóng triển khai các tên lửa mới đến Châu Á, có thể chỉ trong vòng vài tháng nữa, nhằm đối phó với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.

Tháng trước, Lầu Năm Góc đã chọn khu vực biển Thái Bình Dương là nơi để họ tiến hành vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tất cả những động thái trên của Mỹ được cho là nhằm gia tăng sức ép lên Trung Quốc.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.

Trung Quốc đã và đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Tiếp đó, Trung Quốc liên tiếp cho triển khai vũ khí, trong đó có các tên lửa, đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Trong vài tuần trở lại đây, Trung Quốc đang gây quan ngại rất lớn cho cộng đồng quốc tế nói chung và các nước có lợi ích ở Biển Đông nói riêng khi liên tiếp có những động thái xâm phạm chủ quyền của nước khác và gây hấn với các nước có tranh chấp trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại