Hoãn xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Sẽ áp giải nếu người triệu tập không đến

Nhóm PV |

Trong số 90 người và 1 cơ quan được HĐXX triệu tập dự phiên tòa với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng thì có tới 76 người vắng mặt.

Sáng 16/9, TAND tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại địa phương này. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải hoãn vì vắng mặt nhiều người tham gia tố tụng.

Theo đó, bị đưa ra tòa là 8 bị cáo từng công tác trong ngành giáo dục và công an của tỉnh Sơn La.

Các bị cáo trong vụ án gồm: Trần Xuân Yến – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La; Lò Văn Huynh - Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Phòng Khảo thí); Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng Khảo thí.

 Hoãn xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Sẽ áp giải nếu người triệu tập không đến  - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Xuân Yến (trái) và cựu Thiếu tá Đinh Hải Sơn đến phiên tòa sáng ngày 16/9. Ảnh: GĐXH

Tiếp đến là Cầm Bun Sọn - Phó trưởng phòng Phòng Chính trị - Sở GD&ĐT; Đặng Hữu Thủy - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu; Đinh Hải Sơn – nguyên Thiếu tá công an; Nguyễn Thanh Nhàn - Phó trưởng phòng Phòng Khảo thí và Đỗ Khắc Hưng – nguyên Trung tá công an. Tất cả các bị cáo đều bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

TAND tỉnh Sơn La đã triệu tập 43 người làm chứng; 47 cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, chỉ có 3 người liên quan, 11 nhân chứng có mặt.

Trong đó, ông Trần Ngọc Hà – Trưởng phòng THPT (Sở GD&ĐT Sơn La) đến tòa nộp giấy triệu tập rồi lập tức rời phòng xử. Ngoài ra, có 2 luật sư bảo vệ các bị cáo vắng mặt.

Trước việc vắng mặt của hàng loạt cá nhân được triệu tập tới tòa, đại diện VKSND tỉnh Sơn La thực hành quyền công tố tại phiên xử đã đề nghị HĐXX sơ thẩm hoãn phiên tòa nhằm tiếp tục triệu tập những người nêu trên đến phiên xử để đảm bảo tính khách quan, toàn diện của vụ án.

Tham gia phiên tòa, luật sư Phạm Văn Hiển – bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị triệu tập các ông Hoàng Tiến Đức – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT cùng Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La.

Tương tự, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh nêu quan điểm, rất cần triệu tập và đánh giá tại tòa lời khai của ông Hoàng Tiến Đức. Những lời khai của nguyên giám đốc sở chắc chắn sẽ giúp làm sáng tỏ sự thật vụ án.

Sau hội khi hội ý, thay mặt HĐXX sơ thẩm, Chủ tọa phiên tòa Quản Hữu Chiến tuyên bố hoãn tòa. Phiên xét xử này sẽ được mở lại vào sáng 15/10 tới đây.

Trao đổi với phóng viên, một luật sư bào chữa cho bị cáo trong vụ án này cho biết, việc vắng mặt ông Đức buộc HĐXX phải hoãn xử phiên tòa là hoàn toàn chính xác.

Bởi ông Đức là nhân vật xuất hiện trong các lời khai của bị cáo, họ cho rằng sự tác động của ông Đức dẫn đến việc có nhiều thí sinh ở Sơn La được sửa điểm hơn.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Xuân Yến - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La khai ông Đức đã đưa cho mình bảng danh sách 8 thí sinh nhờ sửa điểm.

 Hoãn xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Sẽ áp giải nếu người triệu tập không đến  - Ảnh 3.

Ông Hoàng Tiến Đức (bên phải ngoài cùng). Ảnh công an cung cấp.

Tuy nhiên, trong lần làm việc đầu tiên, ông Đức chỉ thừa nhận có đưa bảng danh sách thông tin 8 thí sinh để nhờ xem điểm trước khi công bố công khai. Lần làm việc tiếp theo, ông Đức phủ nhận không đưa bảng danh sách nào cho ông Yến cả.

"Ông Đức được xác định là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Chính vì thế, trong phiên xét xử, ông Đức cần có mặt để các bên hỏi nhiều vấn đề nhằm xác định rõ hành vi, tội danh của các bị cáo.

Sự vắng mặt của ông Đức sẽ khiến cho phiên xử không khách quan, có thể không đúng tội danh đối với các bị cáo", vị luật sư này cho biết.

Cũng theo vị luật sư này, phiên tòa có thể sẽ được mở lại vào tháng 10/2019, khi đó cơ quan chức năng tỉnh Sơn La cần có biện pháp buộc ông Đức có mặt tại phiên tòa.

"Nếu ông Đức tiếp tục không đến tòa thì phiên tòa có thể sẽ không được diễn ra. Chính vì thế, cần có biện pháp áp giải đối với ông Đức để chắc chắn về thời gian xét xử. Đây là vụ việc được dư luận cả nước quan tâm, không thể vì một cá nhân nào đó mà làm ảnh hưởng được", vị luật sư này bày tỏ.

Nói về vấn đề trên, ông Lê Anh Cương - Thư ký phiên tòa cho biết, do giấy mời triệu tập gửi đến địa chỉ nhà riêng, trong lần xét xử tới tòa sẽ gửi giấy mời song song đến đơn vị công tác của những người làm chứng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để lãnh đạo các cơ quan bố trí lịch làm việc, tạo điều kiện cho cán bộ đến dự phiên tòa tới.

Trường hợp người được triệu tập tiếp tục không đến sẽ thực hiện lệnh áp giải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại