Binh chủng Hóa học lên phương án tiêu độc khu vực cháy Công ty Rạng Đông

Hoàng Đan |

Viện Hóa học Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) đã lấy 25 mẫu đất, nước, bùn, tro xỉ, vữa tường, vỏ bóng đèn vỡ... từ đám cháy ở Công ty Rạng Đông đưa về phân tích.

Sáng 7/9, trao đổi với PV, lãnh đạo Viện Hóa học Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) cho biết, đơn vị đã cử lực lượng chuyên trách xuống hiện trường lấy mẫu về phân tích nồng độ ô nhiễm hóa chất từ vụ cháy nhà kho của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông.

Theo đó, từ chiều 5/9, các cán bộ Viện đã lấy 25 mẫu đất, nước, bùn, tro xỉ, vữa tường, vỏ bóng đèn vỡ... từ đám cháy ở Công ty Rạng Đông đưa về phân tích tại phòng thí nghiệm.

Đại diện Viện cho hay, quy trình phân tích thuỷ ngân tương đối phức tạp. Cụ thể, sau khi lấy mẫu về phải ngâm trong axit 16 tiếng, đun hồi lưu khoảng 2 tiếng... sau đó đưa mẫu vào chạy máy.

Mỗi mẫu phải làm 3 lần để đối chứng và lấy số liệu trung bình, kiểm tra lại bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Binh chủng Hóa học lên phương án tiêu độc khu vực cháy Công ty Rạng Đông - Ảnh 1.

Ảnh: CTV.

Về nguyên nhân tiến hành phân tích các mẫu vật lấy từ đám cháy sau khi Bộ TN-MT đã công bố kết quả quan trắc, đại diện Viện thông tin, cơ quan quản lý nhà nước mới công bố một số kết quả quan trắc, như: thuỷ ngân trong không khí, nước, đất..., từ đó đánh giá mức độ ảnh hưởng đến người dân.

Kế thừa kết quả quan trắc này, Viện lấy thêm các mẫu tập trung vào những khu vực mà sau này Binh chủng Hoá học phải xử lý tiêu độc.

Dựa trên kết quả phân tích, những vật chất nào có hàm lượng chất nguy hại nhiều, sẽ được Binh chủng Hoá học tiêu độc, còn ở ngưỡng cho phép thì vận chuyển và thải như bình thường...

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, ban đầu công ty Rạng Đông báo cáo nguồn thủy ngân có thể phát tán ra ngoài môi trường khoảng 15,1 kg.

Nhưng theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30 mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8 mmg cho 1 bóng đèn compact nên khối lượng thủy ngân phát tán là 23,2 kg.

"Chúng tôi xác định số thủy ngân đã phát tán ra môi trường nằm trong khoảng 15,1 - 27,2 kg", ông Nhân nói.

Bộ xác định phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân trong khoảng cách 500 m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy.

Kết quả quan trắc của Bộ TN-MT lại đưa ra con số hoàn toàn khác. Cụ thể, kết quả quan trắc sau vụ cháy cho thấy 1/12 mẫu nước mặt được thu thập vượt hàm lượng thủy ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế (mẫu nước sông Tô Lịch, đoạn ngõ 320 Khương Đình – cống xả thải của nhà máy Rạng Đông); 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn.

Ngoài ra cũng có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thủy ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch.

Theo Bộ TN-MT, cơ quan chức năng cũng xác định hướng phát tán thủy ngân là dòng khí từ sau hàng rào nhà kho ở khoảng cách 200 m, 500 m, 1.000 m.

Trong khoảng 200 m, hàm lượng thủy ngân trong không khí đều nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO là ảnh hưởng sức khỏe con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại