Cảnh sát Hồng Kông nhận áo giáp chống bạo động từ Đại lục, đại biểu quốc hội TQ nhắc lại điều kiện PLA can thiệp

Thủy Thu |

Lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã đặt mua lượng lớn bộ áo giáp chống bạo động từ công ty chuyên sản xuất trang thiết bị bảo hộ cho quân đội Trung Quốc.

Cảnh sát Hồng Kông được trang bị áo giáp chống bạo động

Tờ Sing Tao Daily (Hồng Kông) ngày 24/8 đưa tin, các vụ bạo lực do người biểu tình quá khích gây ra tại đặc khu ngày càng thường xuyên và việc sử dụng vũ khí ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

Theo đó để bảo đảm an toàn cho cảnh sát chấp hành nhiệm vụ trong các cuộc đụng độ với người biểu tình, lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã quyết định mua lượng lớn áo giáp chống bạo động từ Đại lục. Những bộ áo giáp này sẽ bảo vệ cảnh sát Hồng Kông tránh khỏi các đòn tấn công bằng dao, thậm chí bằng đạn của người biểu tình quá khích.

Báo Hồng Kông cho biết, một bộ áo giáp chống bạo động có giá 5.000 đô la Hồng Kông (1 đô la Hồng Kông khoảng 0.1275 đô la Mỹ), bao gồm các bộ phận như thân trước, thân sau, đệm chi trên (vai, khuỷu tay, cánh tay), đệm chi dưới (đùi, đầu gối, bắp chân, bàn chân).

Được biết, bộ áo giáp nặng 7,93 kg này là sự kết hợp của áo giáp chống bạo động và áo giáp chống đạn, có khả năng chống đâm, chống va chạm, chống cháy và chống đạn để bảo vệ hiệu quả toàn bộ cơ thể, đồng thời có thể nâng cao khả năng phòng thủ và tốc độ của cảnh sát chống bạo động.

Cảnh sát Hồng Kông được trang bị áo giáp chống bạo động mới.

Hiện nay, 500 bộ áo giáp đầu tiên đã được chuyển đến Hồng Kông vào ngày 24/8 và được cấp phát cho lực lượng tuyến đầu của ba khu vực lớn gồm đảo Hồng Kông, Đông Cửu Long, Tân Giới. Phần còn lại sẽ được cấp cho các đồn cảnh sát ở các quận khác nhau để đối phó với các cuộc biểu tình bạo lực leo thang.

Sing Tao Daily cho biết, bộ áo giáp chống bạo động này là một loại thiết bị bảo vệ mới được sản xuất bởi Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Vệ Phú Quảng Châu, nơi đã cung cấp hàng trăm ngàn bộ trang thiết bị bảo vệ cho quân đội, lực lượng cảnh sát vũ trang và công an Trung Quốc.

Tình hình Hồng Kông leo thang

Bên cạnh đó, vào ngày 26/8, tờ Ta Kung Pao đã đăng tải bài phát biểu trong hội nghị hai ngày trước đó của Hiệp hội nghiên cứu Hồng Kông-Macau về tình hình Hồng Kông hiện nay, đồng thời chỉ trích rằng, các cuộc biểu tình tại đặc khu đã xuất hiện những đặc trưng của cuộc cách mạng màu xen lẫn các dấu hiệu của chủ nghĩa khủng bố.

Tại hội nghị, nhận định về quan điểm "chính phủ trung ương Trung Quốc sẽ không làm ngơ trước tình hình Hồng Kông, bà Đàm Tuệ Châu - đại biểu quốc hội Trung Quốc kiêm thành viên Ủy ban Luật cơ bản Hồng Kông cho rằng, dù cơ chế "một quốc gia, hai chế độ" mang tính tự trị cao nhưng trung ương Trung Quốc cũng không vì thế mà làm ngơ.

"Khi Hồng Kông không thể tự giải quyết được vấn đề phát sinh hoặc vấn đề đó nằm trong tầm quản lý của trung ương, trung ương đều có thể và đương nhiên ra tay giải quyết, đây là quyền lực, cũng là trách nhiệm của trung ương", bà Đàm nói.

Khi nói về vai trò của lực lượng đồn trú PLA ở Hồng Kông, đại biểu quốc hội Trung Quốc dẫn lại phát biểu năm 1984 của Đặng Tiểu Bình cho hay, ngoài việc khẳng định quyền chủ quyền với Hồng Kông, đơn vị đồn trú PLA còn đảm bảo vai trò ngăn chặn tình trạng hỗn loạn.

Bà này nói, thực tế, quân đồn trú còn ngăn chặn can thiệp của thế lực nước ngoài vào vấn đề Hồng Kông cũng như hỗ trợ chính quyền và cảnh sát đặc khu giải quyết tình trạng hỗn loạn, nhanh chóng dập tắt bạo loạn và khôi phục trật tự, ổn định xã hội.

Đại biểu quốc hội Trung Quốc cũng phản bác quan điểm cho rằng việc triển khai quân đồn trú có nghĩa là sự kết thúc của nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".

"Hồng Kông đang trong tình trạng hỗn loạn. Chính phủ trung ương chắc chắn có thể can thiệp. Sự hỗn loạn là đi lệch so với nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Can thiệp chính là đưa trật tự ra khỏi hỗn loạn và đưa nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" trở lại đúng vị trí", bà Đàm nói.

Bên cạnh đó, bà này cũng nhấn mạnh, chỉ khi chính quyền và cảnh sát đặc khu Hồng Kông không thể kiểm soát được tình hình thì PLA mới can thiệp.

Các cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ tội phạm hình sự sang Trung Quốc đại lục tại Hồng Kông bắt đầu diễn ra từ tháng 6 và sau đó mở rộng song song với loạt yêu cầu của người biểu tình như kêu gọi Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức v.v...

Hình ảnh quốc tế của Hồng Kông đã bị tác động tiêu cực từ các cuộc biểu tình đang diễn ra, đặc biệt là sự gián đoạn tại sân bay quốc tế Hồng Kông hồi giữa tháng. Mới đây, chính quyền Hồng Kông cũng thừa nhận nền kinh tế đặc khu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại