Tại sao cả Nhà Trắng "choáng váng" khi ông Trump đề xuất ném bom hạt nhân vào tâm bão?

Tất Đạt |

Các trận siêu bão đã gây ra những thiệt hại kinh hoàng đối với Mỹ. Vì vậy, Axios cho hay, ông Trump đã không ít lần đề cập tới việc dùng bom hạt nhân để "đánh" bão.

Ý tưởng của ông Trump

Theo báo cáo mới đây từ Axios, tổng thống Trump được cho là đã nhiều lần đề nghị Bộ Nội vụ và các quan chức an ninh quốc gia suy tính tới phương án ném bom hạt nhân vào tâm bão để ngăn loại thảm họa thiên nhiên này làm tổn hại nước Mỹ.

Theo một nguồn tin có mặt tại buổi tóm tắt thông tin về bão tại Nhà Trắng, ông Trump từng nói: "Tôi biết rồi, tôi biết rồi. Tại sao chúng ta không ném bom hạt nhân vào nó?"

"Các cơn bão hình thành ở ngoài khơi châu Phi. Khi chúng đi dọc Đại Tây Dương, chúng ta chỉ việc ném một quả bom vào mắt bão và cản trở nó. Tại sao chúng ta không thể làm vậy?" - tổng thống Mỹ đặt ra câu hỏi.

Nguồn tin của Axios tiết lộ: "Ai nấy đều kinh ngạc tột độ. Sau khi buổi họp kết thúc, chúng tôi nghĩ thầm 'Cái quái gì vừa xảy ra vậy? Phải xử lí chuyện này như thế nào?'"

Được biết, một trong các quan chức có mặt khi ấy trả lời ông Trump rằng: "Chúng tôi sẽ xem xét chuyện này".

Tại sao cả Nhà Trắng choáng váng khi ông Trump đề xuất ném bom hạt nhân vào tâm bão? - Ảnh 1.

Ảnh: Nerdist

Sau đó, ông Trump cũng đưa ra ý tưởng này trong cuộc thảo luận với các quan chức khác, nhưng ý tưởng "ném bom hạt nhân vào bão" chưa bao giờ được cân nhắc trong chính sách chính thức của Washington.

Bình luận về báo cáo này, Nhà Trắng đáp: "Chúng tôi không bình luận về các cuộc thảo luận bí mật hay tổng thống có bàn luận về chuyện này với đội ngũ an ninh quốc gia của mình hay không."

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao khác đã lên tiếng ủng hộ ông Trump, nói: "Mục tiêu của ông ấy - khiến bão không thể đổ bộ đất liền - là một ý tưởng không hề tồi. Không tồi chút nào."

Bất khả thi

Ý tưởng ném bom vào bão đã có từ thời tổng thống Eisenhower. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều đồng ý rằng việc này sẽ không có hiệu quả.

Theo một bài viết khoa học trên trang National Graphic, Mỹ hiện đã có bom hydro, mạnh hơn hàng nghìn lần bom hạt nhân mà nước này thả xuống Nhật Bản. Tuy nhiên, để chặn đứng một cơn bão cần nhiều thứ phức tạp hơn thế.

Jack W. Reed, một nhà khí tượng học tại Phòng thí nghiệm Sandia, là một trong những người đầu tiên nghĩ tới chuyện ném bom để chặn đứng bão. Ý tưởng này được hình thành khi ông Reed nghiên cứu ảnh hưởng khí hậu của lần thử nghiệm bom hydro đầu tiên của Mỹ. Khi đó, một lượng không khí khổng lồ đã được đưa lên hơn 30km trên trời.

Ông Reed đã có cơ hội trình bày ý tưởng của mình tại nhiều cuộc hội thảo, đặc biệt nhất là tại Chương trình Plowshare năm 1959, nơi những công dụng "hòa bình" của vũ khí hạt nhân được thảo luận để áp dụng trong khoa học và công nghiệp.

Trong nghiên cứu, ông Reed cho rằng một tàu ngầm có thể tiếp cận mắt bão, sau đó phóng và cho phát nổ các tên lửa hạt nhân. Vụ nổ sẽ đưa một lượng lớn không khí nóng trong mắt bão bay lên tầng bình lưu. Sau đó khí nóng sẽ được thay thế bởi khí lạnh và làm giảm tốc độ gió, khiến bão yếu đi.

Theo tính toán, ông Reed cho rằng một vụ nổ 20 megaton có thể làm sức mạnh các cơn bão mạnh nhất yếu đi tới 1 nửa.

Tuy nhiên, ông Reed không nhận được nhiều sự ủng hộ. Chính phủ Mỹ tỏ ra quan ngại rằng ném bom hạt nhân vào bão sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực kết thúc các buổi thử nghiệm hạt nhân khi ấy.

Robert Nelson, một nhà vật lí học nghiên cứu về vũ khí hạt nhân, nói ý tưởng này "rất kỳ quặc".

Thứ nhất, chắc chắn các tàn dư phóng xạ sẽ lan truyền và tỏa đi "khá nhanh nhờ vào gió mậu dịch và gây ra hậu quả môi trường kinh hoàng."

Thứ hai, bom sẽ không đủ năng lượng để đánh tan bão. Nhiệt lượng một cơn bão phát ra tương đương với một quả bom hạt nhân 10 megaton nổ 20 phút một lần. Để một cơn bão cấp 5 (theo thang Saffir–Simpson) xuống còn bão cấp 2, phải cần tới khoảng nửa tấn không khí cho mỗi 0,8m2 bên trong tâm bão, tương đương với 500 triệu tấn cho một mắt bão có đường kính 40 km.

Thứ ba, luật pháp quốc tế ngày nay cũng cấm việc thử nghiệm hạt nhân. Hiệp ước nổ hạt nhân vì mục đích hòa bình (PNET) - được kí và thông qua bởi Mỹ trong năm 1990 - đã hạn chế sức mạnh vũ khí nổ vì mục đích phi quân sự xuống còn 150 kiloton, quá yếu so với một cơn bão thông thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại